Thị trường Mỹ khởi đầu tốt đẹp trước tin Citigroup ủng hộ đạo luật giúp ngăn chặn việc tịch thu nhà để thế chấp nợ. Tuy nhiên, tin xấu từ Wal-Mart và các nhà bán lẻ khác đã kéo lùi đà tăng của phố Wall.

Hôm 8/1, chứng khoán Mỹ diễn biến trái chiều khi chỉ hai trong ba chỉ số chính của thị trường tăng điểm. Chỉ số công nghiệp Dow Jones mất 0,31% xuống còn 8.742,46 điểm. Chỉ số công nghệ Nasdaq đóng cửa tại 1.617,01 điểm, đi lên 1,12%. Chỉ số Standard & Poor 500 được cộng thêm 0,34%, kết thúc ngày giao dịch tại 909,73 điểm.

Nhà cho vay hàng đầu nước Mỹ, Citigroup, cho biết sẽ ủng hộ việc thông qua đạo luật giúp giảm áp lực bán nhà để trả nợ cho những người vay ngân hàng để mua bất động sản. Theo nhận định của giới phân tích, đạt được sự đồng thuận của một trong những nhà cho vay hàng đầu như Citigroup là cơ sở vững chắc để đạo luật trên được thông qua.

Kế hoạch này nếu được thực hiện có thể sẽ tác động tích cực lên kinh tế Mỹ trong thời gian dài.

Thị trường Mỹ trải qua phiên giao dịch với những diễn biến trái chiều của các chỉ số chính. Ảnh: infiniteunknown.net.
Thị trường Mỹ trải qua phiên giao dịch với những diễn biến trái chiều của các chỉ số chính. Ảnh: infiniteunknown.net.

Wal-Mart, nhà bán lẻ lớn nhất thế giới, cho biết doanh số bán lẻ tăng 1,7% trong tháng 12. Tuy nhiên, mức trên vẫn thấp hơn nhiều so với mức ước tính tăng 2,8% thu được sau cuộc khảo sát do Thomson Reuters thực hiện. Trước tình hình đó, Wal-Mart vừa hạ thấp dự đoán lợi nhuận quý IV.

Kết quả kinh doanh tại các hãng bán lẻ khác cũng không như mong muốn. Tập đoàn bán lẻ đồ gia dụng Williams Sonoma cho hay doanh thu giảm 24,3% trong giai đoạn 8 ngày nghỉ lễ cuối năm. Nhà bán lẻ lớn thứ sáu tại Mỹ, Sears Holdings, cũng có doanh số giảm 7,3% trong tháng 12.

Cùng ngày, Bộ Lao động Mỹ cho biết trong tuần kết thúc vào ngày 3/1, đã có 467.000 người thất nghiệp, đi xuống so với mức 491.000 người của tuần trước. Số liệu trên thấp hơn ước tính 550.000 từ các nhà phân tích. Bản báo cáo được đưa ra một ngày trước báo cáo thất nghiệp tháng 12. Theo dự đoán, nước Mỹ sẽ có thêm nửa triệu lao động mất việc và tỷ lệ thất nghiệp leo lên 7% sáu tháng cuối năm.

Ông Todd Leaon, Trưởng Giao dịch tại Cowen & Co, nói: "Trong cả năm 2009, chúng ta sẽ thấy những con số thất nghiệp tồi tệ". Ông Leaon nhận định các doanh nghiệp sẽ tiếp tục cắt giảm nhân công cũng như thu hẹp quy mô hoạt động để cầm cự với khó khăn kinh tế.

Sau khi mất 12% giá trị vào phiên trước, dầu tiếp tục giảm 69 cent trong hôm qua xuống còn 41,94 đôla một thùng.

Chứng khoán châu Á mất điểm hàng loạt sau diễn biến không tốt từ thị trường Mỹ trong phiên trước. Chỉ số Hang Seng của Hong Kong và Shanghai Composite thụt lùi lần lượt 3,81% và 2,38%. Hai thị trường hàng đầu châu lục vẫn bị ám ảnh bởi nỗi lo các nhà đầu tư lớn tại phương Tây sẽ tiếp tục bán ra cổ phiếu ngân hàng, tương tự như những gì mà Bank of America đã làm với cổ phiếu của Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc.

Khối công nghệ giảm mạnh đẩy chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản sụt giảm 3,93%. Tại Hàn Quốc, chỉ số KOSPI cũng bị trừ 1,83%.

Tương tự thị trường châu Á, cổ phiếu châu Âu ngập trong sắc đỏ. Ngân hàng Trung ương Anh vừa quyết định hạ lãi suất từ 2% xuống còn 1,5%, mức thấp nhất kể từ khi ngân hàng này được thành lập vào thế kỷ 17. Từ đầu năm 2008 đến nay, lãi suất cơ bản tại Anh đã giảm tới 3,5%.

Dù có được thông tin hỗ trợ khá mạnh, chỉ số FTSE 100 của Anh vẫn giảm 0,05% sau phiên hôm qua. Chỉ số DAX của Đức đóng cửa thấp hơn tham chiếu 1,17%. Chỉ số CAC 40 của Pháp giảm 0,65% giá trị.

Tới 10h20 hôm nay, chỉ số Nikkei 225 giảm 0,94%. Chỉ số Hang Seng tăng 0,14%. Chỉ số Shanghai Composite tăng 0,48%. Chỉ số KOSPI giảm 1,44%.

Xuân Hòa (theo CNN, Bloomberg)