Dù giá dầu tiếp tục giảm, chứng khoán Mỹ vẫn mất điểm vào thứ ba 12/8 do các vấn đề với ngành ngân hàng. JP Morgan, Wachovia đều công bố tin xấu liên quan tới tình hình hoạt động và kết quả kinh doanh tồi tệ trong qúy II và III.

Chỉ số công nghiệp Dow Jones đi xuống 1,19% và chỉ còn 11.642,27 điểm. Nasdaq giảm nhẹ 0,38% xuống mức 2.430,61 điểm. Chỉ số Standard & Poor 500 bị trừ 1,21% và đóng cửa tại 1.289,59 điểm.

Ngân hàng Wachovia cho biết sau khi rà soát lại số liệu, khoản lỗ 8,86 tỷ của quý II đã tăng lên thành 9,11 tỷ đôla. Ngân hàng này dự định sẽ phải cắt giảm 600 lao động trong thời gian tới.

Sau nhiều tháng đi xuống, giới đầu tư tại phố Wall trở nên hoài nghi hơn trước. Ảnh: cache.daylife.com.
Những yếu tố trái ngược của giá dầu, cổ phiếu tài chính, lạm phát và tăng trưởng kinh tế đang khiến giới đầu tư tại phố Wall trở nên lưỡng lự trước triển vọng hồi phục của thị trường. Ảnh: cache.daylife.com.

JPMorgan Chase cho biết giao dịch tại ngân hàng này trong quý III có dấu hiệu giảm sút so với quý II. Tính tới thời điểm này của quý III, JPMorgan Chase đã chịu lỗ tới 1,5 tỷ đôla do khủng hoảng tín dụng.

Morgan Stanley cũng cho biết sẽ mua lại tới 4,5 tỷ đôla cổ phiếu qua đấu giá. Hành động trên bắt nguồn từ việc Văn phòng Chưởng lý cho biết ngân hàng trên nằm trong danh sách các tập đoàn cần được điều tra về việc mua bán cổ phiếu. Văn phòng Chưởng lý cho biết thêm, việc mua lại của Morgan Stanley sẽ không ngăn được cuộc điều tra tiếp tục được tiến hành.

Ngân hàng Đầu tư Golman Sach mất điểm do bị nhiều ngân hàng khác hạ điểm đánh giá tín dụng.

Nhà bán lẻ Wal-Mart và tập đoàn sản xuất ôtô General Motor cùng đi lên vì nhận định rằng dầu giảm có thể giúp các hãng này tăng doanh số.

Theo ông John Forelli, Giám đốc Quản lý Quỹ tại Independence Investments, vẫn như nhiều phiên gần đây, những vấn đề của thị trường tín dụng luôn gây ra trục trặc cho cổ phiếu tài chính.

Ông Forelli nói rằng trên thị trường hiện tồn tại hai yếu tố đối lập là nỗi lo với ngành tài chính và tâm lý tích cực của việc áp lực lạm phát đang giảm xuống. Bên cạnh đó, dầu xuống giá cũng tạo ra hai hiệu ứng tâm lý. Tâm lý lạc quan vì lạm phát sẽ giảm bớt và bi quan vì có dấu hiệu kinh tế Mỹ đang tăng trưởng chậm.

Trong vài tuần hoặc vài tháng tới, những tín hiệu trái chiều này sẽ làm hạn chế đến xu hướng tăng hoặc giảm của chứng khoán.

Ông Tom Sowanick, Giám Đốc đầu tư tại Clearbrook Financial LLC, nhận định hiện khá nhiều nhà đầu tư cho rằng chứng khoán đã hình thành đáy vào giữa tháng 7. Tuy nhiên, một nhóm không nhỏ lại nghĩ rằng xu hướng giảm chưa kết thúc.

Vị chuyên gia này cho biết, sau 12 tháng bết bát, nhà đầu tư đang trở nên hoài nghi. Theo ông, giới chứng khoán sẽ dần ổn định tinh thần cho tới khi họ tin rằng đã có sự đảo ngược xu thế và lực mua tăng trở lại.

Cùng ngày, chính phủ Mỹ báo cáo thâm hụt thương mại trong tháng 6 thu hẹp một cách khá bất ngờ nhờ xuất khẩu tăng. Cán cân thương mại đang ở mức 56,77 tỷ đôla sau khi đạt 59,2 tỷ đôla vào tháng năm.

Thâm hụt Ngân quỹ Liên bang trong tháng 7 vọt lên 102,8 tỷ đôla, đúng như dự kiến. Con số này cao gấp 3 lần cùng kỳ năm 2007.

Tại NewYork, giá dầu giảm 1,44 đôla xuống mức 113,01 đôla một thùng. Tập đoàn Dầu khí BP cho biết sẽ đóng các đường ống dẫn dầu tại Gruzia vì lý do an toàn. Tuy nhiên, hôm qua Nga tuyên bố ngừng tấn công trên lãnh thổ Gruzia. Đây được cho là thông tin có thể khiến giá dầu tiếp tục hạ.

Trong ngày thứ tư, doanh số bán lẻ tháng 7 và báo cáo kiểm kê dầu hàng tuần sẽ được công bố.

Cùng với phố Wall, chứng khoán toàn cầu giảm điểm. Mất điểm mạnh nhất tại châu Á là chứng khoán Hong Kong. Chỉ số Hang Seng của nước này đi xuống 1%. Chỉ số Nikkei 225 của Nhật bị trừ 0,95%. Chứng khoán Trung Quốc đã tạm ngưng đà giảm sâu khi chỉ số tổng hợp Shang Hai chỉ đi xuống 0,52%.

Tại Anh, chỉ số FTSE 100 của Anh giảm 0,13%. Hai chỉ số DAX của Đức và CAC 40 của Pháp đi xuống lần lượt 0,36% và 0,44%. Nguyên nhân chính khiến cổ phiếu tại châu Âu nhuộm sắc đỏ là sự đi xuống của cổ phiếu ngân hàng và những tin xấu từ ngành tài chính Mỹ.

Xuân Hòa (theo CNN)