Hiện nay, đối với nhiều người thì đầu tư vào chứng khoán là cách kiếm tiền nhanh nhất và dễ nhất. Và không có ai làm được điều này giỏi như tỷ phú người Mỹ - Warren Buffett. Những câu chuyện về ông đã trở thành huyền thoại hay nhất của mọi thời đại trong lĩnh vực đầu tư chứng khoán.


Warren Buffet sinh năm 1930, theo học ngành tài chính tại trường Tài chính Wharton niên khóa 1947-1949 rồi bất ngờ chuyển qua Đại học Nebraska rồi tiếp tục theo học Đại học Columbia và lấy bằng thạc sĩ kinh tế năm 1951.

Sau đó, ông đi làm và thi thố một lúc hai khả năng nổi trội của mình: làm nhân viên kinh doanh và nhân viên phân tích chứng khoán. Đến năm 1965, ông dành tiền mua được nhiều cổ phần của Công ty dệt may Berkshire Hathaway và đến năm 1970 trở thành Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc công ty.

Với tài năng của mình, ông chủ tài ba này đã chuyển xưởng dệt may đó thành một tập đoàn khổng lồ vào thập kỷ 90, hoạt động trên các lĩnh vực dễ mang về lợi nhuận nhưng khó làm nhất. Đó là mua bán công ty, bảo hiểm, sản xuất và dịch vụ…

Sự thành công của ông đã khiến rất nhiều người lấy làm tiếc rằng đã không đầu tư vào việc mua cổ phiếu của Berkshire Hathaway vào thời điểm ban đầu hay tiếc là đã không chung vốn đầu tư với ông…

Buffett được mọi người coi như là một người đàn ông có những phép lạ đối với đồng đô- la, nhưng làm thế nào để tạo ra những phép lạ đó thì họ lại không biết. Với Buffett, đầu tư giá trị chỉ là một trong nhiều cách đầu tư. Và đó là nghệ thuật tìm ra được những cổ phiếu có giá trị nhưng lại được bán ra với giá thấp hơn giá trị thực của nó.

Nhưng việc tìm ra được những cổ phiếu có giá trị, có nguồn gốc rõ ràng lại là một điều không hề dễ dàng chút nào. Có rất nhiều công ty có khả năng sinh lợi lớn, nhưng giá cho mỗi cổ phiếu quá cao. Và cũng có một số công ty lớn phát triển rất nhanh ngay sau khi thành lập và giá cổ phiếu là phải chăng, nhưng thực tế đó có thể là cái bẫy. Cái giá cổ phiếu mà bạn nghĩ là thấp nhiều khi hoặc thậm chí chẳng có giá trị gì cả.

Việc đánh giá được giá trị thực của một cổ phiếu là một kỳ công không đơn giản. Sự sụp đổ của Tập đoàn năng lượng Enron là một ví dụ điển hình. Thành lập năm 1985, Enron từ một công ty quy mô nhỏ đã nhanh chóng trở thành một công ty đa quốc gia hùng mạnh trong lĩnh vực năng lượng. Enron đã trở thành công ty lớn thứ bảy của Mỹ và có lúc là công ty năng lượng hàng đầu thế giới. Từ năm 1985 đến cuối năm 2001, giá cố phiếu của công ty liên tục tăng lên, thậm chí trước khi bị tuyên bố phá sản vào cuối tháng 12/2001, trong tháng 10/2001, giá cổ phiếu của công ty vẫn tăng gấp đôi trong vòng chỉ một năm.

Cho đến khi câu chuyện vỡ lở: lợi nhuận của công ty không hề cao và tài sản của công ty không hề nhiều như đã báo cáo. Khi đó thì đã quá muộn đối với những nạn nhân là người mua cổ phiếu của tập đoàn này. Những người “bên trong” đã nhanh tay bán cổ phiếu trước khi thảm họa được phát hiện. Còn đối với hầu hết cổ đông “bên ngoài” giống như cuộc tháo chạy. Có những người đã mua cổ phiếu với giá 90 đô-la để chỉ còn 0,6 đô-la sau không đầy một năm.

Làm thế nào để tìm ra những cổ phiếu có giá trị lớn

Charlie Munger, đối tác kinh doanh trong một thời gian dài với Warren Buffet đã nói rằng: “Sự đầu tư thông minh là đầu tư vào giá trị”. Đó cũng là lý do tại sao những tay chơi chứng khoán cũng cần phải suy nghĩ giống như là một nhà đầu tư giá trị. Vậy làm thế nào để tạo ra sự thông minh đó, và làm thế nào để tìm ra những cổ phiếu có giá trị? Sau đây là năm nguyên tắc quan trọng và bí mật mà nhiều nhà đầu tư giá trị đã sử dụng để thu được lợi nhuận cao:

1. Đừng mua những cổ phiếu đang “hot”

Những người chơi chứng khoán trên các sàn giao dịch chứng khoán thường là những nhà đầu tư ngắn hạn. Và họ chỉ bán phá giá khi họ nhận thấy mình đã tính toán sai, hoặc cần tiền để đầu tư vào một công việc kinh doanh khác. Vậy nếu như bạn là một nhà đầu tư giá trị, bạn không nên tìm kiếm cơ hội để mua được những cổ phiếu với giá hời. Bạn nên có những quan điểm đầu tư dài hạn. Bạn có thể tìm ra những giá trị ẩn bên trong các cổ phiếu, có thể chưa phải là “điểm nóng”, thậm chí chưa lên sàn giao dịch chứng khoán, nhờ vào những nguồn thông tin nội bộ hoặc chính sự nghiên cứu cần cù và chăm chỉ của mình.

2. Hãy là chủ sở hữu công ty, chứ không chỉ là chủ sở hữu của những cổ phiếu

Hãy ngừng việc mua cổ phiếu lại. Thay vào đó, hãy trở thành các ông chủ kinh doanh với những lợi thế cạnh tranh mạnh. Buffett là người có biệt tài nhìn thấy những công ty có tiềm năng phát triển nhưng hiện còn bị đánh giá thấp hoặc rất thấp. Ông hơn hẳn hàng triệu nhà đầu tư khác chính là ở chỗ đó. Nhờ mua những công ty và tài sản lúc giá còn quá thấp để rồi bán ra với giá cao ngất trời ít năm sau đó, tỷ suất lợi nhuận của ông gần như không tưởng.

Trong gần 40 năm miệt mài đầu tư, Công ty Berkshire Hathaway của ông đạt lợi nhuận trung bình 22,6%/năm. Tính chung từ năm 1965 đến nay, lợi nhuận của Berkshire Hathaway đã tăng khoảng hơn 2.000 lần, với việc ở hữu tới hơn 40 công ty con và tuyển dụng khoảng 150.000 nhân công. Đó là chưa kể tới nhiều cổ phần có giá trị lớn của ông tại Coca-Cola, American Express, Walt Disney hay Gillette hoặc những công ty nho hơn cỡ Geico hay General Re.

3. Hãy đề phòng “Cái bẫy giá trị”

Đừng bị đánh lừa khi đánh giá giá trị cổ phiếu mà chỉ nhìn vào thị giá của nó. Khi một cổ phiếu triển vọng trên thị trường bỗng nhiên được bán chỉ với giá bằng nửa giá bình thường, thì bạn hãy cẩn thận, điều này không có nghĩa là giá trị của nó vẫn tốt đẹp. Cổ phiếu có thể sụt giá rất nhanh và không bao giờ phục hồi lại giá trị cũ. Nếu bạn không biết giá trị thực chất của chúng, hoặc không thể có các nguồn thông tin tin cậy từ nội bộ, bạn không thể biết được liệu khi giá xuống thấp, thì cổ phiếu đó có còn giá trị hay không.

4. Hãy xác định giá trị thực của cổ phiếu

Giá cả là những gì bạn trả, giá trị là những gì bạn nhận được. Điều mà nhiều nhà phân tích cơ bản coi như kim chỉ nam là: giá trị thực của một công ty có mối quan hệ mật thiết với các đặc tính tài chính như: khả năng phát triển; những rủi ro mà công ty có thể gặp phải; dòng tiền mặt... Bất kỳ một sự chệch hướng nào so với giá trị thực cũng là dấu hiệu cho thấy cổ phiếu đó đang ở dưới hoặc vượt quá giá trị thực.

Hiện tại các nhà phân tích chứng khoán trên thế giới dùng khá nhiều phương pháp để tính và dự đoán giá cổ phiếu, trong đó thông thường nhất là phương pháp định giá chiết khấu luồng thu nhập (Discounted Cash Flow – viết tắt là DCF). Phương pháp này được dựa trên một nguyên lý cơ bản là "tiền có giá trị theo thời gian, một đồng tiền của ngày hôm nay luôn có giá trị hơn một đồng tiền của ngày mai, một đồng đầu tư vào trong doanh nghiệp này có mức sinh lời khác với một đồng đầu tư trong doanh nghiệp khác, do đó, giá trị của doanh nghiệp được xác định bằng các luồng thu nhập dự kiến mà doanh nghiệp đó thu được trong tương lai được quy về giá trị hiện tại bằng cách chiết khấu chúng bằng một mức lãi suất chiết khấu phù hợp với mức độ rủi ro của doanh nghiệp đó.

Phương pháp này được áp dụng phổ biến ở những nước mà thị trường chứng khoán phát triển, nơi thường có đầy đủ thông tin về lịch sử cũng như thông tin hiện tại và dự báo hợp lý về tình hình tài chính và rủi ro của doanh nghiệp.

5. Đừng dựa vào sự tăng trưởng để quyết định mua cổ phiếu

Những cổ phiếu có giá trị không thể là những cổ phiếu có khả năng tăng trưởng – Đó không phải là sự thật. Tăng trưởng là một thành tố của giá trị. Tuy nhiên, các nhà đầu tư giá trị không dựa vào sự tăng trưởng để ra quyết định mua cổ phiếu. Các nhà đầu tư giá trị hạn chế đến mức thấp nhất rủi ro bằng cách nhìn ra đầu tiên các trường hợp xấu nhất sẽ xảy ra. Họ chọn lựa đầu tư trên những nguyên tắc an toàn nhất định. Đó là lý do tại sao một trong những phương châm nổi tiếng của Buffett được nhiều nhà đầu tư nhắc đến nhiều nhất. Phương châm đó có hai nguyên tắc cơ bản:

- Nguyên tắc 1: Không bao giờ để mất tiền.

- Nguyên tắc 2: Không bao giờ được quên nguyên tắc một.

Một trong những cố vấn của Buffett, ông Benjamin Graham đã viết trong cuốn sách “Nhà đầu tư thông minh” như sau: “Trong ngắn hạn, thị trường là một công cụ lựa chọn, thì trong dài hạn, thị trường là một công cụ có sức nặng”. Vì vậy khi bạn là một nhà đầu tư giá trị, bạn không chờ đợi rủi ro thị trường “nẫng” đi những cổ phiếu của bạn, mà hãy để cho thị trường nhận ra giá trị thực sự của cổ phiếu mà bạn có. Đó là một trong những cách chắc chắn nhất để kiếm ra ngày càng nhiều tiền.

Tuấn Anh (Tổng hợp từ Motley Fool và tham khảo một số thông tin trên mạng)