Chứng khoán Mỹ có phiên đi xuống thứ hai liên tiếp do thông tin từ thị trường lao động cũng như doanh số rất yết từ các tập đoàn sản xuất ôtô. Trong đó, General Motor công bố những khoản lỗ khổng lồ.

Chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 0,45% xuống mức 11.326,32 điểm, đi xuống 0,39% so với tuần trước. Chỉ số Nasdaq mất 0,63%, chốt tại 2.310,96 điểm, tăng nhẹ 0,02% sau 5 ngày giao dịch. Chỉ số Standard & Poor 500 đóng cửa tại 1.260,31 điểm, lùi xuống 0,56% trong ngày cuối tuần và cao hơn tuần trước 0,2%.

Nhà đầu tư tại phố Wall có một phiên cuối tuần không yên ả.Ảnh: guardian.co.uk.
Nhà đầu tư tại phố Wall có một phiên cuối tuần không yên ả. Ảnh: guardian.co.uk.

Các tin xấu từ thị trường lao động tiếp tục đến với phố Wall. Bộ Lao động thông báo số người mất việc trong tháng 7 là 51 nghìn người. Dẫu sao, thống kê trên vẫn có đôi chút khả quan vì dự báo của các chuyên gia là cao hơn nhiều, khoảng 75 nghìn người.

Đây đã là tháng thứ 7 liên tiếp tình trạng thất nghiệp tại cường quốc số một thế giới gia tăng, và từ đầu năm đến nay con số này đã tới gần nửa triệu người. Tỷ lệ thất nghiệp tính đến cuối tháng 7 là 5,7%, tồi hơn dự đoán 5,6% của các nhà kinh tế. Tỷ lệ của tháng sáu là 5,5%.

Doanh thu tháng 7 của Ford Motor đi xuống 14,9% cao gấp đôi dự đoán của Edmunds.com, trang web chuyên nghiên cứu về thị trường ôtô. Toyota cũng có tháng thứ 10 liên tiếp sụt giảm doanh thu với mức giảm 12%. Nissan, nhà sản xuất xe hơi lớn thứ ba tại Nhật, cho biết lợi nhuận quý II của hãng tại thị trường Mỹ giảm tới 42,8%.

Ba tháng vừa qua với General Motors thực sự rất thảm hại khi tập đoàn này đã lỗ tới 15,5 tỷ đôla, chủ yếu do chi phí của kế hoạch tái thiết công ty. Lợi tức của công ty là 37,7 tỷ đôla, giảm rất mạnh so với lợi tức 45,8 tỷ đôla cùng kỳ năm ngoái cũng như ước tính 44,6 tỷ đôla của Edmunds.com.

GM cũng công bố doanh số bán hàng giảm 26% trong tháng 7, thấp hơn nhiều so với dự đoán của giới phân tích.

Theo ông Ed Clissold, nhà phân tích toàn cầu tại Ned Davis Research, những gì Genenral Motor đang gặp chính là khó khăn điển hình mà các công ty sản xuất hàng tiêu dùng phải đối mặt.

Ngày thứ sáu đã kết thúc một tuần giao dịch với các phiên tăng giảm xen kẽ của chứng khoán Mỹ.

Ông Clissold nhận định, những biến động kiểu này là dấu hiệu cho thấy các nhà đầu tư tại phố Wall đang không mấy tin tưởng vào triển vọng kinh tế vĩ mô cũng như sức mạnh của các tập đoàn.

Vị chuyên gia này cho biết thêm, giá chứng khoán tăng giảm xen kẽ trong nhiều phiên là dấu hiệu cho thấy thị trường cổ phiếu vẫn đang trong xu thế giảm nhưng có lẽ đáy thị trường đã ở rất gần.

Cuối ngày hôm qua, dầu thô tăng 1,02 đôla, lên mức 125,1 đôla .ột thùng.

Chứng khoán châu Âu còn giảm mạnh hơn. Chỉ số FTSE 100 của Anh mất 1,06%, chỉ số này gần như đứng yên sau tuần qua. Chỉ số DAX của Đức giảm 1,28%. Chỉ số CAC 40 của Pháp bị trừ 1,78%. Tổng kết sau năm ngày, mức giảm của CAC 40, và DAX lần lượt là 1,4% và 0,6%.

Thị trường châu Á tiếp tục có thêm một phiên tăng, chỉ số Hang Seng của Hong Kong tăng 0,58%. Chỉ số này hiện cao hơn 5,3% so với tuần trước đó. Chỉ số tổng hợp Shang Hai tiến thêm được 0,94%, tuy nhiên tính chung cuộc, hàn thử biểu của chứng khoán Trung Quốc mất 2,2% sau một tuần. Trái với hai chỉ số trên, phiên vừa qua chứng khoán Nhật chìm trong sắc đỏ khi Nikkei 225 giảm 2,11%. Sau năm phiên gần nhất, chỉ số này đi xuống 1,8%.

Xuân Hòa (Theo CNN)