Dù vẫn còn những vấn đề với cổ phiếu tài chính, ngân hàng, phố Wall vẫn kết thúc tuần giao dịch bằng một phiên tăng mạnh, trong đó giá dầu và đôla là động lực chính.

Chứng khoán Mỹ tràn ngập sắc xanh, với mức tăng 2,65% của chỉ số Dow Jones, nâng chỉ số này lên thành 11.734,32 điểm. Chỉ số Nasdaq tiến thêm 2,48% lên mức 2.414,10. Chỉ số Standard & Poor 500 (S&P 500) đóng cửa tại 1.296,32 điểm, cộng thêm 2,39%.

So với tuần trước, các chỉ số chính có mức tăng 3,6% với Dow Jones, 4,46% với Nasdaq, và 2,86% với S&P 500.

Nhà đầu tư chứng khoán và người tiêu dùng tại Mỹ đều được hưởng lợi từ dầu giảm giá. Ảnh:
Nhà đầu tư chứng khoán và người tiêu dùng tại Mỹ đều được hưởng lợi từ dầu giảm giá. Ảnh: cache.daylife.com.

Giá dầu giảm và đồng đôla tăng là nguyên nhân chính cho "phiên xanh" của phố Wall. Dầu hôm qua đi xuống gần 5 đôla, và đang ở mức thấp nhất trong 3 tháng qua. Sự hay đổi tích cực trong giá dầu và đôla giúp nhà đầu tư tạm quên đi những "trục trặc" của các tập đoàn tài chính, trong đó có khoản lỗ lớn của Fannie Mae trong quý II.

Theo ông Michael Sheldon, Nhà chiến lược thị trường tại RDM Financial Group, nhà đầu tư hiện đang tập trung giao dịch cổ phiếu của các công ty được hưởng lợi nhiều nhất từ giá dầu.

Đó là lý do khiến cổ phiếu tiêu dùng hoặc vận tải tăng mạnh. Đây là những công ty có kết quả kinh doanh không tốt sau hai quý đầu nhưng nhiều khả năng kết quả trong quý III sẽ khả quan nếu dầu tiếp tục xuống.

Còn theo ông J. Stephen Lauck, Nhà quản lý quỹ tại Ashfield Capital Partners, nhóm cổ phiếu tiêu dùng, vận tải, và hàng không có thể hồi phục trong ngắn hạn. Tuy vậy, ông cũng đánh giá hoạt động chi tiêu của người dân Mỹ sẽ khó tăng mạnh trở lại.

Chỉ số Vận tải Dow Jones tăng 4% với xu hướng lên của cổ phiếu vận tải, đường sắt, hàng không.

Một số công ty sản xuất hàng tiêu dùng như McDonald, Home Deport, Lowe's, Best Buy cũng đi lên. Ngân hàng như Citigroup sau khi mất điểm vì bị cáo buộc lừa đảo cũng tăng mạnh trong hôm qua.

Cùng ngày, tỷ giá đồng đôla so với một số ngoại tệ khác tăng nhờ đánh giá không mấy khả quan của Ngân hàng Trung ương Châu Âu về triển vọng tăng trưởng của khối châu Âu.

Theo các chuyên gia, đôla hồi phục sẽ khiến các nhà đầu tư nước ngoài lái hướng tiền của họ vào chứng khoán phố Wall. Điều này không chỉ làm tăng cung cho cổ phiếu mà còn khôi phục lòng tin của thế giới với chứng khoán Mỹ.

Dầu sau ngày hôm qua đi xuống 4,82 đôla, chốt ở mức 115,2 đôla một thùng. Dầu mất điểm do đồng đôla hồi phục và nỗi lo về việc nguồn cung từ Thổ Nhĩ Kỳ bị gián đoạn cũng đã dịu bớt.

Giá xăng tiếp tục có ngày giảm thứ 22 liên tiếp, đang ở mức 3,836 đôla một galon.

Một chuyên gia nhận định nhiêu liệu xuống thang sẽ hạ thấp rủi ro lạm phát, và suy thoái. Tuy nhiên, lạm phát có thể giảm nhưng các vấn đề về nhà đất, tín dụng, hoạt động khó khăn của các tập đoàn, và kinh tế trì trệ vẫn là một trở lực lớn với phố Wall.

Tin xấu trong ngày đến từ Fannie Mae khi khoản lỗ quý II do khủng hoảng tín dụng và nhà đất lên tới 2,3 tỷ đôla, cao gấp ba lần dự đoán. Lợi nhuận trên mỗi cổ phiếu của đại gia cho vay cầm cố giảm 2,54 đôla, dự đoán của các chuyên gia chỉ là giảm 68 cent. Hãng này cho biết sẽ buộc phải cắt giảm cổ tức, và chi phí hoạt động xuống 10%.

Tại châu Á, đồng đôla tăng giá đã giúp cổ phiếu của các nhà xuất khẩu lớn tại Nhật đi lên. Nhờ đó chỉ số Nikkei 225 của nước này cao hơn hôm qua 0,33% và tuần trước 0,6%.

Chứng khoán Hong Kong giảm 0,99%, thấp hơn tuần trước 4,27%. Trái với không khí sục sôi của Olympic Bắc Kinh, thị trường chứng khoán tại Trung Quốc có một ngày ảm đạm khi chỉ số tổng hợp Shang Hai mất tới 4,47%. Chung cuộc sau năm ngày giao dịch, chỉ số này bị trừ 4,2%.

Tại châu Âu, cả ba thị trường lớn đều đi lên nhờ diễn biến tốt lành từ bên kia bờ đại tây dương. Chỉ số FTSE 100 của Anh leo thêm 0,21%. Chỉ số CAC của Pháp lên 0,77%. Chỉ số CAC 40 của Đức được cộng thêm 0,28%. So với cuối tuần trước, chỉ số FTSE tăng 2,5%, chỉ số CAC 40 tăng 4,1%, và DAX của Đức tiến thêm 2,5%.

Xuân Hòa (Theo CNN & Bloomberg)