Các chỉ số chính của phố Wall tăng giảm không đáng kể sau phiên giao dịch cuối tuần, thứ sáu 15/8. Dầu sụt giá không đủ đẩy chứng khoán Mỹ đi lên khi mà trong những ngày qua, nhiều ngân hàng lớn dính líu tới các cáo buộc lừa đảo khách hàng.

Chỉ số Dow Jones tăng 0,38% lên mức 11.659,9 điểm. Chỉ số Standard & Poor 500 (S&P 500) tiến thêm 0,41%, đóng cửa tại 1.298,2 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm nhẹ 0,05%, đang ở mức 2.452,52 điểm. Kết thúc tuần, Dow Jones giảm 0,6%, Nasdaq tăng gần 1,6%, S&P 500 tăng 0,14%.

Sau ngày giao dịch hôm qua, dầu giảm 1,24 đôla, hiện có giá 113,77 đôla một thùng. Kể từ đỉnh 147 đôla được xác lập vào giữa tháng 7, dầu đã giảm hơn 23%. Một số kim loại như vàng, bạch kim, hay nhôm cũng xuống giá theo.

Khi mà khủng hoảng tín dụng và nhà đất chưa kết thúc thì ngành tài chính lại vướng vào các rắc rối pháp lý do lừa đảo khách hàng. Ảnh:news.com.au.
Khi mà khủng hoảng tín dụng và nhà đất chưa kết thúc thì ngành tài chính lại vướng vào các rắc rối pháp lý do lừa đảo khách hàng. Ảnh:news.com.au.

Dầu mất điểm không chỉ giảm áp lực nguyên liệu đầu vào cho các công ty vận tải, hàng không, chuyển phát và sản xuất ôtô, mà còn giúp cổ phiếu của các nhà bán lẻ và cung cấp hàng tiêu dùng đi lên. Trái lại, các đại gia dầu mỏ như Exxon Mobil và Chevron lại chịu tác động tiêu cực khi dầu xuống.

Rắc rối tiếp tục nảy sinh từ cổ phiếu tài chính. Ngân hàng Wachovia vừa đồng ý mua lại 8,5 tỷ đôla cổ phiếu thông qua đấu giá. Ngân hàng này nằm trong sanh sách điều tra về tội lừa đảo khách hàng của Văn phòng Chưởng lý New York. Việc mua lại cổ phiếu là để dàn xếp với Văn phòng Chưởng lý cũng như các nhà đầu tư.

Cũng với lý do trên, Morgan Stanley và JP Morgan Chase đồng ý mua lại 7 tỷ đôla cổ phiếu và chịu phạt 60 triệu đô la. Số tiền mà UBS và Citigroup bỏ ra còn lớn hơn: 26 tỷ đôla mua lại cổ phiếu và nộp 250 triệu đôla tiền phạt.

Chưởng lý New York cho biết, ngân hàng Đầu tư Merill Lynch cũng nằm trong danh sách điều tra.

Cùng ngày, chỉ số sản xuất tại khu vực New York, mới được công bố, tăng một cách đáng ngạc nhiên trong tháng 7. Một bản báo cáo khác chỉ ra, sản lượng công nghiệp và khả năng tận dụng công suất của nền công nghiệp trong tháng bảy tăng đúng như dự tính của các chuyên gia.

Chỉ số tâm lý người tiêu dùng trong tháng 8 theo nghiên cứu của trường Đại học Tổng hợp Michigan tăng từ 61,2 của tháng trước lên 61,7.

Nhìn lại tuần qua, biến động của thị trường chủ yếu đều xoay quanh giá dầu và thông tin từ các tập đoàn tài chính. Dầu tụt liên tiếp đã giúp cổ phiếu của các tập đoàn vận tải và các nhà bán lẻ đi lên, từ đó tạo động lực cho phố Wall. Trái lại, ngành tài chính vốn đã chịu thiệt hại nặng nề do khủng hoảng tín dụng và nhà đất, lại một lần nữa chao đảo vì nhiều ngân hàng lớn bị cáo buộc lừa đảo khách hàng.

Tại châu Á, chỉ số Nikkei 225 tăng 0,48%. Sau năm ngày giao dịch chỉ số này giảm 1,1%. Chỉ số Hang Seng của Hong Kong xuống 1,8%, mức giảm tuần là 3,3%. Chứng khoán Trung Quốc mất điểm mạnh nhất sau tuần qua với mức đi xuống 5,9% của chỉ số Shang Hai. Trong phiên thứ sáu, chỉ số này tăng 0,55%.

Các chỉ số chính của chứng khoán châu Âu cùng đi lên. Chỉ số FTSE 100 của Anh, giảm 0,77% và hiện đang thấp hơn tuần trước 0,6%. Chỉ số DAX của Đức cộng thêm 0,06% vào phiên hôm qua. Chỉ số CAC 40 của Pháp lên 0,74%. Sau năm phiên, hai chỉ số này giảm lần lượt 1,5% và 0,8%.

Xuân Hòa (Theo CNN)