Không cần viết phiếu lệnh rồi hồi hộp theo dõi giá cả, cũng chẳng cần thông qua công ty chứng khoán, nhiều tay chơi tự hào vẫn săn được hàng hiếm trên sàn như BMC, TCT... Tuy nhiên kiểu giao dịch ngầm này đi kèm nhiều rủi ro.

Qua mối quen biết, anh Hoàng, một nhà đầu tư sàn Công ty cổ phần chứng khoán Cao Su (Rubse), đã thực hiện nhiều phi vụ trót lọt, đơn cử như vụ mua BMC. Nhắm giá cổ phiếu công ty cổ phần khoáng sản Bình Định (mã BMC) sẽ tăng mạnh, anh Hoàng bèn mua 500 "cổ" BMC của một người quen theo phương thức thoả thuận cao hơn trên sàn đến 10.000 đồng/cổ phiếu từ khi giá mã này mới ở mức hơn 400.000 đồng. Đến nay, sau khi cổ phiếu này chia tách, giá vẫn lên vùn vụt. "Giá đóng cửa phiên hôm qua (12/6) dù giảm sàn cũng đạt 547.000 đồng, lãi lớn", anh cho biết.

Anh Tân, một tay chơi kỳ cựu, thì khẳng định, kiểu giao dịch này đã có từ lâu bởi theo quy định hiện tại, biên độ biến động mỗi phiên chỉ ở mức 5%, đối với cổ phiếu hiếm, phải chờ rất lâu mới có được giá mong đợi. Vậy nên nhiều nhà đầu tư nắm trong tay loại cổ phiếu này thích bán theo dạng thoả thuận hơn. "Nó cũng gần giống với kiểu mua bán OTC, nghĩa là mua bán không qua bất kỳ trung gian nào. Có người thậm chí không cần viết biên nhận và đương nhiên không mất phí trả cho công ty chứng khoán", anh nói.

Tuy nhiên, cũng theo lời thừa nhận từ chính anh Hoàng, kiểu mua bán này lãi nhiều nhưng lúc nào cũng như ngồi trên đống lửa bởi cổ phiếu chỉ trên danh nghĩa của mình, còn lại vẫn nằm trong tài khoản của người bán. "Biết người ta xù mình lúc nào", anh nói.

Tuy nhiên, anh cho biết, trường hợp mua bán chỉ dựa mối quan hệ quen biết như anh rất nhiều, nhất là trong thời điểm nhiều loại cổ phiếu bị đẩy giá lên quá cao như hiện nay.

Lãnh đạo nhiều công ty chứng khoán thừa nhận rằng, kiểu mua bán thoả thuận miệng trên cực kỳ rủi ro. Ông Nguyễn Hồng Nam, Giám đốc công ty cổ phần chứng khoán Sài Gòn (SSI), khẳng định, tất cả hoạt động giao dịch đối với cổ phiếu niêm yết đều phải thông qua sàn. Luật chứng khoán không cho phép công ty cũng như môi giới bảo lãnh cho những khách hàng trên.

Ông Bùi Văn Tuynh, Tổng giám đốc Công ty cổ phần chứng khoán Đại Việt (DVSC), cũng cho hay, khách hàng mua bán theo hình thức này ngoài khả năng mất trắng cổ phiếu mua thoả thuận họ còn gặp rủi ro lớn khi số cổ phiếu trên đột ngột mất giá. Trong khi giá mua thoả thuận của họ thường cao hơn rất nhiều so với giá trần. "Những người làm ăn chuyên nghiệp không bao giờ buôn bán theo kiểu trao tay như thế", ông nói.

Theo ông Tuynh, đây chỉ là hình thức kinh doanh nhỏ lẻ bởi khối lượng của những cổ phiếu hiếm kia không phải là nhiều. Tuy nhiên, hoạt động trên sẽ khiến cho nhà đầu tư hoang mang bởi số cổ phiếu thực được bán ra không hiển thị trên bảng điện. Họ cũng không thể đoán được xu hướng giá sắp tới sẽ ra sao.

Ở góc độ chuyên gia nước ngoài, ông Dominic Scriven, Giám đốc quỹ đầu tư Dragon Capital, cho biết, nhà đầu tư ở nước ngoài không giao dịch theo kiểu này bởi đây là cách kinh doanh mạo hiểm cao. "Nếu vẫn chọn kiểu mua bán trên thì nhà đầu tư nên lường trước rủi ro và học cách chấp nhận nó", ông khuyên.

Nguồn tin: VnExpress