Cần tiền hỗ trợ cậu em mua đất, chị Ngọc Thanh nhờ đến 5-7 mối bán hộ 500 cổ phiếu An Bình Bank, hạ giá vài lần mà vẫn không có khách mua. Giới cò cho biết trừ một số cổ phiếu có tính thanh khoản, hầu hết hàng OTC đang trong tình trạng đóng băng.

Ban đầu chị Thanh rao giá 650.000 đồng/cổ phiếu (mệnh giá 100.000 đồng), 2 ngày sau chị hạ xuống 620.000 và giờ là 590.000 đồng. Có khách gọi điện, chấp thuận giá nhưng chỉ muốn mua 200 cổ phiếu, khách mua cả lô lại trả quá thấp. Chị Thanh xót xa nhớ lại thời điểm mua hồi đầu năm, giá lên tới 850.000 đồng mà ngọt nhạt mãi người ta mới bán.

Thời điểm này khá đông nhà đầu tư rơi vào tình huống như chị Thanh, cần tiền song khó bán cổ phiếu, thậm chí có những loại người bán chấp nhận giá rẻ để cơ cấu lại danh mục đầu tư cũng không biết bán cho ai. Những mã vốn rất "hot" trên thị trường như cổ phiếu ngân hàng, dầu khí, bất động sản, dược giảm khá mạnh. Eximbank giá 14-15 triệu xuống 10-11 triệu (mệnh giá 1 triệu đồng), Hòa Phát có thời điểm giao dịch 105.000-110.000 đồng (mệnh giá 10.000 đồng) giờ còn 82.000 đồng. Vincom khi "sốt" giá 210.000 đồng, giờ xuống 132.000 đồng, Dịch vụ kỹ thuật Dầu khí có lúc 205.000 đồng giờ 150.000 đồng, SHBank có lúc 750.000 đồng (mệnh giá 100.000 đồng), giờ mất giá gần một nửa.

Với những cổ phiếu giá rẻ 20.000-30.000 đồng, tình trạng đóng băng thấy rõ. Cổ phiếu thủy điện A Lưới, xây lắp điện 1, Xi măng Công Thanh... ít nhà đầu tư hỏi mua vì lo ngại không có tính thanh khoản.

Ngay đạm Phú Mỹ sau đấu giá, thị trường sôi sùng sục giờ giao dịch cũng thưa thớt. Có nhà đầu tư mua lại giá 70.000 đồng, hy vọng đến ngày có sổ bán giá 75.000-80.000 đồng, giờ kế hoạch phá sản khi thị trường tự do rao giá đầu 6.

Huy, một thợ săn cổ phiếu cho biết, giờ chỉ các nhà đầu tư dư tiền mới dám ôm OTC mà phải là cổ phiếu của doanh nghiệp lớn, làm ăn tốt, có lộ trình niêm yết rõ ràng. Nhiều khách quen của Huy trước chuyên "đánh" OTC giờ quay ra mua bán cổ phiếu trên sàn. Dân vay mượn cầm cố chơi chứng khoán thì vắng bóng hẳn vì không chịu nổi áp lực lãi vay ngân hàng khi bị chôn vốn.

Đấu giá hút vốn OTC

Thị trường OTC được giới đầu tư dự báo sẽ còn tiếp tục ảm đạm khi sắp tới, các đợt đấu giá cổ phiếu doanh nghiệp nhà nước lớn như ngân hàng Ngoại thương, Đầu tư, Nhà ĐBSCL diễn ra. Bên cạnh đó một lượng vốn không nhỏ bị hút vào các đợt thực hiện quyền mua cổ phiếu tăng vốn của các doanh nghiệp niêm yết như Sacombank, PVD, VF1, SSI...

Nhiều nhà đầu tư hy vọng khi thị trường OTC có tổ chức đi vào hoạt động, cổ phiếu sẽ có tính thanh khoản cao hơn nhưng hiện tại đề án xây dựng thị trường này vẫn chưa hoàn tất. Hơn một tháng trước các công ty chứng khoán nhận được bản dự thảo đầu tiên nhưng trong đó vẫn còn nhiều điểm chưa hợp lý và Trung tâm giao dịch Chứng khoán Hà Nội đang soạn thảo lại. Đại diện nhiều công ty dự đoán sớm nhất cũng phải năm sau thị trường OTC có tổ chức mới có thể hoạt động.

Ông Nguyễn Thanh Kỳ, Chủ tịch Hiệp hội kinh doanh chứng khoán VN cho rằng thời điểm này nhà đầu tư phải bình tĩnh và kiên nhẫn. Cổ phiếu của những công ty hoạt động tốt, có tiềm năng lớn sẽ hồi phục, nhà đầu tư cần thu thập thông tin để đánh giá thật cẩn thận thay vì mua bán ào ào theo phong trào như trước đây. Cuối năm nay thị trường có thể sôi động trở lại khi các công ty công bố tăng vốn và chia thặng dư vốn từ bán cổ phiếu hồi cuối năm ngoái.


Nguồn tin: VNExpress