Trao đổi với bà Nguyễn Thị Liên Hoa, Phó chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) xung quanh vấn đề về dự thảo thông tư quy định phí đối với kinh doanh dịch vụ chứng khoán.

* Thưa bà, vì sao UBCKNN lại dự định đưa ra mức sàn và trần đối với mức phí môi giới giao dịch chứng khoán?

- Qua nghiên cứu nước ngoài, Hiệp hội kinh doanh chứng khoán đã có kiến nghị gửi UBCKNN, UBCKNN xem xét và thấy rằng việc quy định mức phí sàn là cần thiết để bảo đảm chất lượng, chứ không thể cứ áp dụng miễn phí hoặc mức phí thấp rồi muốn cung cấp dịch vụ như thế nào cũng được. Đó là lý do lần này đưa quy định mức phí sàn vào áp dụng. Cũng có ý kiến cho rằng, không nên quy định mức trần. UBCKNN đang có chút phân vân, nếu không quy định trần sẽ có khả năng công ty chứng khoán (CTCK) dù không đủ năng lực cung cấp dịch vụ cho nhà đầu tư nhưng trong điều kiện thị trường phát triển mạnh vẫn có thể tăng phí vô tội vạ. Vì vậy, UBCKNN vẫn quyết định giữ mức trần. Thị trường chứng khoán (TTCK) các nước chỉ có mức sàn, Việt Nam đưa cả trần và sàn là 0,15% - 0,5%.

* Cũng có ý kiến cho rằng, phí sửa lỗi đối với các CTCK cao quá? Trong trường hợp Sở giao dịch chứng khoán, Trung tâm giao dịch chứng khoán mà mắc lỗi thì sẽ thế nào?

- Hiện nay, các CTCK trong quá trình nhập lệnh có những nhầm lẫn về số lượng, giá trị, loại. Ví dụ loại A thành B, mua thành bán, 10 thành 100. Đó là những lỗi không thể tránh khỏi do con người vận hành. Sau giao dịch, CTCK phải sửa lỗi, họ phải dùng chính tiền và chứng khoán của mình để sửa. Sẽ mất thời gian và khó khăn trong vấn đề đảm bảo khả năng thanh toán, vì thế người ta đặt ra một mức sửa lỗi, mỗi lần sửa lỗi (mức này có tính chất phạt) để thành viên chú ý, hạn chế lỗi, tránh rủi ro thanh toán thị trường và hạn chế thời gian chỉnh sửa. Với quy định đưa ra, chúng tôi mong các CTCK đóng góp ý kiến.

Thực ra, sửa lỗi trong đề án là do đặt lệnh giao dịch, còn lỗi của Sở và Trung tâm lưu ký, về nguyên tắc là khi tổ chức cung cấp dịch vụ mà gây thiệt hại phải bồi thường, tính chất của bồi thường không đưa vào phí mà nằm ở quy chế hoặc các hợp đồng cung cấp dịch vụ. Các quy chế hiện nay của các trung tâm, mà Bộ Tài chính vừa ký, họ đứng ở tư cách cung cấp dịch vụ, khi cung cấp phải có hợp đồng, nếu gây thiệt hại phải bồi thường.

* Trong thời điểm này, các mức phí trong biểu phí có thể là hợp lý, nhưng lại có thể là gánh nặng cho doanh nghiệp khi thị trường đóng băng? Liệu có quy định linh động hơn không?

- Thị trường có lúc thăng, lúc trầm. Tuy nhiên, tính chất của phí là bù đắp những chi phí trong việc cung cấp dịch vụ nhưng phải đảm bảo tính phù hợp để thị trường hoạt động. Trong dự thảo đã đưa ra thể hiện mức sàn và trần, mức tối thiểu và tối đa, đặc biệt ở những phí nhạy cảm liên quan đến nhà đầu tư, hoặc các loại phí liên quan đến phát hành niêm yết. Những mảng đó rất cần khuyến khích phát triển. Trong dự thảo phân ra khá linh hoạt, tùy theo mức độ vốn hóa, đảm bảo không cứng nhắc.

(Theo ThanhNien)