Ngày 1/11, cũng như giá dầu, thị trường chứng khoán châu Á đã đạt những kỷ lục mới sau khi Mỹ tiến hành cắt giảm lãi suất và công bố những số liệu thống kê khả quan của nền kinh tế nước này.

Giá cổ phiếu của các công ty xuất khẩu châu Á đã tăng mạnh mẽ khi các số liệu mới công bố về kinh tế Mỹ cho thấy nền kinh tế lớn nhất thế giới đồng thời là thị trường xuất khẩu chính của châu Á đã tăng mạnh ở mức đáng ngạc nhiên 3,9% trong quý 3 vừa qua, bất chấp sự suy giảm của thị trường nhà đất và bóng đen trên thị trường tín dụng Mỹ thời gian qua.

Chỉ số Nikkei của thị trường chứng khoán Tokyo tăng 132,77 điểm, tương đương 0,8% và đóng cửa ở mức 16.870,40 điểm, cao nhất 2 tuần qua. Chỉ số Topix cũng tăng ngày thứ 5 liên tiếp với mức tăng 15,71 điểm, tương đương 1%, lên mức 1.635,78 điểm.

Trong khi đó, chỉ số MSCI của thị trường chứng khoán châu Á – Thái Bình Dương trừ Nhật Bản tăng gần 0,8%, chạm mức kỷ lục mới. Tính đến thời điểm này của năm, chỉ số MSCI đã tăng xấp xỉ 50%.

Chỉ số KOSPI của thị trường chứng khoán Hàn Quốc đã giảm nhẹ vào lúc đóng cửa phiên giao dịch sau khi tăng kỷ lục. Tuy nhiên, chỉ số S&P/ASX 200 của thị trường chứng khoán Australia đạt mức đóng cửa kỷ lục.

Giá dầu và giá vàng cùng tăng tốc đã đẩy giá cổ phiếu của các mặt hàng chiến lược này tăng mạnh.

Cổ phiếu của công ty khai mỏ Newcrest Mining của Australia tăng 3,4%, trong khi chỉ số của công ty năng lượng Nippon Oil của Nhật tăng 4,2%.

Giá cổ phiếu của hãng lọc dầu lớn nhất châu Á Sinopec của Trung Quốc, tăng tới 9% sau khi Bắc Kinh bất ngờ tăng giá xăng và dầu diesel trên thị trường nội địa thêm 10%, lần tăng giá đầu tiên trong 17 tháng qua.

Các nhà xuất khẩu Nhật Bản cũng được lợi nhờ đồng USD yếu và hy vọng về việc lãi suất USD giảm sẽ giúp thúc đẩy người tiêu dùng Mỹ chi tiêu mạnh tay hơn. Hiện tiêu dùng chiếm khoảng 2/3 các hoạt động kinh tế ở Mỹ.

Cổ phiếu của hãng sản xuất máy ảnh Nhật Bản Canon và hãng sản xuất hàng điện tử Sony cùng tăng 3%.

Tuy nhiên, giá cổ phiếu của hãng sản xuất chip lớn thứ hai thế giới UMC của Đài Loan lại giảm 4% do dự báo của hãng này cho biết, lợi nhuận của hãng trong quý 4 có thể sẽ giảm. Cổ phiếu của UMC giảm kéo chỉ số TAIEX của thị trường chứng khoán Đài Loan lúc đóng cửa giảm 1,2% so với phiên trước.

Trước đó, thị trường chứng khoán Mỹ cũng trải qua một phiên tăng điểm sau quyết định của FED. Chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 137,54 điểm, tương đương 1% và đóng cửa ở mức 13.930,01 điểm.

Chỉ số Standard & Poor’s 500 tăng 18,36 điểm, tương đương 1,20%, lên mức 1.549,38 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 42,41 điểm, tương đương 1,51%, lên mức 2.859,12 điểm. Chỉ số Russell 2000 đánh giá cổ phiếu của các công ty nhỏ hơn cũng tăng 11,87, tương đương 1,45%, lên mức 828,02 điểm.

Tiếp theo thị trường Mỹ và châu Á, thị trường chứng khoán châu Âu ngay lúc bắt đầu phiên giao dịch ngày 1/11 cũng tăng điểm mạnh. Chỉ số FTSE 100 của thị trường chứng khoán London tăng 10 điểm. Chỉ số DAX của thị trường chứng khoán Đức tăng 18 điểm và chỉ số CAC 40 của thị trường chứng khoán Pháp cũng tăng 9 điểm.


(Theo TBKTVN)