Theo nhận định của giới chuyên gia, việc lạm phát có thể lên tới hai con số chỉ tác động gián tiếp chứ chưa trực tiếp tới thị trường chứng khoán. Các nhà đầu tư cũng cho hay, ở thời điểm hiện tại, họ quan tâm nhiều tới IPO của Vietcombank hơn là thông tin này.

Ngày 27/11, tổ điều hành thị trường trong nước (Bộ Công thương) đã đưa ra dự báo, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 12 sẽ tăng trên 1,5% và cả năm nay lạm phát sẽ đứng ở mức hai con số, gần 11%.

Theo các chuyên gia, việc lạm phát ở mức cao chắc chắn có tác động tới thị trường chứng khoán, song chỉ là gián tiếp chứ không phải trực tiếp như quyết định về thuế chứng khoán hay chỉ thị 03.

Phó phòng Môi giới, Công ty Chứng khoán VPBank (VPBS) Ngô Văn Minh cho rằng, lạm phát tăng sẽ làm giá nguyên liệu đầu vào sản xuất của các doanh nghiệp tăng lên. Trong khi đó, các doanh nghiệp lại không thể tăng giá đầu ra vì hầu hết là đã ký hợp đồng trung hoặc dài hạn với đối tác nên không thể tùy tiện điều chỉnh giá bán được. Chính vì vậy, lợi nhuận trong quý IV có thể sẽ bị sụt giảm.

"Thông thường hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp tập trung mạnh vào quý IV và kết quả kinh doanh của quý này thường ảnh hưởng tới kết quả chung của cả năm. Nếu lợi nhuận trong 3 tháng cuối năm bị giảm thì chắc chắn sẽ làm giảm kỳ vọng của nhà đầu tư đối với doanh nghiệp đó, ảnh hưởng tới giá của cổ phiếu trên thị trường", ông Minh phân tích thêm.

Nhà đầu tư cân nhắc thận trọng trong bối cảnh thị trường đang lình xình như hiện nay. Ảnh: Hoàng Hà.

Trong khi đó, theo ông Hoàng Xuân Quyến, Trưởng phòng Phân tích - Đầu tư Công ty chứng khoán Tân Việt, lạm phát xảy ra, tức là lượng tiền trong lưu thông đang nhiều và Nhà nước sẽ phải hút tiền về để kiểm soát lạm phát. Để làm được việc này, Kho bạc Nhà nước sẽ bán trái phiếu Chính phủ và các ngân hàng lớn của Nhà nước sẽ phải mua vào lượng trái phiếu này. Như vậy, một luồng tiền đáng kể từ các ngân hàng - có thể đổ vào thị trường chứng khoán qua nhiều kênh khác nhau - sẽ bị giảm đi.

Ngoài ra, tốc độ tăng giá cao hơn lãi suất tiết kiệm, làm cho lãi suất thực âm. Trước nguy cơ người dân ngại gửi tiền vào ngân hàng, các nhà băng sẽ chịu sức ép phải tăng lãi suất lên. Điều này đồng nghĩa với việc họ cũng sẽ nâng lãi suất cho vay để cân đối đầu vào, đầu ra, khiến các quyết định đầu tư của nhiều doanh nghiệp bị ảnh hưởng.

Tuy nhiên, các chuyên gia đều chung nhận định rằng, những tác động trên không trực tiếp và thị trường còn nhiều yếu tố hỗ trợ về cuối năm như lượng kiều hối về nhiều, chu kỳ tăng trưởng vào cuối năm... Theo dự đoán của ông Quyến, cuối năm nay, thị trường chứng khoán sẽ vẫn tăng trưởng khả quan và chỉ số Vn-Index có thể ở mức 1.100-1.200 điểm. "Lạm phát chỉ là một yếu tố đối với thị trường chứng khoán. Nếu có tác động thì cũng không phải trực tiếp ngay mà thường có độ trễ nhất định", ông Quyến nói thêm.

Ngoài ra, điều khiến các nhà đầu tư trên thị trường quan tâm nhiều hơn chính là thông tin về IPO của đại gia ngân hàng Vietcombank (VCB). Theo yêu cầu của Chính phủ, VCB sẽ phải tiến hành IPO ngay tháng 12, song tới nay, rất nhiều người sốt ruột vì ngày giờ cụ thể vẫn chưa được công bố.

Anh Cường, một nhà đầu tư tại sàn chứng khoán Việt, cho hay, đợt thị trường chứng khoán lên cơn sốt hồi tháng 10, mặc dù lúc ấy chỉ số giá tiêu dùng cũng đã ở mức cao và có nhiều dự báo đưa ra về tình hình lạm phát cả năm, nhà đầu tư vẫn lao vào thị trường.

"Đa số các nhà đầu tư quan tâm lúc này chỉ là IPO của VCB bao giờ sẽ tiến hành chứ không phải là chuyện tỷ lệ lạm phát bao nhiêu phần trăm", anh Cường nói.

Theo anh Cường, nếu tin của Vietcombank không tốt lắm thì những thông tin như lạm phát, lãi suất, giá dầu, giá vàng, bất động sản sẽ trở thành mối quan tâm của nhà đầu tư. Còn nếu tin Vietcombank mà tốt thì những tin như kiều hối đổ về, nhà đầu tư nước ngoài quan tâm, kết quả kinh doanh dự kiến quý IV... lại trở thành tâm điểm.

"Nếu xấu thì cái gì cũng xấu, còn nếu tốt thì chỉ một tin không quan trọng cũng làm nhà đầu tư phấn khởi", anh Cường nhấn mạnh.

Ngoài ra, trước những lo ngại về chuyện lợi nhuận của doanh nghiệp có thể bị sụt giảm do lạm phát, anh Dũng, nhà đầu tư sàn HBBS, cho rằng, thông thường khi lập kế hoạch kinh doanh, các doanh nghiệp đều đã tính tới các yếu tố giá cả tăng. Do vậy, khi giá đầu vào tăng, họ cũng sẽ điều chỉnh giá bán ra cho phù hợp.

Thêm vào đó, nhiều doanh nghiệp ký hợp đồng mua nguyên vật liệu từ đầu năm nên không loại trừ khả năng họ vẫn cứ tăng giá bán trong khi giá nhập vẫn như cũ. Trong trường hợp ấy, lợi nhuận của họ có thể sẽ tăng chứ không hề giảm.

(Theo VnExpress)