Từ đầu tháng 11 đến nay, hàng loạt công ty niêm yết công bố kế hoạch phát hành thêm cổ phiếu (CP) để chia cổ tức, thưởng cho nhà đầu tư (NĐT) hoặc nhằm huy động thêm vốn. Sắp tới, lại có thêm hàng loạt các đợt đấu giá phát hành CP lần đầu (IPO)...

Từ phát hành CP thưởng...

Trước khi chào sàn vào ngày 15-11, Tập đoàn Hòa Phát (HPG) đã công bố kế hoạch chia thưởng cho cổ đông theo tỷ lệ 10:4. Cụ thể khi đến thời điểm chốt danh sách, cổ đông sở hữu 10 CP HPG sẽ được thưởng 4 CP mà không phải trả thêm bất kỳ chi phí nào. Hiện có 132 triệu CP HPG niêm yết và sau đợt thưởng này, sẽ có thêm 52,8 triệu CP HPG nữa lên sàn.

Tương tự, Công ty cổ phần (CTCP) chứng khoán Sài Gòn (SSI) cũng công bố sẽ có 3 đợt phát hành thêm CP, trong đó đợt một sẽ thưởng bằng CP cho cổ đông theo tỷ lệ 2:1 ngay trong tháng 12 tới.

SSI cũng sẽ chuyển đổi hơn 1,6 triệu trái phiếu thành hơn 16,6 triệu CP phổ thông. Tổng cộng chỉ sau đợt một phát hành thêm này, sẽ có thêm khoảng 56,4 triệu CP SSI được đưa vào lưu hành, nâng tổng khối lượng CP của công ty này trên thị trường chứng khoán là hơn 136 triệu CP.

CTCP Hóa An (DHA) cũng phát hành thêm 3,4 triệu CP, nâng tổng số CP DHA trên thị trường lên khoảng 10 triệu CP. Cổ đông sẽ được nhận thưởng theo tỷ lệ 10:3 (sở hữu 10 CP DHA sẽ được thưởng thêm 3 CP mới)...

Theo chuyên gia chứng khoán Lê Đạt Chí (trường Đại học Kinh tế TP.HCM), ở thị trường chứng khoán các nước khác thường không có chuyện các doanh nghiệp phát hành CP thưởng. Tất yếu thu nhập trên mỗi CP sau đợt phát hành này sẽ bị giảm đi và giá CP trên thị trường phải giảm xuống hay nói cách khác, việc phát hành CP thưởng sẽ làm loãng giá CP, tính ổn định của CP này không còn cao.

“Dường như trong thời gian qua, đây là công cụ cơ bản để nhiều doanh nghiệp sử dụng nhằm kích giá CP trên thị trường. Trên thực tế nhiều CP đã tăng giá liên tục trước thông tin phát hành thêm CP để chia cổ tức hay thưởng và đây là điều kỳ lạ nhất mà tôi từng thấy”, ông Lê Đạt Chí nói.

...đến chào bán, chia cổ tức

CTCP khoáng sản Bình Định (BMC) sẽ chốt danh sách cổ đông vào cuối tháng 11 để bán thêm CP cho cổ đông theo tỷ lệ 2:1 với giá 20.000 đồng/CP.

Hội đồng quản trị CTCP thương mại xuất nhập khẩu Thủ Đức cũng vừa thống nhất sẽ phát hành thêm CP tương ứng 50 tỉ đồng mệnh giá (tăng lên gấp đôi so với thời điểm hiện nay). Trong đó trả cổ tức năm 2007 là 10% cho cổ đông bằng CP.

Ngoài việc thưởng bằng CP, DHA còn chào bán cho cổ đông theo tỷ lệ 10:2 với giá 40.000 đồng/CP. CTCP xi măng Bỉm Sơn (BCC) cũng phát hành thêm 10 triệu CP, trong đó bán cho cổ đông theo tỷ lệ 20:1 với giá 20.000 đồng/CP và chào bán rộng rãi ra công chúng với giá khởi điểm 35.000 đồng/CP. Sau đợt phát hành này, số CP lưu hành trên thị trường của BCC từ 90 triệu CP hiện nay sẽ tăng lên 100 triệu CP...

Đó là chưa kể hàng loạt ngân hàng, CTCP trên thị trường OTC cũng đang phát hành thêm CP, hàng loạt cuộc IPO cũng sẽ liên tục diễn ra tại Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM và Trung tâm Giao dịch chứng khoán Hà Nội.

Chuyên gia Lê Đạt Chí phân tích, bản thân việc doanh nghiệp (DN) phát hành thêm CP để thưởng hay chia cổ tức không làm tăng giá trị của DN, không làm thay đổi vốn chủ sở hữu cho DN. Một khi DN phát hành thêm CP thì phải có dự án đầu tư và cần tính toán kỹ nguồn vốn sử dụng, trong đó bao nhiêu là vốn huy động từ NĐT, bao nhiêu là vốn vay...

Cũng theo ông Lê Đạt Chí, để hạn chế việc DN phát hành CP tràn lan như một công cụ kích giá, cơ quan quản lý nhà nước phải có quy định chặt chẽ hơn.

Ông Nguyễn Ngọc Tươi - Tổng giám đốc Công ty chứng khoán Đà Nẵng - nhận định tình hình nói trên phần nào ảnh hưởng đến khối lượng giao dịch trên sàn từ nay đến cuối năm. Một số chuyên gia chứng khoán khác cho rằng, mặc dù cầu trên thị trường được dự báo cũng tăng mạnh nhưng lượng cung quá nhiều cũng sẽ khiến cho NĐT phần nào bị “bội thực”, những đợt IPO rất có thể sẽ không đạt hiệu quả như DN mong muốn.

(Theo ThanhNien)