Mỗi giao dịch trong thị trường chứng khoán là một cuộc làm ăn, nhiều khi đó là một cuộc làm ăn lớn. Các giao dịch thường diễn ra và kết thúc cực kỳ nhanh, có thể chỉ tốn vài giây để gút một hợp đồng bạc tỷ. Ở các thị trường lớn như phố Wall hay Tokyo, hàng triệu giao dịch phát sinh mỗi ngày, trị giá hàng tỷ USD... Sự sôi động của loại thị trường nhạy cảm này vừa thách thức vừa đặt tiền đề cho các nhà quản lý về khả năng duy trì một nề nếp trật tự và đạo đức kinh doanh.

Về pháp luật và nghiệp vụ đầu tư, người đầu tư có thể dễ dàng nếu không muốn nói là luôn luôn cần đến các cố vấn và các công ty chứng khoán lo liệu cho mình. Riêng những điều cấm kỵ thì chẳng những giới chuyên nghiệp phải thuộc lòng mà người đầu tư cũng cần biết để tránh, để cảnh giác, tự bảo vệ mình và còn có ý nghĩa giúp thị trường ngày càng hoàn thiện.

Sẽ có rất nhiều các cấm kỵ và hạn chế đối với các thành viên trong thị trường chứng khoán cũng như bất cứ ai tham gia vào thị trường này.

CÁC THỦ THUẬT GIAN LẬN VÀ GIẢ TẠO

Người tham gia, nhất là các nhân viên trực tiếp làm việc trong thị trường chứng khoán tuyệt đối không được dùng các mưu kế hay phương pháp vận hành giả tạo nhằm đánh lừa hoặc gian lận để tác động theo ý mình khi giao dịch hoặc nhằm để chiêu dụ việc mua hay bán một chứng khoán nào đó.

Ví dụ như năm 2000 tại thị trường phố Wall, một số nhân viên Sở giao dịch chứng khoán New York đưa ra các nhận định có dụng ý và sai sự thật, thực hiện các động tác giả. Hạn chế hành vi như trên sẽ giúp cho cơ chế mua bán trong thị trường chứng khoán tuân thủ các động cơ tự nhiên theo nhiệt độ của thị trường và chống lừa đảo. Theo luật giao dịch chứng khoán của Mỹ thì giới hạn truy cứu là 3 năm và hiệu lực phát hiện trong vòng một năm, với sự đền bù thiệt hại không hạn chế và tuỳ theo mức độ.

TƯ VẤN CHO KHÁCH HÀNG KHÔNG PHÙ HỢP, THIẾU CƠ SỞ

Khi khách hàng tìm đến nhà tư vấn hoặc quan hệ với công ty chứng khoán, họ mặc nhiên phó thác niềm tin vào những nơi này. Mỗi khách hàng có những nhu cầu đầu tư riêng. Các điều kiện tài chính, nhân thân, thể trạng tâm lý, mức chịu đựng rủi ro... của họ khác nhau. Họ cần được điều tra đầy đủ, được giải thích cặn kẽ, gồm cả các phân tích rủi ro đúng mực và báo họ biết trước. Bất cứ sự thiếu tận tuỵ, qua loa lấy lệ nào gây hậu quả xấu cho khách hàng đều được xem là vi phạm nguyên tắc hành xử trong thị trường chứng khoán.

Những “hành xử” trung thực “fair dealing” này có thể đo lường được dễ dàng bằng một số tình huống được liệt kê. Ví dụ không thể có chuyện khách hàng của một công ty môi giới bị “mắc quai” vào một quyết định đầu tư mà có thể đặt họ vào rủi ro vượt quá khả năng tài chính của họ. Hoặc một phụ nữ đang mang thai, một người bệnh tim, lại được hướng dẫn đầu tư vào các chứng khoán hay chiến lược có độ rủi ro cao, dù có thể sẽ mang lại lợi nhuận nhiều,...

MUA BÁN QUÁ MỨC CẦN THIẾT

Trong thị trường chứng khoán các nhà đầu tư do không có thời giờ hoặc không tinh thông bằng các nhà môi giới,... họ có thể mở một trương mục uỷ thác “discretionary account” giao trọn quyền mua bán lại cho nhà môi giới. Hoạt động mua bán quá mức xảy ra khi người môi giới làm như thế để gia tăng tiền huê hồng của mình chứ không phải vì mục đích kiếm lời cho khách hàng đầu tư. Hành động “tạo sóng” để thủ lợi hay “dành sữa vớt bơ” này thuật ngữ gọi chung là “churning”. Churning vừa có thể là mua bán quá nhịp độ bình thường hoặc quá quy mô để rồi lại phải thanh lý phát sinh nghiệp vụ! mới kết thúc giao dịch đó được.

BÁN CỔ TỨC

Việc mua chứng khoán ngay trước đợt phân phối cổ tức mới nghe tưởng ngon ăn. Thật ra người đầu tư bị đặt trước hai bất lợi: thứ nhất chứng khoán sẽ bị rớt giá ít ra là bằng với khoản cổ tức được phân phối - sự rớt giá vì bất cứ lý do nào luôn kèm theo một động thái tâm lý bất ổn - và thứ hai, người đầu tư sẽ phải gánh chịu trách nhiệm về khai thuế theo đợt phân phối cổ tức đó. Các công ty chứng khoán bị cấm khuyến khích người đầu tư mua các cổ phần vào thời điểm tế nhị này nhằm để tránh một sự chạy trách nhiệm đối với nghĩa vụ thuế.

VAY MƯỢN TIỀN

Các đại diện của công ty chứng khoán và các nhà tư vấn đầu tư bị cấm vay tiền hoặc chứng khoán của một khách hàng, ngoại trừ khách hàng đó đồng thời là một ngân hàng hoặc một đơn vị có chức năng kinh doanh tài chính. Đồng thời họ cũng bị cấm không được cho khách hàng vay tiền hoặc chứng khoán nếu họ không được phép hoạt động như vậy.

NGUỴ TẠO BẢN CHẤT

Những người hành nghề trong thị trường chứng khoán không được trình bày sai lệch ra công chúng về thực chất và các dịch vụ của họ để “lừa” khách hàng cũ hoặc “câu” khách hàng mới,... các cấm kỵ kiểu này bao gồm:
- Phẩm chất nghề nghiệp, kinh nghiệm, trình độ.
- Bản chất các dịch vụ được cung ứng.
- Phí dịch vụ.
Bất cứ một sự phô trương nào vượt quá thực chất cũng mắc tội nguỵ tạo, vì sẽ làm sai lệch quyết định “chọn mặt gởi vàng” của người đầu tư.

SỬ DỤNG KẾT LUẬN NGHIÊN CỨU CỦA NGƯỜI KHÁC

Các nhà tư vấn đầu tư và kinh doanh môi giới bị cấm không được cung cấp cho khách hàng các báo cáo nghiên cứu, phân tích hay khuyến nghị do người khác thực hiện mà không nói thẳng ra đó không phải là lập luận của mình. Nhưng họ có thể dựa vào các thông tin, khuyến nghị hoặc phân tích của người khác để đưa ra các kết quả tư vấn cho khách hàng của mình, miễn là họ phải tiết lộ là họ đã dùng các nguồn đó.

XUNG ĐỘT QUYỀN LỢI

Các nhà tư vấn đầu tư phải công khai bằng văn bản các thực trạng tế nhị dễ gây ra hoặc tiềm ẩn khả năng xung đột quyền lợi với khách hàng như:
- Mối quan hệ trực tiếp giữa nhà tư vấn với bất cứ nhà cung ứng sản phẩm chứng khoán nào.
- Các khoản tiền trả phí thu xếp mà khách hàng phải chịu thêm vào phí tư vấn cho cùng dịch vụ.
- Nhận phí tư vấn của khách hàng trong khi tiền huê hồng thực hiện nghiệp vụ chứng khoán, dựa trên kết quả tư vấn đó, cũng có thể về tay nhà tư vấn hay công ty của họ.

ĐẢM BẢO LỜI LỖ HOẶC CHIA CHÁC VỚI KHÁCH HÀNG

Những người kinh doanh và tư vấn không được cam kết bất cứ một khoản chạy lỗ hoặc kiếm lời nào sẽ được thực hiện cho tài khoản của khách hàng, ngoại trừ trong vài trường hợp hạn chế. Những người hoạt động trong kỹ nghệ chứng khoán cũng không được chia lãi, chia lỗ với khách hàng. Các ngoại lệ nếu có - ví dụ: đối với một tài khoán liên kết (joint account) thì phải được công ty quản lý trực tiếp chấp thuận trước bằng văn bản và họ chỉ được chia phần tương đương với vốn góp. Các quan hệ gia đình trực tiếp sẽ được áp dụng linh động hơn.

LẠM DỤNG THÔNG TIN NỘI BỘ

Đây là cấm kỵ cực kỳ nghiêm khắc. Các thông tin không được công bố ra công chúng được quan tâm đặc biệt vì đây chính là một nguyên nhân quan trọng bậc nhất tạo ra sự bất công, tiêu cực, mờ ám,...làm vẩn đục thị trường. Các công ty và nhà tư vấn chứng khoán bị bắt buộc phải lập các “bức tường cách ly” (Chinese wall) trong nội bộ, soạn quy chế để duy trì và ràng buộc các chế độ về quản lý thông tin, thiết lập thủ tục và hạn chế nhằm tích cực ngăn ngừa các vi phạm luật lệ về quản lý thông tin nội bộ. Luật lệ về thị trường chứng khoán dành nhiều điều khoản chế định hành vi phi đạo đức này.

TIẾT LỘ THÔNG TIN KHÁCH HÀNG

Thông tin có liên quan đến khách hàng có quan hệ với công ty chứng khoán phải được giữ kín. Các nhân viên của công ty chứng khoán không được tiết lộ bất cứ chi tiết nào của khách hàng cho người khác không có thẩm quyền nếu không có sự đồng ý của khách hàng đó. Các thông tin này có thể là các vị thế mua bán, tình trạng nhân thân, tình hình tài chính, các ý đồ chiến lược,…

Một nguyên tắc quan trọng có tính sống còn của thị trường chứng khoán là niềm tin của khách hàng. Chính những nhân viên làm việc trong công nghệ chứng khoán phải có nghĩa vụ giữ lại niềm tin đó. Trong trường hợp được yêu cầu, được pháp lý xác nhận và cho phép, tài khoản của khách hàng có thể giao dịch bằng mã số hoặc mã chữ thay vì bằng chính tên của họ.

LỢI DỤNG CHỨC NĂNG ĐỂ THU VÉN CHO MÌNH

Khi các công ty thành viên và cơ quan trong thị trường chứng khoán đảm nhận các công đoạn trong hệ thống vận hành như đại diện chi trả, chuyển nhận, bảo lãnh phát hành chứng khoán,... là đã cam kết trong một quan hệ uỷ thác đối với các công ty phát hành. Do vai trò như vậy, các đơn vị này đương nhiên có được các thông tin riêng, chi tiết về những ai đang làm chủ loại chứng khoán mà họ đang phục vụ. Đây không phải là lợi thế kinh doanh. Các thành viên liên quan bị cấm không được sử dụng các thông tin dạng này cho mục đích vụ lợi. Họ chỉ được sử dụng theo yêu cầu cụ thể hoặc sự cho phép của công ty phát hành. Chẳng hạn, một đơn vị thành viên giữ nhiệm vụ chuyển lợi nhuận trong các giao dịch về cổ phần thường của một công ty không được liên hệ với các sở hữu chủ cổ phần đó để thu vén lợi riêng.

(Theo Finance Times)