Ngày 31/12 tới là hạn chót để các ngân hàng thương mại đảm bảo tỷ lệ cho vay chứng khoán dưới 3%/tổng dư nợ tín dụng.

Hiện các ngân hàng thương mại rất lo lắng về việc Ngân hàng Nhà nước có áp dụng nguyên tắc bất hồi tố hay không?
Hiện tại, các ngân hàng này rất lo lắng về việc Ngân hàng Nhà nước có áp dụng nguyên tắc bất hồi tố hay không.

Ngày 28/11, một quan chức Ngân hàng Nhà nước cho biết, Ngân hàng Nhà nước tôn trọng mọi quy chuẩn pháp luật và sẽ rà soát từng ngân hàng để không bỏ qua những trường hợp cố tình không rút tỷ lệ cho vay chứng khoán dưới hạn mức quy định.

Lâu nay, các ngân hàng thương mại quốc doanh chỉ chú trọng giải ngân vào các dự án lớn và những khoản vay dài hạn nên “miếng bánh” cho vay đầu tư kinh doanh chứng khoán hầu như chỉ dành cho khối ngân hàng thương mại cổ phần.

Những ngày này, khi “vòng kim cô 03” đang siết đến giới hạn cuối cùng và thật dễ hiểu, trong khi các ngân hàng quốc doanh không bận tâm lắm về chuyện này thì có tới 50% số ngân hàng thương mại cổ phần như ngồi trên đống lửa vì hạn mức cho vay chứng khoán không thể nào kéo về 3% trước ngày 31/12/2007.

Một nửa số ngân hàng thương mại cổ phần vượt quá hạn mức

Ông Trương Đình Song, Phó trưởng ban Pháp luật Hiệp hội ngân hàng (VNBA) cho biết: “Có tới 50% số lượng ngân hàng thương mại cổ phần không có khả năng khống chế dư nợ vốn cho vay đầu tư chứng khoán dưới mức 3%/ tổng dư nợ tín dụng”.

Để có được con số này, VNBA đã tiến hành khảo sát và nhận thấy: mặc dù các ngân hàng thương mại đã áp dụng nhiều biện pháp tích cực nhằm giảm dư nợ xuống dưới tỷ lệ 3% theo quy định như: tổ chức rà soát, sao kê các khoản cho vay đầu tư, kinh doanh chứng khoán đến ngày 30/6/2007; đi sâu phân tích, phân loại nợ, tính mức trích lập dự phòng rủi ro theo quy định; phân công cán bộ theo sát khách hàng để thu nợ đến hạn, họp với khách hàng bàn các giải pháp tài chính vận động trả nợ một phần hoặc toàn bộ nợ chưa đến hạn.

Tuy nhiên, VNBA cho rằng, đến thời điểm 31/12/2007, sẽ vẫn còn một số ngân hàng thương mại, công ty tài chính không rút được dư nợ cho vay chứng khoán xuống theo như tỷ lệ quy định của Chỉ thị số 03.

Ông Song cho biết thêm, hiện tại, tỷ lệ trên tại VIB là 10%, Đông Nam Á 10%, cá biệt còn nhiều ngân hàng ở mức cao hơn. Cách đây ít lâu, ông Lê Xuân Nghĩa, Vụ trưởng Vụ Chiến lược phát triển ngân hàng cho biết, Ngân hàng Nhà nước đã kiểm tra tại 19 ngân hàng thương mại cổ phần và hầu hết trong số này, tỷ lệ cho vay chứng khoán đều ở mức 10 – 24%!

Xem xét nguyên tắc bất hồi tố

Trước tình hình này, VNBA đã gửi công văn số 384/HHNH lên Ngân hàng Nhà nước, kiến nghị cân nhắc xử lý đối với những trường hợp vi phạm sau thời hạn 31/12.

Theo VNBA, hiện tại còn khá nhiều hợp đồng tín dụng hợp pháp, hợp lệ được ký kết trước khi Chỉ thị 03 ban hành và có thời gian đáo hạn sau ngày 31/12/2007.

Ngoài biện pháp ngân hàng phải chủ động thuyết phục, nếu khách hàng không đồng ý thì ngân hàng cũng không thể vi phạm hợp đồng để buộc khách hàng phải trả nợ trước hạn được. Bởi những hợp đồng này đã được ký trước ngày 30/6/2007.

Luật sư Trần Hữu Huỳnh, Trưởng Ban pháp chế VCCI, nói: “Về nguyên tắc, trong giao dịch hợp đồng dân sự, kinh tế là không áp dụng hồi tố. Nếu áp dụng và gây thiệt hại cho phía bên kia thì phải bồi thường. Những việc đã xảy ra trước khi ban hành văn bản luật, sau đó cho một hạn mức thời gian để “hồi” thì không thể “hồi” được”.

Theo ông Huỳnh, phải tôn trọng hợp đồng đã có từ trước trong giao dịch giữa ngân hàng và bên vay tiền, nếu hợp đồng đó không trái luật. Trong trường hợp những giao dịch này đúng theo Luật Dân sự, Luật Tín dụng thì Chỉ thị 03 không thể can thiệp đối với những giao dịch trước đó. Điều này được hiểu nôm na rằng ngày xưa luật quy định 16 tuổi mới được hôn nhân nhưng nay, luật “nâng” lên 18 tuổi thì không có nghĩa, các cặp vợ chồng cưới nhau lúc 16 tuổi trước khi luật ra đời, buộc phải ly hôn!

Ngày 28/11/2007, trả lời phỏng vấn của chúng tôi, một quan chức Ngân hàng Nhà nước cho biết: “Chúng tôi tôn trọng nguyên tắc làm việc theo đúng quy định pháp luật. Những trường hợp nào làm đúng và vượt quá hạn mức thì Ngân hàng Nhà nước sẽ xem xét. Còn những trường hợp vượt hạn mức nhưng không chứng minh được thời điểm hợp đồng ký trước ngày chỉ thị 03 có hiệu lực, đương nhiên sẽ bị xử lý nghiêm”.

Cũng theo vị quan chức này, cho vay chứng khoán chủ yếu là cho vay ngắn hạn, trong thời hạn 6 tháng kể từ khi chỉ thị có hiệu lực (01/7 - 31/12), các ngân hàng hoàn toàn có đủ thời gian để khống chế tỷ lệ dư nợ này xuống dưới mức 3% như quy định. Chỉ có điều, họ có làm một cách riết nóng hay không mà thôi.

Vì vậy, Ngân hàng Nhà nước sẽ rà soát từng hợp đồng của từng ngân hàng thương mại để xem xét cụ thể và vấn đề này không có gì phức tạp vì thời điểm ký hợp đồng với khách hàng đều thể hiện đầy đủ trên sổ sách chứng từ.

Tuy nhiên, mặc dù không nói ra nhưng Ngân hàng Nhà nước hiện không thể nào rà soát và kiểm tra được tính trung thực đối với những hợp đồng cho vay chứng khoán nhưng núp dưới bóng “cho vay tiêu dùng”, “cho vay mua nhà”, “cho vay hộ gia đình đầu tư sản xuất kinh doanh”... Ông Trương Đình Song nói: “Với những hợp đồng kiểu này thì cũng không thể nào thanh tra, kiểm tra được!”.

Một vấn đề khác là mức độ xử phạt của Ngân hàng Nhà nước đối với sự vi phạm này là “nghiêm” đến mức nào. Theo quy định hiện nay, mức xử phạt bằng tiền thuộc thẩm quyền Ngân hàng Nhà nước là từ 20 triệu đồng đến 60 triệu đồng và cùng với đó là thu hồi giấy phép hoạt động của mảng nghiệp vụ mà ngân hàng đó vi phạm.

Một vài ý kiến cho rằng mức phạt tiền như trên đối với các ngân hàng thương mại không phải vấn đề to tát. Chỉ có điều, các ngân hàng rất e ngại Ngân hàng Nhà nước “treo” đúng mảng nghiệp vụ mà mình đang ăn nên làm ra!

Được biết, hiện tại Ngân hàng Nhà nước đã mở đợt tổng rà soát thực hiện Chỉ thị 03 tại tất cả các ngân hàng thương mại cổ phần và đến 31/12 sẽ có kết quả cuối cùng.

(Theo TBKTVN)