Khi thị trường chứng khoán ở hai đầu đất nước tạm thời đi vào ổn định thì tại "khúc ruột" miền Trung lại đang sôi sục cuộc đua đi học đầu tư chứng khoán.

Hàng chục đơn vị từ đào tạo cho đến các công ty chứng khoán đã chớp thời cơ đổ về đây lập sàn, mở lớp.

Anh Hồ Đình Thọ, nhân viên một công ty điện lực ở quận Sơn Trà cho hay, cơ quan anh vừa được phép cổ phần hóa và có chế độ bán ưu đãi cho nhân viên. Lập tức anh đăng ký đi học một lớp chứng khoán để "nạp" thêm các kiến thức cơ bản.

Chị Nguyễn Thị Thu, nhà ở tỉnh Quảng Ngãi cách đây 2 tháng cũng đã khăn gói ra Đà Nẵng học chứng khoán. Trước đây, chị kinh doanh trong ngành thủy hải sản, khi đã có chút vốn kha khá, chị muốn chuyển sang chứng khoán để đầu tư dài hạn vào công ty. Vào TP HCM học thì quá xa, chị quyết định ra Đà Nẵng học để tiện theo dõi các hoạt động giao dịch tại đây.

Ngoài trường Đại học Đà Nẵng thường xuyên mở các lớp đào tạo chứng khoán từ sơ cấp đến trung cấp, thì chỉ còn lại một đơn vị là Viện Quản trị Tài chính TP HCM (Power Brain) phối hợp với trường Đại học Duy Tân cũng mở các lớp đào tạo chứng khoán.

Theo Hiệu trưởng Trường Đại học Đà Nẵng - Bùi Văn Ga, Đà Nẵng là địa phương có số người có nhu cầu học tập cao nhất trong số các tỉnh thành ở miền Trung, nhất là đối với những ngành học mới, thu hút sự chú ý của xã hội.

Còn theo ông Tôn Thất Viên - Trưởng đại diện tại Đà Nẵng của công ty chứng khoán An Bình thì các hoạt động giao dịch chứng khoán tại đây dù có biến chuyển nhưng chưa sôi động như ở 2 đầu Hà Nội và TP HCM.

Đà Nẵng hiện có chưa tới 10 doanh nghiệp địa phương lên sàn. Tuy nhiên vẫn còn 8 doanh nghiệp địa phương chưa cổ phần hóa và khoảng 55 đơn vị trên địa bàn thành phố đang tiếp tục điều chỉnh hoàn thiện việc cổ phần hóa. Giá trị giao dịch lớn nhất khoảng 300 triệu mỗi ngày chia đều cho 3 đại lý nhận lệnh tại đây là Á Châu, An Bình (đường Nguyễn Văn Linh) và công ty chứng khoán Đà Nẵng (đường Nguyễn Thị Minh Khai).

Theo ông Viên, trong vài năm tới khi thị trường chứng khoán phát triển mạnh sẽ là một cơ hội lớn cho các nhà đầu tư tại khu vực này. Còn hiện tại, những người chơi chứng khoán tại đây, đa số là những người môi giới, kinh doanh địa ốc trước đây chuyển sang chơi nên thị trường còn dè dặt.

“Các nhà đầu tư ở Đà Nẵng chỉ còn nặng về tâm lý e ngại, thêm vào đó là trình độ quả lý vẫn còn nhiều hạn chế và hoạt động hầu như còn tách biệt với Hà Nội và TP HCM nên vốn trong dân còn lớn nhưng chưa dám đầu tư và thị trường này cũng nhiều” - ông Viên cho biết thêm.


Nguồn tin: Theo Dân Trí