Khi nghiên cứu những bộ óc kiệt xuất trong lĩnh vực đầu tư, bạn sẽ nhận thấy mỗi người trong số họ đều có ảnh hưởng to lớn đến cách thức đầu tư trên toàn thế giới, và một nét tiêu biểu chung là họ đều nhìn thấy trước các cơ hội. John Templeton đẩy mạnh đầu tư quốc tế trước khi xuất hiện sự thoái trào. Warren Buffett mua hết nhẵn cổ phiếu của các công ty chưa nổi danh trước rất lâu khi nó trở nên nổi tiếng khắp thế giới.


Rất nhiều các nhà đầu tư hàng đầu thế giới chiếm lĩnh đỉnh cao bằng khả năng của chính mình. Họ không đi theo dấu chân của người đi trước và không copy phong cách đầu tư của những người khác. Ngay từ khi mới khởi nghiệp, “Họ đã đặt mình ra ngoài đám đông,” ông Walter Gerasimowicz - Chủ tịch và đồng thời là Giám đốc điều hành của Meditron Asset Management nói.

Thường xuyên khó hiểu đối với thị trường

Nếu bạn muốn tự đặt mình ra khỏi đám đông, thì trước hết bạn phải rất dũng cảm, đặc biệt là thị trường tài chính, nơi con người hay bị chi phối bởi tâm lý đám đông rất rõ rệt. John Merrill, Giám đốc điều hành của Tanglewood Capital Management gọi đặc điểm này là “Sự toàn vẹn trí tuệ”. Các nhà đầu tư hàng đầu luôn tự tư duy. “Họ không tuân theo các câu nệ quy ước”, Merrill nói.

Có thể điều này lý giải tại sao bất cứ một nhà đầu tư nào có tên trong danh sách những người xuất sắc nhất cũng có nhiều câu nói nước đôi và những sở thích khác lạ. Những người như Buffett hay ông vua tài chính Bill Gross có khả năng làm cho hàng triệu triệu người thích thú theo dõi các quan điểm của họ.

Thỉnh thoảng lời nói nước đôi của các đầu tư xuất sắc này khiến cho các nhà đầu tư khác không biết phải đánh giá thế nào cho đúng. “Họ thường xuyên lạc điệu với các trào lưu thị trường”, Merrill nói. Các bộ óc lớn khéo léo tìm đường đi đúng cho riêng họ trên con đường mà đám đông đang đi. Chúng ta hãy nhìn vào tấm gương nhà quản lý Ken Heebner, người đã từng mua cổ phiếu bất động sản khi nó không được ưa chuộng và sau đó bán chúng khi giá của loại cổ phiếu này lên tới đỉnh, chỉ ngay trước thời điểm giá bất động sản có dấu hiệu đi xuống.

Suy nghĩ cho dài hạn

Một đặc điểm dễ nhận khác: phần lớn các nhà đầu tư đỉnh cao, mặc dù không phải là tất cả, nhưng hầu như họ đều là những người suy nghĩ đầu tư trong dài hạn. Họ tin tưởng chắc chắn rằng những danh mục đầu tư của họ sẽ có giá trị trong tương lai, và họ quyết theo đuổi niềm tin ấy. “Họ không bị dao động trước các tin tức khác nhau trên thị trường” Georges Yared, nhà hoạch định chính sách đầu tư tại Yared Investment Research nói.

Sự tập trung trong dài hạn là rất quan trọng khi bạn đánh giá các hạng mục đầu tư không chỉ cho vài tháng hay vài năm mà là cho vài thập kỷ. (Chúng tôi chắc chắn các tên tuổi được liệt kê trong danh sách các nhà đầu tư lớn trên thế giới luôn có sự theo đuổi các hạng mục đầu tư đến vài thập kỷ). Những ngôi sao đầu tư ngắn hạn sẽ sớm đuối sức dần, và có thể sẽ tắt ngúm chỉ ngay sau một đợt suy sụp kinh tế.

Merrill chỉ ra rằng, trong khoảng thời gian đầu những năm 1970, danh tiếng của các nhà quản lý quỹ đã từng bị ảnh hưởng một cách nghiêm trọng khi thị trường cổ phiếu chao đảo. Rất nhiều nhà đầu tư đã mất trắng vốn đầu tư, và họ đổ lỗi này cho các “gã găngxtơ” đang điều hành tại các quỹ quản lý. Templeton, nhờ nhìn xa trông rộng áp dụng chiến lược tập trung trong dài hạn và nhấn mạnh đa dạng hóa đầu tư ra nước ngoài, “đã cứu danh dự cho các quỹ này”.

Các nhà đầu tư hàng đầu thường chủ động đưa ra chiến lược đầu tư dài hạn có khi tới vài thập kỷ. “ Và họ sẽ là những người sống sót qua mọi chu kỳ kinh tế, Gerasimowicz nói. Họ đã sống sót qua các cuộc hỗn loạn kinh tế, chiến tranh và sự đỏng đảnh của thị trường.

Thay đổi cùng với thời gian

Thực ra, không phải tất các các nhà đầu tư thượng thặng đều kiếm ra tiền nhờ việc mua và giữ các khoản đầu tư. Một số người, giống như nhà đầu cơ George Soros, đã thu lợi nhuận nhờ việc buôn bán kỳ hạn. Nhưng điều đó đòi hỏi phải là một người có đầu óc suy nghĩ độc lập. Soros phải là người nắm rõ các quy tắc thông thường, nhưng ông cũng sẵn sàng đi ngược lại chúng khi cần.

Vậy thì các nhà đầu tư lớn kiên định tới mức nào? Họ có chọn ra được một triết lý đầu tư và nhất quyết theo đuổi nó đến cùng không? Thật khó có thể trả lời được câu hỏi này. Theo ông Gerasimowicz: “Mọi nhà đầu tư xuất chúng đã có được thành công là vì họ hoạt động với triết lý đầu tư liền mạch”. Quan trọng nhất là, “Họ áp dụng nó một cách kiên định đối với mọi danh mục đầu tư của mình”, - ông nói - “Họ không bao giờ dao động”.

Điều đó có thể đúng, nhưng chắc chắn rằng nhiều bộ óc lớn phải biết thay đổi cùng với thời gian. Warren Buffett của năm 1964 không phải là Warren Buffett của năm 2007, ngay cả khi một số quy tắc của ông ta vẫn như cũ. Icahn đã điều chỉnh các sách lược của ông phù hợp với các luật lệ mới và các quy tắc chung mới.

Tuy nhiên có một thứ không thay đổi: đó là sự may mắn. Thậm chí người giỏi nhất trong số họ có thể đưa ra một danh sách dài những sai lầm trong đầu tư của ông ta. Đôi khi ngay cả nhà đầu tư xuất sắc nhất cũng ước ao có thể quay ngược đồng hồ thời gian trở về quá khứ để sửa chữa những sai lầm ngớ ngẩn của chính mình. Nhưng các bộ óc sáng giá nhất trong thế giới đầu tư đều biết thích nghi, và biết rút kinh nghiệm từ các sai lầm đó để hoạch định các chiến lược đầu tư tương lai.

Một nhà đầu tư bình thường có thể không có được các kết quả như các nhà đầu tư lớn, nhưng bạn có thể thu được lợi nhuận nhờ áp dụng các phương thức và các cách tiếp cận của các bộ óc đã được “đóng dấu chất lượng cao”.

Anh Hoa (Dịch từ BusinessWeek)