Công ty dệt may Gia Định, cổ đông đại diện 30% phần vốn nhà nước trong Bông Bạch Tuyết (BBT), sẽ đích thân chọn một đơn vị kiểm toán độc lập để xác định thực lỗ đến thời điểm này của BBT.

Cuộc họp Hội đồng quản trị BBT hai ngày trước đã thống nhất phương án này, tuy các cổ đông lớn vẫn chưa được tìm được tiếng nói chung về giải pháp vốn để tháo gỡ khó khăn cho công ty.

Trước mắt, trong giai đoạn 1, chỉ tiến hành kiểm toán 6 tháng đầu năm 2008 nhằm phục vụ cho việc quản lý điều hành và phát hành cổ phiếu của BBT. Chi phí kiểm toán do Bông Bạch Tuyết chịu. Sau đó sẽ kiểm toán từ năm 2007 trở về trước nhằm làm minh bạch tình hình tài chính.

Mới đây, UBND TP HCM đã can thiệp vào tình hình của BBT, bằng đề nghị 5 điểm, trong đó "Bông Bạch Tuyết cùng Dệt may Gia Định phải chọn một công ty kiểm toán có uy tín để thực hiện kiểm toán xác định thực lỗ đến thời điểm hiện nay tại BBT".

Ngoài ra, lãnh đạo thành phố cũng đề nghị Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM kiến nghị Ủy ban chứng khoán Nhà nước tiến hành thanh tra Công ty cổ phần Bông Bạch Tuyết. Việc cấp nào thanh tra do Hội đồng quản trị công ty Dệt may Gia Định thực hiện quyền cổ đông của mình đề xuất. Đồng thời BBT phải có phương án huy động vốn trả nợ ngân hàng.

Hiện đại diện Dệt may Gia Định vẫn giữ quan điểm phương án phát hành cần có thêm thời gian để nghiên cứu và chưa xác định được thời điểm thông qua. Do vậy, hội đồng quản trị chưa thống nhất được phương án phát hành cổ phần tăng vốn điều lệ của BBT.

Ngày 11/8, lãnh đạo Bông Bạch Tuyết đã làm việc với đại diện Công ty mua bán nợ và tài sản tồn đọng của doanh nghiệp (DATC). Tổng giám đốc BBT Tạ Xuân Thọ cho hay, DATC chỉ dừng lại ở việc khảo sát tình hình, xem xét thực trạng cũng như phương hướng giải pháp của BBT chứ chưa bàn sâu vào các vấn đề như: lãi suất, tiêu chí, khả năng rót vốn...

Trung tuần tháng 7, cổ phiếu BBT bị Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM "treo" giao dịch trên sàn vì lý do thua lỗ hai năm liền liên tiếp trong khi các báo cáo tài chính lại "bất nhất", báo lời lại đổi lỗ. Trong hai năm 2006-2007, mức lỗ của BBT lên đến gần 15 tỷ đồng, toàn bộ tài sản đã đem thế chấp ngân hàng vay nợ sắp đáo hạn, dây chuyền sản xuất bông băng phải ngừng làm việc.

Tại đại hội cổ đông giữa tháng 7, Hội đồng quản trị BBT đề xuất tăng vốn bằng cách phát hành cổ phiếu bổ sung cho cổ đông chiến lược, song vấp phải sự phản đối của nhiều cổ đông, trong đó lớn nhất là Dệt may Gia Định. Không có tiền trả lương nhân viên, thanh toán nợ ngân hàng, BBT bị người lao động dọa đình công, nhà băng đe phát mãi tài sản.

Hiện cổ phiếu BBT đã được phép giao dịch lại, còn BBT và các đối tác vẫn đang tìm kiếm một giải pháp giúp tìm được nguồn vốn lớn để thanh toán nợ đến hạn.

Bạch Hường