Ngân hàng Nhà nước cho biết sẽ tạm dừng cấp giấy phép cho các trường hợp đã được phê duyệt về mặt nguyên tắc, trong thời gian điều chỉnh quy định, tiêu chí thành lập ngân hàng mới theo yêu cầu của Chính phủ.

Chiều nay, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã gửi văn bản tới các ban trù bị thành lập ngân hàng thương mại cổ phần, thông báo về vấn đề nêu trên.

Hôm 29/7, Thủ tướng đã yêu cầu Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tiêu chí thành lập ngân hàng thương mại cổ phần trong nước cho phù hợp với điều kiện hiện nay. Thủ tướng cũng chỉ đạo trong khi chưa ban hành tiêu chí, sẽ chưa cho phép thành lập ngân hàng thương mại cổ phần mới.

Tiên Phong Bank là một trong hai trường hợp được cấp phép thành lập đầu tiên.
Tiên Phong Bank, với số vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng, là một trong hai trường hợp được cấp phép thành lập đầu tiên. Hôm nay, 8/8, Tiên Phong Bank khai trương chi nhánh đầu tiên tại Hà Nội. Ảnh: Hoàng Hà

Ngân hàng Nhà nước cho biết đang nghiên cứu điều chỉnh quy định về việc thành lập ngân hàng thương mại cổ phần. Trong thời gian này, sẽ tạm dừng xem xét đề nghị cấp giấy phép của ban trù bị thành lập các ngân hàng thương mại cổ phần theo chỉ đạo của Chính phủ.

Trong thời gian chờ ban hành quy định mới về thành lập Ngân hàng thương mại cổ phần, Ngân hàng Nhà nước cũng tạm dừng tiếp nhận hồ sơ mới.

Tính đến cuối tháng 7, Ngân hàng Nhà nước đã chấp thuận nguyên tắc thành lập cho 10 ngân hàng thương mại cổ phần có sự tham gia góp vốn của các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước. Trong đó đã cấp giấy phép chính thức đi vào hoạt động cho 2 ngân hàng (Liên Việt và Tiên Phong Bank).

Trong số những đơn vị được phê duyệt về nguyên tắc, Ngân hàng Hồng Việt cũng đã lỡ dở kế hoạch thành lập do cổ đông lớn là Tập đoàn Dầu khí phải rút vốn đầu tư theo yêu cầu của Chính phủ.

Quy chế cấp phép thành lập ngân hàng cổ phần được ban hành tháng 6 năm ngoái, trong đó đưa ra những yêu cầu khắt khe về năng lực tài chính, bộ máy quản trị, điều hành đối với các ứng viên. 6 tháng sau, Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh một số tiêu chí, đưa ra yêu cầu chi tiết, chặt chẽ hơn về nguồn vốn góp và khả năng tài chính của các cổ đông. Trong hồ sơ xin phép, các cá nhân muốn tham gia góp vốn thành lập ngân hàng còn phải nộp thêm cả bảng kê khai thu nhập, tài sản cá nhân có giá trị từ 100 triệu đồng trở lên.

Cơn sốt xin thành lập ngân hàng bùng phát vào đầu năm 2007, với hàng chục bộ hồ sơ gửi tới Ngân hàng Nhà nước dù quy chế chưa ban hành. Đứng tên trên hồ sơ có không ít tập đoàn, tổng công ty nhà nước, thậm chí có hồ sơ xin thành lập ngân hàng của tỉnh. Tuy nhiên, cơn sốt bắt đầu hạ nhiệt kể từ khi khủng hoảng tài chính lan rộng trên toàn cầu và ảnh hưởng tới Việt Nam.

Song Linh