Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh vừa đồng ý cho phép mở rộng các khóa đào tạo chứng khoán tại 5 trường đại học. Học viên theo các khóa học do 5 trường này tổ chức được tham gia vào kỳ thi sát hạch lấy chứng chỉ hành nghề thay vì bắt buộc phải học tại Trung tâm đào tạo Chứng khoán như hiện nay.

5 trường đại học được tham gia đào tạo chứng khoán bao gồm Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội, Học viện Ngân hàng, Học viện Tài chính, Đại học Kinh tế quốc dân TP HCM và Đại học Ngân hàng TP HCM.

Các trường sẽ giảng dạy nội dung liên quan đến kiến thức chứng khoán cơ bản và phân tích chứng khoán, nội dung về luật. Một số kỹ năng khác sẽ do Trung tâm đào tạo bổ túc trước khi học viên thi sát hạch lấy chứng chỉ. Chứng chỉ hành nghề sẽ được cấp vĩnh viễn trong thời gian tới thay vì chỉ có thời hạn 2-3 năm như hiện nay song nó chỉ có giá trị khi cá nhân làm việc tại các công ty chứng khoán. Người có chứng chỉ sẽ tham gia các đợt tập huấn luật, văn bản mới định kỳ vài năm một lần.

Theo quy định hiện hành, mỗi người phải có 3 chứng chỉ gồm lớp cơ bản, phân tích và luật do UBCKNN đào tạo với thời hạn từ 2-3 năm mới được hành nghề trong lĩnh vực chứng khoán.

Trong khi đó các lớp đào tạo của Trung tâm Nghiên cứu khoa học và Đào tạo chứng khoán đang trở nên quá tải. Bởi ngoài nhân viên của các công ty chứng khoán, các bạn trẻ muốn lấy chứng chỉ để đi xin việc và nhiều nhà đầu tư đều muốn tham gia. Nhiều lớp học có tới 500 học viên chen lấn.

Ông Nguyễn Thanh Kỳ, Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh chứng khoán, cho rằng việc xã hội hóa trong đào tạo chứng khoán sẽ giúp nguồn cung chứng chỉ hành nghề dồi dào. Thực tế, do yêu cầu phải có đủ nhân viên đạt chứng chỉ hành nghề, nhiều công ty chứng khoán buộc phải chấp nhận người có chứng chỉ nhưng không đủ khả năng làm việc, nhiều khi phải từ chối ứng viên được đào tạo chuyên sâu về chứng khoán nhưng do chưa kịp học và thi sát hạch nên không có bằng.

Khan hiếm giảng viên "xịn"

5 trường đại học được phép chiêu sinh khiến tình trạng quá tải tại Trung tâm đào tạo chứng khoán giảm bớt phần nào song các trường đang canh cánh nỗi lo thiếu giảng viên. Có những khóa học Trung tâm đào tạo chỉ làm nhiệm vụ tổ chức chứ cán bộ trung tâm không tham gia bất cứ buổi giảng nào. Đơn cử như lớp Luật, do yêu cầu về kiến thức chuyên sâu cùng với thực tiễn pháp lý, cũng như khả năng nắm bắt tinh thần luật, các lớp học hoàn toàn do chuyên gia thuộc Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, những người trực tiếp xây dựng Luật Chứng khoán đứng lớp. Hay bài học về thanh tra, cả Ủy ban Chứng khoán chỉ có hai người giảng dạy được.

Vì thiếu giảng viên nên các lớp học thường rơi vào tình trạng quá tải hoặc dồn toa. Có những thời điểm, công việc ở Ủy ban Chứng khoán Nhà nước bộn bề, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Vũ Bằng buộc phải ra "sắc lệnh" cấm cán bộ tham gia giảng dạy khiến tình trạng quá tải càng trầm trọng.

Đại diện một trường đại học thừa nhận có thể xảy ra cuộc ganh đua để mời các giảng viên giỏi về tham gia đào tạo bởi có được học hành đầy đủ, học viên mới dễ dàng vượt qua kỳ thi sát hạch. Việc mời giảng viên tràn lan như các trung tâm đào tạo vẫn làm sẽ không thu hút được học viên trong giai đoạn thị trường đi xuống như hiện nay.

Dẫu khó khăn như vậy song với nhà đầu tư, nhất là các bạn trẻ, thông tin chấm dứt độc quyền đào tạo chứng khoán khiến họ rất vui mừng. Bạn Lê Thiên Bình (Hà Nội) cho biết em đã trên dưới 10 lần đi đăng ký học để được thi lấy chứng chỉ hành nghề chứng khoán do Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cấp, nhưng đến bây giờ em vẫn chưa đăng ký được.

Nguồn tin: VnExpress