Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Thuế thu nhập cá nhân (TNCN) vào ngày 20/11 vừa qua. Theo đó, mức thu đối với lãi đầu tư chứng khoán sẽ là 20%. Vậy NĐT sẽ nộp thuế chứng khoán như thế nào? ĐTCK đã có cuộc trao đổi với bà Nguyễn Thị Cúc, một trong những thành viên chủ chốt của Ban soạn thảo Luật Thuế TNCN về vấn đề này.

Bà có bình luận gì về việc Quốc hội thông qua thuế suất 20% đối với thu nhập từ chuyển nhượng vốn, thấp hơn 5% so với Dự thảo?

Mức 25% như Ban soạn thảo đề xuất là phù hợp bởi vì nguyên tắc thuế TNCN tương đương thuế TNDN đối với cùng 21 loại thu nhập. Hiện nay, các công ty kinh doanh chứng khoán đang nộp thuế TNDN 28%, theo chiến lược cải cách thuế thì năm 2009 sẽ được điều chỉnh xuống 25%.

Ý kiến của nhân dân và nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, căn cứ tính toán của Ban soạn thảo là phù hợp, tuy nhiên TTCK Việt Nam trong những năm đầu tuy có phát triển nhưng vẫn còn non trẻ, cần tạo điều kiện để TTCK, thị trường vốn phát triển sôi động hơn nữa. Để TTCK phát triển, sau khi nghiêm túc cân nhắc các ý kiến, Ban soạn thảo đã thống nhất với các cơ quan hữu quan và trình Quốc hội mức thuế suất 20% và được Quốc hội thông qua. Tôi cho rằng, đây là mức thuế suất phù hợp.

NĐT sẽ nộp thuế như thế nào, thưa bà?

Việc thu thuế được thực hiện biện pháp khấu trừ tại nguồn qua tài khoản của NĐT mở tại CTCK hoặc ngân hàng. NĐT có thể lựa chọn 1 trong 2 phương pháp nộp thuế: nộp theo từng lần chuyển nhượng hoặc theo năm. Theo từng lần chuyển nhượng là khi có phát sinh doanh thu chuyển nhượng, NĐT sẽ nộp thuế với mức 0,1% trên giá trị chuyển nhượng.

Còn nộp theo năm thì NĐT tạm nộp 0,1% trên giá trị từng lần chuyển nhượng trong cả năm và đến cuối năm sẽ quyết toán thuế. NĐT sẽ được bù trừ lãi, lỗ cho các lần chuyển nhượng. Khi có lãi sẽ phải nộp 20% trên số lãi thu được. Còn khi bị lỗ sẽ được chuyển lỗ trong vòng 5 năm tiếp theo như quy định của Luật Thuế TNDN. Chẳng hạn, sau khi đăng ký nộp thuế theo năm, trong 1 năm có 10 lần chuyển nhượng chứng khoán, trong đó 4 lần có lãi, 6 lần bị lỗ. Nếu lấy 4 lần có lãi trừ đi 6 lần bị lỗ mà vẫn còn lãi thì sẽ nộp 20% trên số thực lãi. Còn nếu bị lỗ thì NĐT sẽ được chuyển lỗ sang 5 năm tiếp theo.

Thị trường phi tập trung vốn được đánh giá là có mức vốn hoá lớn hơn thị trường niêm yết nhưng lại chưa có đầu mối quản lý. Thuế đối với các giao dịch này sẽ được thực hiện thế nào?

Chính phủ đang chỉ đạo triển khai nhiều biện pháp để quản lý TTCK phi tập trung. Hiện nay, UBCKNN đang xúc tiến triển khai việc quản lý cổ phiếu chưa niêm yết của các công ty đại chúng, theo đó cổ phiếu muốn giao dịch hợp pháp phải lưu ký tại Trung tâm Lưu ký chứng khoán và mua bán qua các CTCK. Như vậy, những giao dịch này sẽ được kiểm soát và cơ quan thuế có thể thu được thuế.

Nếu NĐT chỉ giao dịch cổ phiếu OTC với nhau, mà không qua TTGDCK thì thuế sẽ thu ra sao, thưa bà?

Cơ quan thuế sẽ thực hiện các biện pháp quản lý theo quy định của Luật Quản lý thuế, trong đó có áp dụng biện pháp khấu trừ tại nguồn và trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan đến công tác thuế. Chẳng hạn, công ty phát hành cổ phiếu khi xác nhận chuyển nhượng cổ phiếu cho NĐT thì cũng có trách nhiệm tính toán, khấu trừ khoản thuế chuyển nhượng nếu phát sinh thu nhập. NĐT khi chuyển nhượng cổ phiếu chắc chắn phải thông qua khâu này vì còn liên quan đến tính hợp pháp của cổ phiếu cũng như chi trả cổ tức, phân chia lợi nhuận…

Nhưng làm thế nào để xác định được giá cổ phiếu làm cơ sở tính toán việc chuyển nhượng cổ phiếu có phát sinh lợi nhuận hay không?

Về nguyên tắc, giá chuyển nhượng là giá thực tế chuyển nhượng, nhưng nếu kê khai không đúng thì được tính theo giá trên thị trường. Chẳng hạn, cổ phiếu ngân hàng TMCP A có mệnh giá là 10.000 đồng/CP. Nhưng trên thị trường lại đang giao dịch là 60.000 đồng/CP. Như vậy, sẽ lấy giá 60.000 đồng/CP làm căn cứ. Nếu NĐT khai thấp hơn thì cơ quan thuế có quyền áp giá tính thuế dựa trên tính toán giá thị trường. Tuy nhiên, để đảm bảo thu thuế chuyển nhượng trên thị trường OTC đầy đủ là rất khó thực hiện, nhưng nếu vì khó mà không thu thì sẽ không thu được thuế. Vì vậy, bên cạnh các biện pháp quản lý thu nhập thì cần có chế tài đủ mạnh, để Luật dần đi vào cuộc sống.

© Copyright 2007 by Intellasia.net