Ngày 28/7, Vn-Index kỷ niệm tròn 8 năm kể từ phiên giao dịch đầu tiên (28/7/2000) của chứng khoán Việt Nam bằng cú lội ngược dòng tăng điểm trở lại sau 6 phiên toàn đi xuống.
Tuy nhiên, sự lưỡng lự giảm điểm đã thể hiện trong những ngày giao dịch còn lại trong tuần. Vẫn hết sức gắng gượng, chỉ số sàn HOSE ghi nhận lượng giao dịch tích cực hơn, từng bước giúp thị trường tìm lại thế cân bằng và đi lên, ngoại trừ phiên giảm điểm ngày 1/8.
Vn-Index trải qua tuần giao dịch cuối tháng 7 với 4 phiên tăng và 1 phiên giảm. Ảnh: Hồng Phúc. |
Càng về cuối tuần, diễn biến giao dịch của sàn chứng khoán TP HCM càng hấp dẫn và đầy kịch tính. Có những lúc, chỉ số này vơi dần từng điểm một, tiệm cận mức giá tham chiếu và rớt xuống sàn. Ngay lập tức, một lượng cầu đủ mạnh kéo chỉ số này lại, từng bước một đưa Vn-Index về lại với màu xanh.
Sau khi các doanh nghiệp niêm yết công bố báo cáo quý 2, thị trường đã có sự phân hóa nhất định. Tuy nhiên, những mã có giá trị vốn hóa lớn vẫn thể hiện tầm ảnh hưởng và khả năng chi phối cao. Cụ thể, phiên ngày 31/7, số mã giảm giá nhiều hơn tăng nhưng sự đồng thuận của những blue-chip như DHG, DPM, FPT, HPG... đã tiếp sức cho Vn-Index bứt phá thành công mốc 450 điểm.
Qua trọn tuần giao dịch, Vn-Index tích lũy thêm 12,47 điểm, một con số còn khá khiêm tốn, thậm chí chỉ bằng mức tăng của một phiên ở giai đoạn thị trường tăng điểm mạnh trước đó. Thế nhưng, so với tuần trước, khi Vn-Index chỉ một chiều đi xuống thì sự tích lũy này càng có ý nghĩa.
Ngoài những diễn biến giằng co và kịch tính, chứng khoán trong tuần còn ghi nhận sự sôi động thể hiện ở khối lượng và giá trị giao dịch khớp lệnh tăng mạnh. Cụ thể, bình quân mỗi phiên có 14,4 triệu đơn vị được khớp so với mức 9,89 triệu đơn vị tuần trước. Nhà đầu tư sau cú sốc từ việc xăng tăng giá đã ổn định trở lại và có hành động mua vào với tâm thế chuẩn bị đón những con sóng mới.
Nhà đầu tư cũng bàn luận nhiều về các báo cáo lỗ của doanh nghiệp niêm yết trong quý 2 như REE, BVS, SSI với lý do chủ yếu do trích lập dự phòng giảm giá chứng khoán. Giám đốc phân tích tài chính Công ty Vifinfo, ông Đào Trung Kiên nhận định, trích lập dự phòng là việc cần làm trong hoạt động đầu tư tài chính của bất kỳ doanh nghiệp nào.
Tuy nhiên, tỷ lệ trích lập dự phòng so với tỷ lệ đầu tư tài chính phải ở mức độ hợp lý chứ không phải theo phong trào, cũng như không thể lợi dụng việc trích lập này để "bao che" cho những khoản lỗ thật của công ty. Tức công ty đầu tư tài chính với số lượng nhỏ nhưng trích lập nhiều, kéo những con số thua lỗ từ hoạt động sản xuất kinh doanh qua khoản trích lập này.
Ông Kiên cũng cho biết thêm, đã đầu tư tài chính thì dù dự đoán thị trường có lên hay xuống cũng phải trích lập dự phòng. Như năm 2007, thị trường diễn biến tốt đẹp, thuận lợi, nhiều công ty đã lờ đi trách nhiệm này, vì nếu trích lập, khoản lợi nhuận sẽ giảm, và ảnh hưởng không tốt đến hình ảnh đơn vị trong mắt nhà đầu tư.
Nhà đầu tư nước ngoài trong tuần này mua vào trung bình mỗi phiên 2 triệu cổ phiếu và chứng chỉ quỹ, lượng bán ra đạt 1,8 triệu đơn vị. Ông Andy Ho, Giám đốc điều hành quản lý đầu tư quỹ Vina Capital chia sẻ với nhà đầu tư tại buổi hội thảo chiều ngày 30/7 rằng, nhà đầu tư nước ngoài vẫn nhìn thấy cơ hội, tiềm năng để đầu tư ở Việt Nam. Mục tiêu hướng đến của khối này từ trung đến dài hạn. Thị trường trong giai đoạn này là thị trường tốt để đầu tư lâu dài, khi mà tỷ giá VND/USD đã đi vào ổn định, cán cân xuất nhập đã có chuyển biến tích cực... tạo thêm cơ hội cho khối ngoại gia nhập thị trường.
Nhà đầu tư lại chờ đợi những phiên "đổi gió" tiếp theo của Vn-Index trong tuần tới.
Chỉ số Hatsc-Index kết thúc tuần cuối cùng của tháng 7 với 2 phiên tăng, 3 phiên giảm, hiện chốt ở 140,45 điểm. Bình quân mỗi phiên có 7,8 triệu đơn vị giao dịch thành công, tương ứng giá trị 256 tỷ đồng.
Bạch Hường-Vnexpress
0 Responses to Vn-Index 'suýt' trải qua một tuần tăng điểm trọn vẹn
Something to say?