Gần 500 nhân viên Công ty Bông Bạch Tuyết (BBT) hiện chưa nhận lương tháng 7, bèn buộc Ban giám đốc quyết định dứt khoát: tiếp tục sản xuất hay phá sản; trong khi nguy cơ bị nhà băng phát mãi tài sản vẫn treo lơ lửng.

Chiều 8/8, gần 20 người lao động đại diện toàn bộ nhân viên Bông Bạch Tuyết đã đưa ý kiến này vào biên bản họp với Ban giám đốc; đồng thời yêu cầu ấn định thời gian trả lương tháng 7.

Bộ phận sản xuất của công ty đã ngưng làm việc từ ngày 12/7 đến nay vẫn chưa đi làm trở lại. Nhiều người trong số đó là trụ cột gia đình với nhiều khoản cần chi tiêu nhưng lương chưa có, công việc lại gián đoạn. Điều mà tất cả nhân viên BBT quan tâm hiện nay là yêu cầu Hội đồng quản trị, ban lãnh đạo công ty phải có câu trả lời dứt khoát, tiếp tục sản xuất kinh doanh hay tuyên bố phá sản để nhân viên công ty tìm phương hướng khác mưu sinh.

Trao đổi với VnExpress.net sáng nay, Tổng giám đốc BBT Tạ Xuân Thọ cho biết, đã xoay sở được nguồn tiền trả lương cho nhân viên công ty, tuy nhiên trước mắt chỉ có khả năng đáp ứng 50% lương cho người lao động, số còn lại vẫn chưa biết cụ thể thời gian thanh toán.

Thương hiệu Bông Bạch Tuyết đã tồn tại hơn 30 năm với các sản phẩm như: băng y tế, gạc y tế, bông tẩy trang, băng vệ sinh... Ảnh: B.H.

Riêng về công ăn việc làm cho người lao động trong thời gian tới, ông Thọ vẫn khẳng định, nếu phương án phát hành cổ phiếu tăng vốn được thông qua, người lao động sẽ có công ăn việc làm trở lại ngay lập tức. Tuy nhiên, đến nay phía Dệt may Gia Định - đại diện 30% vốn Nhà nước tại BBT, vẫn chưa đồng ý phương án tăng vốn này.

Hiện nay một số phòng ban của công ty đã tạm ngưng việc, chỉ giữ lại một số cán bộ công nhân viên thực sự cần thiết để duy trì hoạt động.

Đại diện Maritime Bank hội sở Hà Nội hôm 7/8 đã có buổi làm việc chính thức với lãnh đạo BBT về những khoản nợ quá hạn của công ty này. Theo ông Thọ, phía Maritime Bank có ý định cho BBT vay thêm tiền để tiếp tục duy trì sản xuất kinh doanh do nhận thấy cơ sở vật chất tốt và còn nhiều tiềm năng phát triển, đồng thời Bông Bạch Tuyết có thương hiệu lâu đời...

Thế nhưng, Ban Giám đốc BBT chưa dám "hoan hỉ" mở rộng vòng tay nhận sự hào phóng của Maritime Bank vì "nếu tiếp tục vay sẽ không có khả năng hoàn trả do lãi cao, nợ cũ chưa hết lại chồng thêm nợ mới sẽ chỉ kéo dài cái chết của BBT".

"Nếu phương án phát hành tăng vốn điều lệ được thông qua, công ty mới dám vay thêm vốn này", ông Thọ khẳng định. Theo ông, phương án vay mượn không căn cơ bằng phát hành cổ phiếu, vì ngay lập tức cổ đông sẽ ứng trước 20 - 30% vốn để giải quyết sản xuất kinh doanh không cần phải trả lãi.

Hiện Bông Bạch Tuyết và phía ngân hàng Maritime Bank vẫn chưa chốt lại ngày thanh toán gốc lãi cho nhà băng này cũng như thời hạn trả lời đề nghị trên của ngân hàng. Điều này cũng có nghĩa nguy cơ bị phát mãi tài sản vẫn còn treo trên đầu BBT nếu không trả được nợ vay.

Dự kiến, vào thứ hai tuần sau, Bông Bạch Tuyết sẽ có buổi làm việc với Công ty mua bán nợ và tài sản tồn đọng của doanh nghiệp (DATC). Ông Thọ cho biết thêm, sẽ xem xét, bàn bạc với công ty mua bán nợ này về tiêu chí cũng như lãi suất, khả năng rót vốn cho BBT... Không loại trừ BBT sẽ bán nợ cho DATC như một phương án giải quyết vốn trước mắt.

Cổ phiếu BBT bị Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM "treo" giao dịch hồi gần giữa tháng 7 vì thua lỗ tài chính trong hai năm liên tiếp. Công ty này còn mang nợ ngập đầu tại các nhà băng, thiếu tiền kinh doanh đến nỗi phải ngưng hầu hết hoạt động sản xuất.

Tại đại hội cổ đông diễn ra giữa tháng 7, Ban giám đốc BBT đề nghị phương án phát hành thêm cổ phiếu để huy động vốn tức thì trả nợ, song vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của cổ đông lớn nhất là Dệt may Gia Định. Hậu quả là đến nay mặc dù cổ phiếu BBT đã được phép giao dịch lại trên sàn chứng khoán, nhưng sản xuất vẫn ngưng, phần lớn nhân viên phải tạm nghỉ trong tình trạng bị công ty nợ lương, phương án giải quyết vốn lâm vào cảnh bế tắc trong khi Bông Bạch Tuyết đang đối mặt với nguy cơ bị ngân hàng phát mãi tài sản vì các khoản nợ quá hạn.

Bạch Hường