Tính công khai và minh bạch của thông tin vẫn là vấn đề gây nhiều “nhỏ to” trên thị trường chứng khoán Việt Nam.

thongtinCK.jpg
Rất nhiều nhà đầu tư ở Việt Nam cũng mong chờ được cung cấp thông tin từ những tổ chức phân tích tài chính chuyên nghiệp
Tại cuộc giao lưu trực tuyến “Hội ngộ cơ quan quản lý và nhà đầu tư” được tổ chức ngày 25/11 vừa qua, số lượng các câu hỏi xung quanh vấn đề này chiếm tỷ lệ lớn nhất.

Thông tin chính thức về các công ty niêm yết đến với công chúng chủ yếu qua trang web và bản tin của Sở Giao dịch Chứng khoán Tp.HCM và Trung tâm Giao dịch Chứng khoán Hà Nội. Tuy nhiên, thông tin qua hai kênh này được nhận xét là thiếu cập nhật và chưa đáp ứng được đòi hỏi của thị trường.

Bản tin chứng khoán của Trung tâm Giao dịch Chứng khoán Hà Nội công bố các thông tin cơ bản về doanh nghiệpniêm yết theo số liệu 2006. Hầu hết các doanh nghiệp niêm yết trên Trung tâm Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (2/3 tổng số công ty) niêm yết từ quý 4/2006, do đó chưa đủ cơ sở để tính một số chỉ tiêu như EPS điều chỉnh, ROA, ROE.

“Chúng tôi thực sự hy vọng trong tương lai gần sẽ có các tổ chức tư vấn tài chính chuyên nghiệp tính toán và cung cấp ra thị trường các sản phẩm tính toán công phu và cập nhật hơn để hỗ trợ thêm cho Bản tin của cả 2 sàn”, ông Trần Văn Dũng - Giám đốc Trung tâm Giao dịch Chứng khoán Hà Nội, chia sẻ.

Tại sàn Tp.HCM, kể từ tháng 6/2006, Sở Giao dịch Chứng khoán Tp.HCM đã thực hiện tính toán số lượng cổ phiếu lưu hành bình quân và chỉ tiêu EPS cho 4 quý gần nhất, thay vì năm gần nhất theo báo cáo kiểm toán. Theo ông Lê Nhị Năng - Phó tổng giám đốc Sở Giao dịch Chứng khoán Tp.HCM, với một số công ty mới niêm yết, do không có đủ số liệu 4 quý gần nhất, Sở Giao dịch phải công bố dựa trên báo cáo kiểm toán gần nhất. Khi nhận được đủ số liệu, Sở Giao dịch Chứng khoán sẽ thực hiện cập nhật lại số liệu gần nhất.

Tất cả mọi thay đổi đều được Sở Giao dịch Chứng khoán ghi chú rõ để nhà đầu tư chú ý. Trong thời gian tới, Sở Giao dịch Chứng khoán sẽ vẫn tiếp tục duy trì việc công bố các chỉ số này trên Bản tin Thị trường chứng khoán ra hàng này và rất mong nhận được ý kiến góp ý của quý vị độc giả.

Về phía cơ quan quản lý, ông Vũ Bằng, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, trong thời gian tới, chúng tôi sẽ yêu cầu doanh nghiệpnói riêng, bản thân cơ quan quản lý nói chung nâng cấp website và xây dựng cơ sở dữ liệu, triển khai việc công bố thông tin qua mạng, qua hệ thống điện tử để nâng cao chất lượng công bố thông tin.

Trước mắt, việc nâng cấp sẽ được thực hiện trên nền tảng công nghệ hiện tại, còn nâng cấp đồng bộ, hoàn chỉnh cả hệ thống sẽ gắn với việc nâng cấp và mua sắm công nghệ thông tin toàn thị trường, dự kiến bắt đầu năm 2009.

Nội dung được quan tâm nhiều nhất trong lượng thông tin được công bố là báo cáo tài chính của các doanh nghiệp. Theo quy định tại Thông tư 38/2007/TT-BTC, báo cáo tài chính có hai loại.

Báo cáo tài chính quý phải công bố chậm nhất sau 25 ngày kể từ ngày kết thúc quý. Báo cáo tài chính năm công bố sau 100 ngày kể từ ngày kết thúc năm tài chính. Nếu công ty niêm yết vi phạm quy định về công bố thông tin thì sẽ được xử lý theo Nghị định 36/2007/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ ngày 08/3/2007.

thongtinCK1.jpg

Nhà đầu tư ở Việt Nam được cung cấp quá ít thông tin. (Ảnh minh họa)

Ông Nhị Năng nhận xét: “Hiện nay việc thực hiện công bố thông tin về báo cáo tài chính của các tổ chức niêm yết đều khá tốt, khi không công bố thông tin đúng hạn thì các công ty này đều có công văn xin gia hạn công bố thông tin”.

Giao dịch nội gián cũng là một yếu tố có ảnh hưởng lớn đến tính minh bạch của thị trường. Luật chứng khoán đã đưa ra định nghĩa thế nào là thông tin nội bộ và qui định những người biết thông tin nội bộ là ai.

Theo đó, tất cả các hành vi sử dụng thông tin nội bộ để mua bán chứng khoán cho chính mình hoặc cho người khác, cung cấp thông tin nội bộ hoặc tư vấn cho người khác mua bán, trên cơ sở thông tin nội bộ là hành vi bị cấm, nếu vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định tại Nghị định 36/2007/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ ngày 08/3/2007. Có nhiều vụ việc vi phạm đã được các cơ quan quản lý xử lý vi phạm. Tuy nhiên, dư luận vẫn cho rằng mức độ xử lý là chưa thỏa đáng và chưa đủ sức răn đe.

Trước những thắc mắc của nhà đầu tư về vấn đề này, ông Nhị Năng cho biết: “Tại Sở Giao dịch Chứng khoán Tp.HCM có bộ phận Giám sát giao dịch chuyên theo dõi, phát hiện các giao dịch bất thường để tiến hành điều tra thêm và xử lý nếu chứng minh được là có vi phạm. Các vi phạm thường gặp hiện nay là thành viên hội đồng quản trị, ban giám đốc, ban kiểm soát, kế toán và người có liên quan của những người là thực hiện giao dịch nhưng không công bố thông tin.

Trong thời gian tới, để đảm bảo giám sát hoạt động giao dịch trên thị trường, Sở Giao dịch Chứng khoán đang ưu tiên đầu tư, nâng cấp hệ thống giám sát song song với việc nâng cấp hệ thống giao dịch”.

Tại những thị trường đã phát triển, nhà đầu tư có một kênh thông tin khá tin cậy là những phân tích, đánh giá của các tổ chức phân tích tài chính chuyên nghiệp.

Thông thường, họ là những tổ chức có hàng chục đến cả trăm năm nghiên cứu thị trường và mức độ chính xác, khách quan được đặt lên hàng đầu trong những các bản phân tích của mình. Rất nhiều nhà đầu tư ở Việt Nam cũng mong chờ được cung cấp những thông tin như vậy.

Về điều này, ông Vũ Bằng chia sẻ: “Chúng tôi hoan nghênh ý tưởng hình thành tổ chức phân tích, đánh giá thị trường chuyên nghiệp, khách quan và tôi nghĩ trong thời gian tới, thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ hình thành tổ chức như vậy thông qua chất lượng phân tích, đánh giá thị trường của các tổ chức độc lập. Nhưng dù vậy, nhà đầu tư vẫn phải bình tĩnh và thận trọng với các quyết định của mình, tránh đầu tư theo các tin đồn không chính thức".

(Theo TBKTVN)