Mới đây, các chuyên gia của Tập đoàn Ngân hàng Hồng Kông - Thượng Hải (HSBC) đã đưa ra báo cáo về thị trường tài chính và chứng khoán Việt Nam với nhiều dự báo đáng chú ý.

Lợi nhuận trái phiếu Chính phủ có thể sẽ tăng

Các chuyên gia HSBC dự báo, mức lợi nhuận này còn có thể tăng tiếp tục tăng lên mức 7,5% - 7,75% trong ngắn hạn, do tác động của nhiều yếu tố.

Những yếu tố này bao gồm các dòng vốn của các quỹ đầu tư đổ vào thị trường chứng khoán Việt Nam giảm xuống, cho phép Ngân hàng Nhà nước tăng tỷ giá USD so với đồng Việt Nam theo chính sách giảm giá đồng tiền nội địa. Ngoài ra, tỷ lệ lạm phát ngắn hạn đã tăng lên mức 7,2% vào tháng 4 so với mức 6,8% vào tháng 3.

Tuy nhiên, yếu tố chính khiến lợi nhuận trái phiếu Chính phủ tăng cao là sự thắt chặt thanh khoản trên thị trường tiền tệ thông qua nghiệp vụ thị trường mở của Ngân hàng Trung ương trong tháng 4 vừa qua với việc thu lại 33.250 tỷ đồng.

Báo cáo cho biết, lợi nhuận trái phiếu có kỳ hạn 5 năm của Chính phủ Việt Nam đã giảm xuống mức 6,5% vào ngày 26/3 nhưng sau đó đã tăng mạnh lên mức 7,15% vào phiên đấu giá diễn ra vào ngày 24/4. Từ đầu năm đến nay, lượng trái phiếu Chính phủ đã được được phát hành là 8.700 tỷ đồng được dự báo sẽ có tổng trị giá là 31.600 tỷ đồng.

Báo cáo cũng nhận định, lợi nhuận của trái phiếu doanh nghiệp cũng sẽ tiếp tục tăng lên.

Tính từ đầu năm đến nay, lượng trái phiếu doanh nghiệp đã phát hành có trị giá 4.000 tỷ đồng. Các chuyên gia HSBC dự báo, từ nay đến cuối năm, sẽ có thêm 12.000 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp được phát hành, đưa tổng giá trị phát hành của trái phiếu doanh nghiệp trong năm nay lên 16.000 tỷ đồng so với mức 15.000 tỷ đồng trong năm 2006.

Mặc dù lợi nhuận trái phiếu Chính phủ có thể tăng tới 7,75%, các chuyên gia HSBC vẫn cho rằng trái phiếu doanh nghiệp sẽ được ưa chuộng hơn do có mức lợi nhuận cao hơn. Chẳng hạn, trái phiếu có kỳ hạn 10 năm của EVN có mức lợi nhuận là 8,90%, trái phiếu kỳ hạn 15 năm của Ngân hàng Phát triển Việt Nam là 8,5%, vv.

Tăng trưởng GDP sẽ chậm lại

Các chuyên gia HSBC cho rằng tốc độ tăng GDP năm nay của Việt Nam sẽ đạt mức 7,8%, giảm so với mức 8,2% trong năm ngoái.

Trong quý 1 năm nay, tăng trưởng GDP của Việt Nam đã giảm xuống còn 7,7% so với mức 8,9% cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, tỷ lệ lạm phát đã tăng từ mức 6,4% trong tháng 1 lên mức 7,2% trong tháng 4. Tỷ lệ tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp đã giảm xuống còn 7,6%, mức thấp nhất kể từ quý 2/2004, từ mức 13,5% trong năm ngoái.

Tuy nhiên, các chuyên gia HSBC cho rằng, đây chỉ là kết quả của các yếu tố ngắn hạn vì nhu cầu cơ sở hạ tầng của Việt Nam là rất lớn. Mặt khác, lĩnh vực chế tạo cũng đã tăng trưởng trở lại ở mức 2 con số sau khi suy giảm vào quý 4 năm ngoái. Ngoài ra, xuất khẩu tháng 4 của Việt Nam cũng tăng hơn 30% so với cùng kỳ năm ngoái, mức cao nhất từ tháng 5/2006.
Báo cáo cho rằng, Ngân hàng Trung ương sẽ không tăng lãi suất đồng Việt Nam trong năm nay. Kinh tế Mỹ đang tăng trưởng chậm lại và sẽ có ảnh hưởng tiêu cực đối với một nền kinh tế tương đối mở như Việt Nam và do đó, thậm chí Ngân hàng Trung ương có thể giảm lãi suất.

Chứng khoán vẫn hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài

Theo HSBC, cuối cùng thì mức giá cổ phiếu quá cao cũng đã gây ra những tác động xấu với thị trường chứng khoán Việt Nam.

Sau khi, chỉ số PE - tỷ số giữa thị giá và lợi nhuận công ty - đạt mức khoảng 32 lần trong tháng 3, các nhà đầu tư nước ngoài bắt đầu bán ra để thu lời khiến các nhà đầu tư trong nước lo ngại và bán tháo cổ phiếu, khiến VN-Index sụt giảm khá mạnh.

Với chỉ số PE dựa trên thu nhập trong 4 quý vừa qua là 38 lần và mức tăng trưởng lợi nhuận tính trên mỗi cổ phiếu (EPS) được dự tính là 30% trong năm nay, các chuyên gia HSBC cho rằng, chỉ số PE cho cả năm sẽ là 26 lần.

Sau sự sụt giảm mạnh của thị trường chứng khoán, giá trị giao dịch hàng ngày trên thị trường đã giảm xuống còn 47 triệu USD trong tháng 4 so với mức 62 triệu USD trong tháng 3. Các nhà đầu tư nước ngoài mua ròng 345 triệu USD trong tháng 1 và 158 triệu USD trong tháng 2 nhưng đã bán ròng trong 14 ngày trên tổng số 22 ngày giao dịch trong tháng 3. Trong tháng 4, họ cũng chỉ mua ròng 83 triệu USD.

Một lý do khác khiến các nhà đầu tư nước ngoài thận trọng là họ chờ đợi các đợt IPO sắp được tổ chức của nhiều doanh nghiệp nhà nước lớn như BIDV, ICB, MobiFone, VinaPhone...

Tuy nhiên, các chuyên gia HSBC cho rằng, nhu cầu của các nhà đầu tư nước ngoài đối với cổ phiếu Việt Nam vẫn sẽ cao. Hiện đã có 46 quỹ đầu tư nước ngoài hoạt động tại Việt Nam, trong đó có 23 quỹ được thành lập từ tháng 11 năm ngoái.

Chính phủ Việt Nam lo ngại về sự phát triển quá nóng của thị trường chứng khoán Việt Nam có thể gây ra rủi ro trong dài hạn. Tuy nhiên, sau sự sụt giảm vừa qua, rủi ro này đã giảm xuống.

Việc áp dụng mã giao dịch sẽ giúp đơn giản hóa thủ tục giao dịch, tuy nhiên, bằng biện pháp này, cơ quan chức năng có thể sẽ trì hoãn các lệnh đăng ký nếu muốn làm chậm lại tốc độ dòng vốn đổ vào hoặc từ chối lệnh đăng ký của các nhà đầu tư bị cho là nhà đầu cơ ngắn hạn.

Nguồn tin: VnEconomy