Sau phiên hứng khởi tăng trên 15 điểm ngày 26.11 cùng khối lượng tăng rất ấn tượng, ngay phiên kế tiếp thị trường đã giảm nhẹ trở lại 3,3 điểm khi gặp mức cản tâm lý 1.000 điểm. Biên độ dao động tới trên 11,3 điểm của VN-Index là kết quả của việc bán chặn mạnh tại nhiều CP lớn về cuối phiên.

Hiệu ứng T+4

VN-Index đã có một đợt mở cửa tăng ấn tượng lên mức 998,72 điểm. Có tới 70 mã CP tăng giá khiến không khí sàn giao dịch trở nên lạc quan và lượng chào mua trên tham chiếu được duy trì khá mạnh những phút đầu của đợt khớp lệnh liên tục. VN-Index đạt mức cao nhất lên tới 999,4 điểm, gần sát ngay ngưỡng kháng cự 1.000 điểm. Tuy nhiên, niềm hứng khởi không kéo dài được lâu khi tại hầu hết những CP có quy mô vốn hóa lớn bắt đầu xuất hiện lượng cung giá thấp xả hàng đẩy giá quay trở lại mức tham chiếu và giảm mạnh.

Dường như khối lượng giao dịch lớn gấp đôi so với mức trung bình 20 phiên đã làm STB cạn kiện sức cầu "hiếu chiến" trong phiên ngày 27.11. Nhật ký khớp lệnh của STB cho thấy CP này gần như ngay lập tức được bán hạ giá xuống mức 68.000đ (-1.000đ) chỉ sau 10 lần khớp đầu tiên của đợt giao dịch liên tục và tới giữa đợt, STB giảm tiếp xuống mức 67.500đ. Nguyên nhân khiến lượng cung STB đổ ra lớn có thể là ngày CP về tài khoản và sẵn sàng giao dịch (T+4) của những NĐT mua được thời điểm đáy ngày 21.11.

Ngoài ra, còn phải kể đến 2,7 triệu CP STB mắc kẹt tại đỉnh 66.500-67.000đ ngày 15.11. Thống kê cung cầu STB cho thấy tổng cầu chỉ có 1,33 triệu CP trong khi tổng cung lên tới 3,13 triệu CP. Tương quan quy mô lệnh đảo ngược với trung bình 1.371 CP/lệnh mua so với 1.581 CP/lệnh bán. Lượng cung lớn xuất hiện vào ngày CP về tài khoản - hiệu ứng T+4 - cũng xuất hiện với nhiều blue-chips khác như FPT (-4.000đ/CP), REE (-1.000đ/CP), VIC (-1.000đ/CP)...

Vẫn thiếu lực

Diễn biến xả hàng vào ngày T+4 là một hoạt động bình thường của thị trường khi NĐT ngắn hạn thu lợi. Hoạt động này diễn ra thường xuyên hơn tại những thời điểm thị trường chưa bộc lộ khả năng thay đổi xu hướng một cách rõ rệt. Phiên tăng điểm khá mạnh đầu tuần chưa đưa VN-Index thoát khỏi xu thế giảm. Khối lượng giao dịch lớn tại ngày 26.11 (tăng 45%) cho thấy sức cầu "rình rập" tìm đáy của thị trường vẫn khá lớn nhưng lượng cung cũng lớn không kém. Đây là nguồn cung từ những NĐT bi quan muốn thoát khỏi thị trường tại những phiên tăng giá vì nếu nhận thấy thị trường có khả năng phục hồi vững chắc, NĐT luôn có xu hướng nắm giữ.

Thực tế sau các phiên tăng điểm vừa qua, lượng cung luôn tăng cao trong khi cầu lại giảm xuống. Tổng chào mua ngày 27.11 đạt 13,4 triệu CK, giảm 21% trong khi tổng chào bán đạt 18,2 triệu CK, tăng 31%. Khi lượng cung quanh các phiên tăng giá còn lớn áp đảo lượng cầu thì khả năng tăng trưởng chưa chắc chắn. Một điểm đáng chú ý là hiện tại VN-Index đang gặp phải những mốc cản mạnh tương ứng với các mức cản của đa số CP lớn. Dải hỗ trợ 1.000 điểm trước kia đang trở thành mức kháng cự mạnh.

Nhìn lại quá khứ của VN-Index, chưa lần nào thị trường có thể vượt hoặc giảm một cách dứt khoát qua mốc điểm này. Tuy nhiên mốc tâm lý khi đã bị phá vỡ dễ tạo nên một tâm lý thái quá, hoặc tăng mạnh hoặc giảm mạnh. Thị trường hiện tại vẫn chưa có thông tin hỗ trợ tích cực nào để NĐT có thể lạc quan.

© Copyright 2007 by Intellasia.net