Sau một phiên đầu tuần tăng điểm mạnh, chỉ số VN-Index quay đầu giảm nhẹ trong bối cảnh một số cổ phiếu blue-chips như STB của Ngân hàng Sacombank, HPG của Hòa Phát và FPT của CTCP Phát triển Đầu tư Công nghệ FPT giảm giá.

1

Ảnh: LAD

Kết thúc phiên giao dịch sáng 27/11, chỉ số VN-Index giảm nhẹ 3,3 điểm (tương đương giảm 0,33%) xuống 988,08 điểm. Trong đợt giao dịch thứ 1, chỉ số này tăng 7,34 điểm. Đợt 2, chỉ số này giảm 2,38 điểm.

Trong số 125 cổ phiếu niêm yết trên sàn, 34 mã tăng giá, 63 mã giảm giá và 28 mã đứng giá. Trong 2 chứng chỉ quỹ, BF1 đứng giá ở mức 10.600 đồng/ccq, còn VF1 giảm 300 đồng xuống 29.000 đồng/ccq.

Chỉ sôi động được 1 phiên, hôm nay khối lượng và giá trị giao dịch lại giảm khá mạnh.

Cụ thể, khối lượng giao dịch toàn phiên đạt 8,2 triệu đơn vị, trị giá 890 tỷ đồng. Giao dịch tính riêng cổ phiếu đạt 7,9 triệu đơn vị.

Tuy nhiên, khối lượng và giá trị giao dịch hôm nay vẫn cao hơn so với phiên giao dịch cuối tuần trước (chỉ đạt hơn 6 triệu cổ phiếu, trị giá hơn 650 tỷ đồng).

Theo một đơn vị cung cấp thông tin chứng khoán, đây là thời điểm các nhà đầu tư có thể lựa chọn mua vào một số cổ phiếu để đón các thông tin tốt về tình hình hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết vào cuối năm (rất nhiều DN có kết quả kinh doanh vượt trội vào quý IV). Trong 2 năm 2005 và 2006, giá cổ phiếu và theo đó là VN-Index đã tăng rất mạnh vào cuối năm và đầu năm sau.

Tuy nhiên, năm nay, mức tăng giá cổ phiếu có thể sẽ không cao giống như các năm trước đó. Thị trường đang phải đối mặt với nhiều thông tin không mấy tốt lành khiến các quyết định mua vào được cân nhắc rất kỹ, trong khi cứ hễ giá cổ phiếu tăng mạnh được một vài phiên là ngay lập tức lượng bán tăng lên đáng kể.

Lượng cầu cổ phiếu có hạn và dường như đang suy giảm (do NĐT đã giải ngân nhiều; tiền vay bị giới hạn; chuyển đầu tư vào một số mặt hàng khác…) trong khi nhà đầu tư lại có khá nhiều lựa chọn mua cổ phiếu vào thời điểm này. Rất nhiều DN lớn sắp IPO, sắp lên sàn, sắp đấu giá. Bên cạnh đó, các DN đang niêm yết trên 2 sàn chứng khoán cũng đua nhau phát hành thêm cổ phiếu với mức giá thấp nên hút một lượng tiền đáng kể đổ vào đây.

Hiện tại, TTCK Việt Nam đang bị ảnh hưởng bởi một số thông tin sau: giá dầu thô tăng cao kỷ lục, sắp chạm 100 USD/thùng; giá nguyên liệu cho hoạt động sản xuất kinh doanh tăng; thị trường vàng và nhà đất nóng trở lại có thể hút một lượng vốn nhất định sang đó… Và đặc biệt, Liên bộ Tài chính và Công thương đã quyết định giá xăng tăng thêm 1.700 đồng/lít và giá dầu (ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp) lên từ 1.500-2.500 đồng/lít.

Trở lại diễn biến phiên giao dịch sáng nay, cổ phiếu có mức vốn hoá lớn thứ 3 thị trường là STB của Ngân hàng Sacombank đã quay đầu giảm giá vào cuối phiên, góp phần kéo thị trường đi xuống.

Sau vài phiên tăng điểm ấn tượng, trong đợt 1, STB đứng giá ở mức 69.000 đồng/cp và đã chuyển sang giảm 1.500 đồng khi kết thúc phiên giao dịch, với 942.330 cổ phần được chuyển nhượng.

STB là một cổ phiếu được dự báo có kết quả kinh doanh ấn tượng trong quý IV/2007. DN này sắp có roadshow quảng bá hình ảnh và thông tin về tình hình hoạt động của mình tới các nhà đầu tư.

Ngân hàng Sacombank cho biết, ước tính lợi nhuận của Ngân hàng thu về trong 11 tháng đầu năm đạt trên 1.300 tỷ đồng. Con số lợi nhuận 11 tháng như vậy là cao hơn 100 tỷ đồng so với chỉ tiêu cả năm của Sacombank đưa ra ban đầu là 1.200 tỷ đồng.

Một số cổ phiếu lớn khác giảm giá trong sáng nay bao gồm: FPT giảm 4.000 đồng xuống 243.000 đồng/cp; PVD giảm 1.000 đồng xuống 155.000 đồng/cp; HPG của Hoà Phát giảm 4.000 đồng xuống 105.000 đồng/cp; VIC của Vincom giảm 1.000 đồng xuống 169.000 đồng/cp.

Trong số các đại gia, DPM của Đạm Phú Mỹ tiếp tục đứng ở mức giá 79.000 đồng/cp; SSI của Chứng khoán Sài Gòn đứng ở mức giá 258.000 đồng/cp; PPC của Nhiệt điện Phả Lại đứng ở 60.500 đồng/cp.

Chỉ có VNM của Vinamilk tăng 2.000 đồng lên 174.000 đồng/cp; SJS của Sudico tăng 1.000 đồng lên 256.000 đồng/cp; SAM tăng 1.000 đồng và VSH tăng 1.400 đồng/cp.

(Theo VietnamNet)