Với hai phiên tăng, ba phiên giảm, thị trường vẫn chưa có biểu hiện kết thúc chu kỳ điều chỉnh giảm khi VN-Index chung cuộc mất 22,3 điểm so với cuối tuần trước. Không khí các sàn giao dịch trở nên tẻ nhạt khi lượng NĐT đến sàn giảm hẳn. Sự kiện duy nhất "khuấy động" là thông tin đánh thuế giao dịch CK cũng không giúp thị trường nhộn nhịp hơn.

Khối lượng giảm đột biến

Tình trạng chán của thị trường thể hiện rất rõ ở khối lượng giao dịch hàng ngày, đặc biệt là tỉ trọng dư mua, dư bán tăng mạnh. Thống kê lượng khớp lệnh tính riêng CP tính theo đơn vị tuần chỉ đạt 35,48 triệu CP, giảm gần 37% so với tuần trước. Giao dịch thoả thuận sôi động hơn chút ít với 18 mã, tổng cộng 2,61 triệu đơn vị, tăng 59%. Tuy nhiên, khối lượng này cũng không đủ bù đắp khi tính chung toàn thị trường CP, lượng chuyển nhượng vẫn giảm 34%.

Khối lượng giao dịch thấp xuất phát từ nguyên nhân lực cầu tiếp tục suy giảm. Tổng lượng chào mua trung bình mỗi phiên tuần qua chỉ đạt xấp xỉ 14,2 triệu CK/phiên, giảm 30%. Tổng bán ra đạt 13,7 triệu CK/phiên, giảm 32%. Biểu đồ diễn biến cung cầu cho thấy so với thời điểm đỉnh cao đầu tháng 10 đã giảm tới 58%. Tương quan cung cầu đã trở về ngang với thời điểm tích luỹ cuối tháng 8.

Đặc biệt từ tuần 12-16.11, cả cung và cầu đã có tốc độ suy giảm đột biến. Khối lượng bán ra giảm mạnh trong chu kỳ suy giảm là điều bình thường khi phổ biến tâm lý "ôm hàng" chứ không chịu bán cắt lỗ, nhất là khi thời điểm kết thúc năm tài chính đang cận kề. Tuy nhiên, sức cầu yếu có tác động tiêu cực hơn.

Một điểm đáng chú ý là trong khi cung cầu suy giảm thì khối lượng dư mua, dư bán tăng cao do mức giá chào không gặp nhau: Lượng cầu tiêu cực chủ yếu đặt quanh mức sàn. Trung bình mỗi phiên tuần qua, khối lượng dư mua chiếm tới 53% tổng cầu và lượng dư bán chiếm 52% tổng cung. Con số này tuần từ 12-16.11 chỉ là 42% và 41%.

Theo nhận định của CTCK Sài Gòn (SSI), liên tiếp 2-3 tuần qua, ở các TTCK lớn trên thế giới đều giảm điểm, tình hình thế giới không thuận lợi: Giá dầu tiếp tục leo thang, lạm phát tăng cao và ngành tín dụng của Mỹ đang có dấu hiệu xấu... Tình hình trong nước cũng không lạc quan hơn: Dự luật Thuế thu nhập cá nhân đánh trên hoạt động đầu tư CK đã được thông qua, NHNN thực hiện nghiêm ngặt hơn Chỉ thị 03 trong giai đoạn cuối năm, kết quả kinh doanh quý III của nhiều Cty lớn đều giảm... Như vậy sự sụt giảm của TTCKVN trong thời gian qua nằm trong trào lưu suy giảm chung của thị trường thế giới.

Vốn ngoại xoay chiều?

Phiên cuối tuần (23.11) đã khiến NĐTTN thêm phần lo lắng khi khối nước ngoài đột ngột tăng lượng bán ra. Tính riêng khớp lệnh, lượng cung ra thị trường đạt 1,04 triệu CK, tương đương 150,9 tỉ đồng trong khi mua vào chỉ xấp xỉ 800.000 CK, tương đương 83,2 tỉ đồng. Tuy nhiên, khối lượng bán ra tập trung chủ yếu ở hai mã là DPM và SSI với tỉ trọng tương ứng 27% và 30% tổng lượng bán của khối này trong phiên. Một tâm lý khá phổ biến "khích lệ"... tinh thần NĐTTN trong những phiên sụt giảm là giao dịch tăng lên của nguồn vốn ngoại.

Thực tế trong diễn biến của thị trường vừa qua, các giao dịch của NĐTNN không có tác dụng nâng đỡ giá. Thống kê chung tuần qua khối này vẫn mua ròng xấp xỉ 2,31 triệu CK, tương đương giá trị 227,8 tỉ đồng. Đây là khối lượng thấp nhất trong 5 tuần trở lại đây và giá trị thấp nhất trong chẵn 10 tuần giao dịch.

Động thái đáng chú ý nhất của NĐTNN là việc giảm cường độ mua DPM. Có vẻ nhu cầu cân đối danh mục với CP này đã bão hoà. Khối lượng giao dịch ròng 5 phiên chỉ còn hơn 300.000 CP. Đây là con số thấp đáng kể nếu so với cường độ thu gom hai tuần đầu tiên, đạt tổng cộng trên 5,9 triệu CP.

Thay thế DPM, vốn ngoại lại tăng cường rót vào hàng mới HPG với 477.000 CP. CP của Tập đoàn Hoà Phát hiện đứng thứ 8 thị trường về quy mô vốn hoá. Một số giao dịch mua đáng chú ý khác là PPC đạt khối lượng ròng xấp xỉ 860.000 đơn vị, SAM (282.000 CP), VTO (176.000 CP), VNE (165.000 CP), TRC (163.000 CP), FPT (158.000 CP)... Giao dịch bán lớn xuất hiện với SSI (307.000 CP), HTV (250.000 CP).

© Copyright 2007 by Intellasia.net