'Biên độ sẽ được điều chỉnh linh hoạt'
Trong cuộc trao đổi với báo giới tại Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (SSC), ông Nguyễn Sơn, Trưởng ban Phát triển thị trường đã trả lời về các vấn đề liên quan tới điều chỉnh biên độ cũng như một số kế hoạch, chính sách của SSC trong thời gian tới.
- Thưa ông, vì sao biên độ dao động tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM được trả lại mốc 5% mà biên độ tại Trung tâm Giao dịch Chứng khoán Hà Nội lại chỉ là 7% chứ không phải 10% như trước kia ?
- Sàn TP HCM và sàn Hà Nội có tiêu chí niêm yết khác nhau. Ngoài ra thị trường đại chúng chưa niêm yết, có thể bắt đầu hoạt động từ cuối quý III đầu quý IV, có biên độ dao động 10%. Chúng tôi không muốn hai thị trường này (Hastc và Sàn OTC) có biên độ trùng nhau vì thị trường đại chúng chưa niêm yết có tiêu chuẩn tham gia thị trường thấp hơn so với thị trường niêm yết của Hà Nội và cơ chế giao dịch cũng thoáng hơn nhiều.
Biên độ của Sàn TP HCM, Hà Nội, và sàn của Công ty Đại chúng chưa niêm yết được quyết định dựa trên diễn biến thực tế của thị trường. Khi thị trường có dấu hiệu bất ổn, ổn định, hoặc có tín hiệu tốt, chúng ta có thể điều chỉnh biên độ một cách linh hoạt cho phù hợp với thực tiễn của thị trường, chứ không cần nhất nhất phải là 5, 7 hoặc 10%.
Mở đầu cuộc họp báo hôm 14/8, ông Nguyễn Sơn lý giải việc nới biên độ được đưa ra dựa trên những chuyển biến tích cực của Vn-Index về giá trị, và đặc biệt về thanh khoản. Bên cạnh đó, cải thiện về vĩ mô trong nước như CPI, cán cân thương mại, tính thanh khoản và tỷ giá của ngân hàng, dòng vốn FDI. Xét về tình hình quốc tế, thị trường chứng khoán toàn cầu hồi phục, giá hàng hóa cơ bản, đặc biệt là dầu thô và vàng đi xuống. Và mới đây, xăng giảm giá là những diễn biến rất có lợi cho chứng khoán. Sau khi tổng hòa các yếu tố vĩ mô trên, Ủy ban đã có quyết định điều chỉnh biên độ dao động của Vn-Index từ 3% thành 5%, Hastc-Index tăng từ 5% lên 7%. Mức dao động mới được áp dụng từ thứ hai, 18/8. |
- Ủy ban đã thực hiện mở biên độ. Xin hỏi biên độ sẽ tiếp tục được thay đổi ra sao nếu thanh khoản vẫn tốt hơn nữa ?
- Tôi nghĩ rằng thị trường vĩ mô hiện nay mới chỉ được cải thiện chứ chưa tốt thực sự như cách đây một vài năm. Hiện kinh tế vĩ mô vẫn còn tiềm ẩn một số vấn đề, chẳng hạn như xăng dầu điều chỉnh giảm nhưng vẫn ở mức 18.000 đồng, lãi suất cơ bản vẫn là 14%. Đó là những yếu tố tác động đến doanh nghiệp. Tới quý III và quý IV, tài chính doanh nghiệp sẽ có những khó khăn nhất định, và khó khăn này sẽ tác động đến giá cổ phiếu. Vậy nên chúng ta không thể nói rằng tình hình thị trường đã tốt để từ đó đưa ra biên độ cao hơn nữa.
Với mức 5% của sàn HCM, nếu mỗi ngày cộng hoặc giảm 5% liên tục trong khoảng hai tuần đã là một sự thay đổi đột biến. Vì vậy không nên kỳ vọng một mức dao động lớn như thị trường tự do. Hơn nữa, theo quan sát của tôi, trong những phiên vừa qua, rất ít khi Vn-Index chạm trần hoặc sàn dù biên độ chỉ là 3%.
- Trước đây, do giao dịch thị trường sụt giảm, Ủy ban Chứng khoán đã hỗ trợ phí giao dịch cho các công ty chứng khoán. Tuy nhiên, hiện tính thanh khoản đã được cải thiện nhiều. Xin ông cho biết kế hoạch về phí điều chỉnh phí giao dịch của Ủy ban trong thời gian tới?
- Trong thời gian vừa rồi, để hỗ trợ và chia sẻ khó khăn của thị trường, Bộ Tài chính đã tạm thời điều chỉnh phí giao dịch thu từ các công ty chứng khoán từ 0,05% xuống còn 0,03% đối với giao dịch cổ phiếu và chứng chỉ quỹ. Văn bản này vẫn còn nguyên hiệu lực.
Chúng tôi đang trình Bộ Tài chính ban hành 3 văn bản, quyết định liên quan đến phí và lệ phí áp dụng cho tất cả các đối tượng tham gia trên thị trường chứng khoán. Khi các văn bản này được ban hành, chúng tôi sẽ có điều chỉnh tổng thể hơn đối với phí mà Trung tâm và Sở giao dịch thu của các công ty chứng khoán cũng như phí mà các công ty thu của nhà đầu tư.
Mức phí này sẽ phù hợp với tình hình hiện tại, quy mô phát triển của thị trường và phù hợp dần với mức thu theo thông lệ quốc tế. Không chỉ về khung, mức phí mà loại phí, lệ phí cũng sẽ bổ sung thêm để phù hợp với thông lệ.
Ông Nguyễn Sơn, Trưởng ban Phát triển Thị trường, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, đang trả lời phỏng vấn. Ảnh: Xuân Hòa. |
- Xin ông cho biết tình hình xây dựng quy chế cho phép SCIC can thiệp vào thị trường cũng như việc thành lập quỹ bình ổn hiện nay đang được tiến hành đến đâu ?
- Ủy ban và SCIC đang xem xét xây dựng một cơ chế giao dịch của SCIC vào thị trường. Phương án này có sự tham gia của Ủy ban nhưng do SCIC chủ trì.
Trong phương án tham gia này, SCIC sẽ hỗ trợ khi thị trường suy giảm sâu bằng cách mua vào. Còn khi thị trường hồi phục hay tăng điểm liên tục, SCIC không nên tham gia để tranh mua với các nhà đầu tư khác. Tuy nhiên, chúng ta không thể đòi hỏi SCIC giữ cổ phiếu mãi được, SCIC có thể tìm thời điểm hợp lý bán ra để thu hồi vốn. Vốn này sẽ lại được dùng để can thiệp thị trường khi chứng khoán giảm. Dẫu sao, cơ chế giao dịch này vẫn đang trong giai đoạn xây dựng.
Đã có một loạt biện pháp khác được đưa ra từ phía các cơ quan quản lý, trong đó có đề xuất cơ quan quản lý cũng như các thành viên thị trường lập ra một quỹ bình ổn thị trường. Phương án này vẫn đang trong giai đoạn nghiên cứu. Tuy nhiên đằng sau phương án này còn nhiều vấn đề như nguồn can thiệp, cách thức can thiệp và rủi ro sau can thiệp kể cả mua và bán. Tác động của quỹ với các nhà đầu tư nhỏ.
- Do thị trường suy giảm Ủy ban Chứng khoán trước đây đã có văn bản đề nghị các công ty chứng khoán hạn chế giao dịch kỳ hạn (repo). Thời điểm này tình hình đã được cải thiện khá nhiều, vậy xin hỏi những điều chỉnh nào về repo sẽ được ủy ban đưa ra trong thời gian tới ?
- Trước đây chúng ta không có văn bản nào quy định về các giao dịch kỳ hạn hay còn gọi là Repo và cầm cố chứng khoán. Các công ty chứng khoán đã thực hiện không theo khuôn mẫu nào cả. Đặc biệt nhiều công ty có repo và cầm cố với mức rất lớn, nếu tính tổng giá trị hợp đồng repo so với vốn điều lệ. Khi thị trường suy giảm nhiều thì đây là việc rất nguy hiểm, và nó tác động tới không chỉ công ty chứng khoán đó, mà còn tới toàn bộ hệ thống công ty cũng như thị trường.
Vì vậy Ủy ban Chứng khoán đã có văn bản mang tính chất khuyến cáo, không bắt buộc, các công ty chứng khoán tạm ngừng ký mới hợp đồng repo. Đối với các hợp đồng cũ chưa đến thời điểm đáo hạn thì có thể xem xét gia hạn thêm, vì trong bối cảnh thị trường suy giảm mà phá vỡ hợp đồng repo và thực hiện giải chấp thì sẽ càng tác động mạnh với thị trường.
Đến thời điểm hiện nay, có những công ty nói rằng nếu thị trường có dấu hiệu tốt họ vẫn sẽ triển khai hoạt động này. Theo tôi, thị trường cải thiện thì bản thân các hợp đồng repo cũng là một trong những cơ sở để tăng giao dịch của thị trường, tăng cơ hội cho nhà đầu tư.
- Dòng vốn đầu tư gián tiếp thời gian gần đây đổ vào VN khá mạnh. Xin hỏi quy mô dòng vốn này hiện nay ra sao ?
- Dòng vốn gián tiếp được đổ vào VN thông qua các ngân hàng được phép kinh doanh ngoại hối và do Ngân hàng Nhà nước giám sát. Chúng tôi chỉ có thể theo dõi được một phần nguồn này qua các giá trị danh mục đầu tư hiện thời của thị trường chính thức, khoảng 30 tỷ đôla. Còn số liệu về tổng nguồn vốn vào do Ngân hàng Trung ương nắm giữ.
- Hiện tại có hiện tượng nhà đầu tư mở nhiều tài khoản để giao dịch và làm lượng giao dịch không phản ảnh đúng cung cầu tự nhiên của thị trường. Ủy ban có điều chỉnh gì để hạn chế hoạt động này không ?
- Chúng tôi đang xây dựng quy chế giao dịch mới và đang lấy ý kiến tham gia của các đơn vị thuộc bộ tài chính. Trong quy chế mới sẽ bàn đến rất nhiều vấn đề, trong đó có việc đầu tư mở nhiều tài khoản và nhà đầu tư có được mua bán chứng khoán trong cùng phiên hay không. Những vấn đề này đang nằm trong dự thảo. Chúng tôi mong rằng sẽ sớm đưa dự thảo này lên trang web của Ủy ban để lấy ý kiến của các thành viên thị trường.
Xuân Hòa ghi
0 Responses to 'Biên độ sẽ được điều chỉnh linh hoạt'
Something to say?