Trong thị trường bình lặng, hằng ngày vẫn có những cổ phiếu tăng giá. Đó là những mã cổ phiếu của những doanh nghiệp đạt lợi nhuận cao, giá trị nội tại bị đánh giá thấp, sắp chia hoặc phát hành cổ phiếu giá rẻ cho cổ đông...

Sau 3 phiên giảm, ngày 30- 10, chỉ số VN-Index lên 1.069,78 điểm, tăng 5,58 điểm so với hôm trước. Đây là mức điểm xập xình khoảng một tháng nay. Mặc dù nhiều người kỳ vọng chỉ số VN-Index tại TPHCM sẽ lên 1.200 điểm vào cuối năm, nhưng đến nay nhà đầu tư vẫn chưa nhìn thấy động lực thúc đẩy chỉ số chứng khoán đi lên.

Tiền chờ còn nhiều

ndtnn.jpg

Thị trường đi xuống, nhà đầu tư nước ngoài tăng mua vào. Ngày 29-10 khối này mua 562 tỉ đồng cổ phiếu trên sàn HoSE. Trong ảnh: Nhà đầu tư Hàn Quốc giao dịch tại sàn Công ty CK Phương Đông. (Ảnh: H.Thúy)
Vì chưa nhìn thấy cơ hội mới nên trong tài khoản của nhiều nhà đầu tư (đặc biệt là các tổ chức nước ngoài) vẫn còn rất nhiều tiền nằm chờ cơ hội giải ngân. Ngày 29-10, VN-Index tuột mạnh, mất 28,28 điểm, làm cho hàng loạt cổ phiếu blue-chip giảm giá sàn. Chớp cơ hội, nhiều nhà đầu tư tung tiền ra gom, làm cho giá trị giao dịch khớp lệnh toàn thị trường TPHCM lên đến 2.043 tỉ đồng, nhiều gấp gần 2 lần so với trung bình của các phiên tháng 10. Trong đó, khối nước ngoài mua vào 562 tỉ đồng. Sức mua tăng đột biến như vậy chứng tỏ trong tài khoản của nhà đầu tư vẫn còn nhiều tiền nằm chờ.

Theo ý kiến nhiều chuyên gia, hầu hết các tổ chức đầu tư nước ngoài mới vào VN, với hy vọng mua cổ phiếu IPO của các doanh nghiệp (DN) lớn trong năm nay vẫn chưa thực hiện được. Số tiền này có thể lên đến nhiều tỉ USD. Do việc IPO những “ông lớn” chậm trễ nên số tiền này hiện vẫn nằm chờ trong tài khoản, nếu có dịp, họ mua cổ phiếu trên sàn. Với những tổ chức đầu tư lớn, họ mua cổ phiếu là để nắm giữ lâu dài. Vì vậy, họ chỉ mua với mức giá hợp lý và với những cổ phiếu thuộc hàng blue-chips.

Giá thị trường không tăng, vẫn làm ăn được

Đối với những nhà đầu tư có kinh nghiệm, dù giá cổ phiếu (cả chứng chỉ quỹ) toàn thị trường không tăng nhưng họ vẫn có thể kiếm lời. Trong thị trường bình lặng, hằng ngày vẫn có những cổ phiếu tăng giá. Đó là những cổ phiếu của những DN đạt lợi nhuận cao, giá trị nội tại bị đánh giá thấp, DN sắp chia hoặc phát hành cổ phiếu giá rẻ cho cổ đông... Những cổ phiếu này thường tăng một mạch nhiều ngày liền khi có thông tin tốt đưa ra.

Đơn cử, mặc dù đã ở mức giá cao chót vót 453.000 đồng/cổ phiếu, nhưng sau khi có thông tin chính thức về việc Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận phương án tăng vốn của DHG (Công ty Cổ phần Dược Hậu Giang), theo phương thức chia cổ phiếu từ nguồn thặng dư với tỉ lệ 1:1 cho cổ đông, thì ngày 30-10 giá của DHG tăng kịch trần, lên 475.000 đồng/cổ phiếu. Số lượng đặt bán trên sàn đã bị vét sạch. Dự kiến, giá DHG vẫn tăng tiếp trong tuần này.

“Lướt sóng”, lúc nào cũng có việc

Do thị trường lúc nào cũng có những cổ phiếu tăng giá nên những tay “lướt sóng” cừ khôi lúc nào cũng có việc làm. Từ nay đến quý I/2008, nhiều DN sẽ có kết quả làm ăn tốt, nhiều đơn vị quyết định chia cổ tức bằng cổ phiếu, tăng vốn... nên cơ hội “lướt sóng” rất nhiều.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Duy Lộc, một nhà đầu tư nhiều kinh nghiệm tại sàn SSI, nếu không chuẩn bị để gom hàng trước, thì khi thông tin loan ra, nhiều người nhảy vào mua, làm cho việc đầu tư khó thành công. Nếu cứ chạy đuổi theo, sau nhiều ngày mới mua được, thì giá đã ở trên trời, lợi nhuận sẽ thấp. Nếu thị trường đảo chiều sẽ có nguy cơ bị lỗ. Còn nếu mua sớm, trước khi có thông tin chính thức, thì ẩn chứa nhiều rủi ro. Vì vậy, tốt nhất là hằng ngày phải đọc các thông tin về DN, phân tích và chọn lựa những cổ phiếu đưa vào danh mục, khi thấy cơ hội đến là mua ngay.

(Theo NguoiLaoDong)