Các yếu tố như: quyền lợi sắp chia, cú hích IPO Vietcombank và nước ngoài gia tăng đầu tư sẽ tác động làm cho nhiều loại cổ phiếu tăng giá.

Giữa lúc thị trường ảm đạm, nhiều nhà đầu tư vẫn cho rằng cuối năm thị trường chứng khoán VN sẽ khởi sắc. Sự lạc quan đó dựa trên những yếu tố nào?

Lợi nhuận trên mức kỳ vọng

Dựa trên những kết quả đã đạt được, có thể khẳng định nhiều doanh nghiệp (DN) niêm yết năm nay sẽ đạt lợi nhuận trên mức kỳ vọng. Mức tăng cao nhất trước hết phải kể đến những DN hoạt động về tài chính và ngân hàng. Ước tính hết năm 2007, Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI) sẽ đạt lợi nhuận hợp nhất sau thuế khoảng 1.200 tỉ đồng, tăng 50% so với chỉ tiêu kế hoạch, cao gấp 5 lần so với năm 2006 (242 tỉ đồng). Còn Công ty Chứng khoán Bảo Việt có thể đạt lợi nhuận sau thuế gần 300 tỉ đồng, bằng 600% so với năm ngoái (50 tỉ đồng). Ngân hàng Á Châu hết năm nay ước đạt lợi nhuận hợp nhất trước thuế 2.000 tỉ đồng, nhiều gấp 3 lần so với năm trước. Còn Ngân hàng Sài Gòn Thương tín cũng có thể đạt lợi nhuận toàn bộ khoảng 1.500 tỉ đồng, nhiều gấp 2,5 lần so với năm ngoái... Nhiều DN hoạt động trên các lĩnh vực khác như: Công ty Cơ điện lạnh REE, Công ty Phát triển nhà Thủ Đức, Công ty Xuất nhập khẩu An Giang, Công ty FPT... lợi nhuận cũng sẽ vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra.

Khoản lợi nhuận này phần nhiều các DN dùng để tăng vốn, tái đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh nên các nhà đầu tư sẽ được chia cổ tức bằng cổ phiếu. Do mức tăng trưởng lợi nhuận cao nên khi tăng vốn với mức độ tương đương (hoặc thấp hơn) thì hệ số thu nhập vẫn ổn định. Phần nhiều DN quyết định chia cổ tức bằng cổ phiếu vào đầu quý I. Để đón đầu quyền lợi sắp chia, nhiều nhà đầu tư tận dụng cơ hội lúc thị trường còn ảm đạm để mua cổ phiếu trước. Động thái này sẽ tạo nên làn sóng mới trên thị trường chứng khoán. Vì vậy nhiều nhà đầu tư cho rằng có thể từ giữa tháng 12 giá nhiều loại cổ phiếu sẽ bắt đầu tăng từ từ, làm cho thị trường sẽ ấm dần lên.

VCB sẽ khuấy động thị trường?

Cũng trong tháng 12 này, Ngân hàng Ngoại thương VN (Vietcombank - VCB) có thể phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO). Với gần 1.000 tỉ đồng mệnh giá chào bán, nếu giá đấu chỉ tăng gấp 10 lần thì VCB sẽ thu hút của thị trường 10.000 tỉ đồng. Số tiền này sẽ chia làm hai giai đoạn. Giai đoạn I, lúc nhà đầu tư đặt cọc 10%. Giai đoạn II, lúc thanh toán tiền giá mua thành công. Cả hai đợt này đều rút của thị trường niêm yết một số vốn. Tuy nhiên, những nhà đầu tư có kế hoạch mua VCB thì phần nhiều đã chuẩn bị tiền. Vì vậy việc bán tháo cổ phiếu gấp rút để lấy tiền IPO VCB sẽ diễn ra rất ít.

Ông Trần Quý, một nhà đầu tư lâu năm, cho rằng sẽ có rất đông nhà đầu tư tham gia IPO VCB; trong đó có nhiều tổ chức trong và ngoài nước. Khi nhiều người tham gia mua, giá VCB sẽ được đẩy lên cao, góp phần kích hoạt giá các loại cổ phiếu khác. Nhiều nhà đầu tư vì không mua được VCB sẽ quay sang mua cổ phiếu trên sàn, làm cho nhu cầu mua tăng lên. Cuộc IPO VCB sẽ củng cố thêm niềm tin cho nước ngoài, nó khuấy động sự hưng phấn của các nhà đầu tư và góp phần tăng thêm nhiệt cho thị trường chứng khoán.

Nước ngoài gia tăng đầu tư

Tuần qua, hơn 100 nhà đầu tư lớn của Nga đã sang tìm hiểu cơ hội đầu tư vào thị trường chứng khoán VN. Đồng thời Ngân hàng Hồng Kông – Thượng Hải (HSBC) cũng đã tổ chức hội thảo "Tiếp cận đầu tư Việt Nam" tại Singapore. Theo đó, từ nay đến cuối năm, có thể sẽ có thêm nhiều nhà đầu tư nước ngoài chuyển vốn đến tham gia đầu tư cổ phiếu tại VN. Những quỹ đầu tư mới vào VN năm nay đang bị áp lực giải ngân đè nặng nên họ buộc phải mua cổ phiếu để không mang tiếng "không biết đầu tư". Để tiếp thêm lực cho nền kinh tế Mỹ, sắp tới Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) có thể tiếp tục cho hạ lãi suất cơ bản USD. Nếu động thái này diễn ra thì tin chắc thị trường chứng khoán thế giới sẽ khởi sắc trở lại... Các yếu tố mang tính nước ngoài tích cực như vậy cũng sẽ góp phần làm nóng thêm thị trường chứng khoán VN.

© Copyright 2007 by Intellasia.net