Sự kiện hai nhà đầu tư bị phạt đến 160 triệu đồng do hành vi thao túng giá chứng chỉ quỹ VF1 đang được TTCK Việt Nam rất quan tâm. Tuy nhiên, câu hỏi đằng sau những uẩn khúc của vụ phát hành “kỳ lạ” của VF1 là gì thì đến bây giờ vẫn chưa được giải đáp.
Dường như UBCKNN tìm ra lỗi của cá nhân dễ hơn là tổ chức. Nhà đầu tư đòi hỏi UBCKNN cần làm rõ và xử lý quyết liệt những biểu hiện bất minh.

Ngày 2/5/2007, cùng với việc thông báo hạ giá phát hành chứng chỉ quỹ VF1 từ 33.164 đồng chứng chỉ quỹ (CCQ) xuống còn 23.700 đồng, Ban điều hành Công ty liên doanh quản lý quỹ đầu tư chứng khoán Việt Nam (VFM - nơi phát hành VF1) thông báo mua vào tổng cộng 150.000 CCQ VF1(!?).

Trong đó Tổng giám đốc Trần Thanh Tân mua vào 50.000 CCQ, hai phó tổng giám đốc mua 30.000 CCQ/ người, Giám đốc Tài chính và Giám đốc Chi nhánh Hà Nội của VFM mua 20.000 CCQ/người.

Tổng khối lượng mua vào CCQ VF1 của 5 vị trong Ban điều hành trên lớn hơn tổng khối lượng CCQ các vị này đang nắm giữ, đáng chú ý là ngoại trừ ông Tổng giám đốc thì những người còn lại đều mua với khối lượng bằng hoặc lớn hơn tất cả CCQ này của họ có từ trước đến nay.

Đây là điều xưa nay hiếm ở các tổ chức niêm yết bởi chưa có tổ chức nào mà cả Ban giám đốc lại cùng mua vào một thời điểm với số lượng khá lớn, hơn nữa đây là thời điểm vô cùng nhạy cảm như vậy. Thời điểm họ mua được thông báo kéo dài từ 3/5 đến tháng 9/2007 nhưng kết quả giao dịch này ra sao đến nay chưa ai biết vì thời gian chưa hết.

Ngay sau khi VFM thông báo hạ giá phát hành, VF1 sụt giảm mạnh và nếu như họ mua được vào thời điểm này thì sau đó ít ngày họ đã có một món lời không nhỏ. Rồi cũng chính họ là những người quyết định quay lại giá phát hành 33.164 đồng/CCQ sau đó vài ngày. Có hay không hành vi thao túng giá ở đây?

Giám đốc một công ty chứng khoán cho rằng: “Họ đưa ra thông báo mua vào VF1 có nhiều mục đích, không chỉ tạo ra sự tin tưởng cho nhà đầu tư còn mua được hay không họ đều có lợi. Mua được họ có VF1 giá rẻ, mua chưa được thì giá của VF1 không bị xuống thêm do có người mua vào số lượng lớn”.

Nhiều nhà đầu tư đã phản ứng, thậm chí có người gửi đơn đến UBCKNN đòi làm rõ việc trên nhưng không hiểu vì lý do gì mọi việc đã chìm vào quên lãng! Đây cũng là lần thứ 2, VFM thay đổi giá phát hành, lần đầu vào tháng 8/2006 cũng bị phản ứng dữ dội nhưng UBCKNN cũng “cho qua” và lần này họ cũng thoát ngoạn mục.

Cho đến lúc này, những việc trên đã quá rõ ràng nhưng UBCKNN không hề có ý kiến hay bất cứ một nhắc nhở, cảnh cáo gì VFM. Cùng những hành vi làm ảnh hưởng đến giá cả VF1 nhưng nhà đầu tư cá nhân thì bị phạt 160 triệu đồng, còn VFM chẳng hề hấn gì! Liệu mấy ai tin vào quyết tâm làm minh bạch, trong sạch thị trường của cơ quan quản lý?

Không chỉ vậy, dù chỉ là một quỹ đóng nhưng VFM vẫn hai lần được phát hành thêm CCQ để tăng vốn từ 300 lên 500 tỷ rồi 1.000 tỷ đồng khá dễ dàng. Do VF1 đang nắm giữ khá nhiều loại chứng khoán được mua với giá ưu đãi, giá thấp lên hiện nay giá trị tài sản ròng đã là 37.592 đồng và được nhiều quỹ đầu tư khác mua vào. Nhưng trên sàn, nhà đầu tư đã mất lòng tin vào CCQ này nên giá ngày 19/7 chỉ còn 29.900 đồng/CCQ, thấp hơn cả giá trị tài sản ròng!

Việc chưa có tổ chức, quỹ đầu tư nào bị phát hiện những hành vi như 3 cá nhân đã bị phạt nên vui hay buồn nếu nhìn vào cách xử lý vụ VF1? Bên cạnh đó những hành vi vi phạm quy định về giao dịch của các CTCK, tổ chức niêm yết dù lặp đi lặp lại thường chỉ bị “nhắc nhở, cảnh cáo” cũng đang làm nhiều nhà đầu tư tự hỏi “phải chăng thấp cổ bé họng” mới bị trị?

Một điều lạ nữa là việc UBCKNN cho phép VMF điều chỉnh giá VF1 gây thiệt hại cho nhiều nhà đầu tư đã bị dư luận cũng như nhiều nhà đầu tư phản ứng gay gắt nhưng đến giờ phút này vẫn chưa thấy cá nhân, bộ phận nào của UBCKNN “hề hấn” gì!

Nguồn tin: Tiền Phong