2 năm gần đây, người dân, nhất là ở TPHCM và Hà Nội bắt đầu có thói quen vay NH. Dư nợ cho vay tiêu dùng của 2 TP hiện vào khoảng 60 nghìn tỉ đồng. Các hộ gia đình và cá nhân vay để mua sắm vật dụng gia đình, mua ô tô, du lịch, du học, sửa chữa nhà cửa, mua nhà, đất... và để kinh doanh CK, vàng, bất động sản (BĐS).

Tín chấp phát triển mạnh

Để vay được NH, người đi vay phải thế chấp bằng BĐS (thường là nhà ở) hoặc cầm cố chứng từ có giá (thường là sổ tiết kiệm, trái phiếu). Mức được vay tối đa bằng 50% trị giá tài sản thế chấp và khoảng 80-85% giá trị của chứng từ có giá. Đối với vay tiêu dùng thế chấp thì lãi suất khá cao, từ 1-1,18%/tháng.

Cách thứ hai rất phổ biến hiện nay là vay tiêu dùng tín chấp (hình thức vay không tài sản đảm bảo dành cho khách hàng cá nhân) với lãi suất thấp hơn từ 0,77-1,03%/tháng. Vay tiêu dùng tín chấp đang phát triển nhanh do nhu cầu từ cả hai phía. Người vay thì chuộng vì thủ tục vay nhanh chóng, có thể nhận tiền ngay trong ngày. NH cũng bớt chi phí làm thủ tục cho vay, lại quản lý được nguồn trả nợ (qua lương).

Một trong những tiêu chí quan trọng để NH lựa chọn khách hàng là nguồn thu nhập của khách phải đảm bảo được khả năng trả nợ. Đối tượng vay tiêu dùng tín chấp hiện phải là những cá nhân có thu nhập ít nhất là 2,5 triệu đồng/tháng trở lên. Thời gian làm việc tại cơ quan ổn định từ 12 tháng trở lên, không quá tuổi nghỉ hưu... Số tiền vay tối đa là 10 tháng lương cơ bản (chứ không phải 10 tháng thu nhập).

Có sự khác biệt trong việc lựa chọn khách hàng của các NH. NHTMCP thì không kén lắm về nghề nghiệp của người vay, miễn là đủ điều kiện vay. Các NHTMNN chủ yếu chỉ giải quyết cho vay đối với CCVC, giáo viên, người hưởng lương trong lực lượng vũ trang, công an..., vì họ coi đây là những đối tượng cho vay an toàn vì có nguồn thu nhập ổn định. Tuy nhiên, vay được vốn NH không dễ vì phải hoàn thiện hồ sơ vay vốn (thường là khá phức tạp, công chứng đăng ký giao dịch bảo đảm, phí "lót tay"...

Những người vay tiêu dùng tín chấp, nhất là CCVC thì ngại khoản xin thủ trưởng xác nhận lương và đồng ý bảo lãnh. Nhiều vị lãnh đạo không muốn xác nhận vì sợ trách nhiệm. Vì vậy, có cán bộ một số đơn vị muốn vay NH được phải xin đủ chữ ký của 3, 4 người (trưởng bộ phận chuyên môn, trưởng phòng hành chính-nhân sự, chủ tịch công đoàn, giám đốc cơ quan)...

Cách tính lãi: Khách chưa hài lòng

Lãi suất cho vay tối thiểu hiện=lãi suất huy động tiết kiệm 12 tháng trả lãi sau (có NH lấy kỳ hạn 13 tháng) +0,35%/tháng. Lãi suất được điều chỉnh 6, 12 tháng một lần theo lãi suất hiện hành. Tuy nhiên, với mỗi loại vay, NH có cách tính lãi khác nhau. Vay có thế chấp bằng tài sản, cầm cố chứng từ có giá thì mức lãi suất cao hơn nhưng số lãi hàng tháng được tính trên dư nợ thực tế.

Đối với tiêu dùng tín chấp thì khác. Mức lãi suất thấp nhưng lãi suất phải trả hàng tháng tính trên số tiền vay ban đầu chứ không giảm theo dư nợ. Ví dụ, bà A. vay 100 triệu đồng, kỳ hạn 12 tháng, lãi suất 0,8%/tháng. Số tiền gốc bà phải trả hàng tháng là 9,133 triệu đồng và mức lãi suất cố định bà phải trả đều trong 12 tháng là 0,8%/tháng, cho dù đến tháng cuối cùng dư nợ gốc của bà chỉ còn gần 10 triệu đồng. Như vậy, thực tế tổng số lãi khách hàng phải trả cao hơn mức 0,8%/tháng khá nhiều. Một số khách hàng phát hiện ra điều này rất bức xúc và cảm thấy bị lừa. Tuy nhiên, đây chỉ là một mẹo như kiểu " mua 2 tặng 1 tính tiền 3" vì thực tế khó có NH nào có nguồn vốn rẻ để cho vay với lãi suất thấp như vậy (lãi suất huy động tiết kiệm 12 tháng của NH hiện cũng lên tới trên dưới 0,9%/tháng).

Một điều kiện vay nữa mà khách hàng không thích là nếu trả nợ trước hạn, nhất là trước một nửa thời gian thì sẽ bị tính phí. Giải thích về vấn đề này, môt trưởng phòng tín dụng NH nói: " Cho vay tiêu dùng thường là kỳ hạn 3 năm. Để có nguồn cho vay, chúng tôi đã phải huy động tiền gửi 3 năm lãi suất cao rồi. Khách hàng trả nợ trước hạn, chúng tôi không thể trả lại cho người gửi tiền được, chúng tôi lại phải mất công đi tìm khách hàng mới. Vì vậy, người vay phải trả phí cho chúng tôi mới công bằng".

Rủi ro tiềm ẩn

Khi thấy nhu cầu tiêu dùng tăng mạnh như vậy, người ta dễ nhầm tưởng là người dân, nhất là người miền Bắc đã thay đổi căn bản thói quen của mình, từ tiết kiệm sang tiêu xài nhưng thực ra chưa hẳn đã vậy. Còn ít người đi vay chỉ để tiêu dùng đơn thuần, khá nhiều người vay để kinh doanh CK, vàng, BĐS. Không phải vô cớ mà nhu cầu vay tiêu dùng tăng vọt mỗi khi thị trường vàng, BĐS và CK biến động.

Có NH biết khách hàng vay với mục đích trình bầy trong đơn là tiêu dùng nhưng thực chất là kinh doanh CK nhưng vẫn cho vay vì sức ép về tăng dư nợ để đảm bảo lợi nhuận. Những khoản cho vay như vậy nhiều khi không có khả năng thu hồi!

(Theo LaoDong)