Một nhà đầu tư chứng khoán thành công luôn biết tránh những lỗi thường gặp. Tuy vậy, không một nhà đầu tư chứng khoán nào không mắc phải lỗi trong quá trình đầu tư. Chỉ có kinh nghiệm và những bài học qua nhiều lần vấp váp mới khiến các nhà đầu tư trở nên “lão luyện” hơn.

Sau đây là 18 lỗi phổ biến nhất mà phần lớn các nhà đầu tư hay mắc phải do William J. O'Neil, một chuyên gia nổi tiếng tại phố Wall tổng kết.

1. Đa số các nhà đầu tư không biết cách tìm ra loại chứng khoán nào sẽ tăng trưởng tốt. Vì thế, họ thường đầu tư vào những loại chứng khoán "hạng 4" là những loại chứng khoán biến động rất thất thường trên thị trường. Những chứng khoán này cũng đồng thời không phải là những "con chim đầu đàn" thực thụ.

2. Cách đơn giản để "gặt hái" thất bại là mua những chứng khoán đang liên tục giảm giá. Nhà đầu tư thường dễ có cảm giác là họ đã kiếm được món hời khi mua những chứng khoán như vậy vì so với trước đó vài tháng, rõ ràng họ đã mua được rẻ hơn. Ví dụ, một người lần đầu tiên đầu tư vào chứng khoán đã mua cổ phiếu của International Harvester với giá 19USD/cổ phiếu. Lý do mà người đó mua cổ phiếu của công ty này là giá của chúng đang xuống rất thấp, khiến ông ta cảm thấy rất hời. Cuối cùng, hoá ra công ty đó đang bên bờ phá sản. Sai lầm của ông bạn này cũng là sai lầm mang tính kinh điển của những "lính mới" vào nghề.

3. Một thói quen tệ hại hơn của nhiều nhà đầu tư là càng mua càng khiến mức đầu tư bình quân của mình giảm xuống. Chẳng hạn nếu như bạn mua một cổ phiếu với giá 40USD rồi sau đó lại mua tiếp với giá 30USD, như vậy bạn đã làm mức đầu tư bình quân chỉ còn là 35USD. Đây là kiểu chiến lợc "a-ma-tơ". Với cách làm này, bạn liên tiếp mắc sai lầm và tự làm tăng thua lỗ cho mình. Chỉ cần một vài loại chứng khoán lớn đi xuống cũng có thể gây nhiều tổn thất cho bạn.

4. Công chúng thích mua những chứng khoán có đơn giá thấp và họ thường mua những lô chẵn 100 hoặc 1000 cổ phiếu một lúc và cho rằng làm như thế là thông minh. Hành động này khiến họ yên tâm hơn, thậm chí có thể cảm thấy mình quan trọng hơn. Tuy nhiên, thà rằng bạn hãy mua dăm ba chục cổ phiếu với giá cao nhưng của những công ty tốt còn hơn là làm như vậy. Bạn nên nghĩ về số tiền mà mình đầu tư hơn là nghĩ về số cổ phiếu mà bạn có thể mua được. Giá rẻ thường rất hấp dẫn, nhưng đằng sau nó là những công ty hoặc đã từng ở vị trí kém cỏi, hoặc có trục trặc gì đó trong thời gian gần đây. Ngoài ra, bạn thường phải trả hoa hồng và phụ phí nhiều hơn khi mua những chứng khoán giá rẻ, đồng thời cũng chịu nhiều rủi ro hơn bởi loại chứng khoán này dễ mất giá hơn so với những chứng khoán giá cao. Hơn nữa, các nhà đầu tư chuyên nghiệp và những định chế đầu tư chuyên giao dịch lớn thường không mua chứng khoán giá thấp, nên họ sẽ không ra tay chống đỡ khi giá của chúng biến động, trong khi hành động này là một trong những yếu tố quyết định để vực thị giá chứng khoán lên. Chứng khoán cũng giống như bất cứ loại hàng hoá nào khác. Tiền nào của nấy.

5. Những "tay mơ" trong nghề thường muốn "ăn liền". Họ muốn gặt hái được nhiều, nhanh mà không chịu nghiên cứu, chuẩn bị một cách thích đáng cũng như không trang bị sẵn cho mình những kỹ năng và phơng pháp thiết yếu. Họ chẳng bỏ công tìm hiểu kỹ xem mình đang làm gì.

6. Nhiều nhà đầu tư thích kiểu mua bán theo tin đồn, mách nước, chuyện kể và những lời khuyên của các hãng dịch vụ tư vấn. Nói một cách khác, họ thà sẵn sàng nghe theo thiên hạ để rồi vung những đồng tiền mà họ phải "đổ mồ hôi, sôi nước mắt" mới kiếm được còn hơn tự hiểu rõ những gì mình đang làm. Hầu hết tin đồn đều nhảm nhí và thậm chí nếu như một lời mách nước nào đó là đúng thì trong rất nhiều trường hợp, giá chứng khoán vẫn cứ giảm.

7. Nhiều nhà đầu tư mua chứng khoán hạng 2 chỉ vì cổ tức hấp dẫn hoặc tỷ số giá/lợi nhuận thấp. Thực ra, tiêu chí cổ tức không quan trọng bằng tiêu chí lợi nhuận mỗi cổ phần. Trên thực tế, khi một công ty nào đó trả cổ tức càng cao thì khả năng công ty đó bị suy yếu đi càng lớn bởi vì nó sẽ phải trả lãi suất đi vay cao để bù đắp lại cho ngân quỹ đã bị hao hụt do việc trả cổ tức. Hơn nữa, chỉ cần thị giá cổ phiếu đó bị sụt trong 1-2 ngày cũng có thể làm cho nhà đầu tư mất một khoản tiền tương đương số cổ tức mà mình mới được chia. Còn xét về tỷ số giá/1ợi nhuận thì một tỷ số thấp vẫn hoàn toàn có thể có đối với những công ty ở vị trí thấp kém.

8. Người ta thường có thói quen mua cổ phiếu của những công ty mà mình biết tên hoặc quen thuộc với mình. Việc trước đây bạn đã từng làm việc ở General Motors không nhất thiết đồng nghĩa với việc mua cổ phiếu của hãng này là khoản đầu tư tốt. Có những khoản đầu tư tốt nhất lại chính là cổ phiếu của những hãng mà tên tuổi chỉ mới xuất hiện trên thị trường. Bạn có thể chưa biết rõ lắm về những tên "lính mới" này nhưng bạn hoàn toàn có thể (và cũng nên) biết về chúng nếu bạn chịu bỏ ra chút ít công sức đế tìm hiểu và nghiên cứu.

9. Đa số các nhà đầu tư không có điều kiện tiếp cận được những nguồn thông tin và dịch vụ tư vấn tốt. Có nhiều người ngay cả khi đã được tư vấn tốt cũng có thể không nhận thức rõ và vì vậy họ đã không làm theo. Trong khi đó người ta lại rất dễ mất tiền vì nghe theo những lời khuyên của bạn bè hay những nhà môi giới trình độ trung bình, hoặc những hãng tư vấn thường thường bậc trung. Bạn nên hiểu rằng, có rất ít người trong số bạn bè của mình, các nhà môi giới và cũng chỉ một số rất nhỏ các hãng tư vấn đủ thành đạt trên thương trường để những lời khuyên của họ đáng cho bạn quan tâm. Nghề tư vấn hay môi giới thì cũng giống một số nghề khác như bác sỹ, luật s, cầu thủ... ở khía cạnh "nhân tài như lá mùa... đông". Bạn biết rằng cứ 9 cầu thủ bóng chầy mới có 1 người ký được những hợp đồng thi đấu nhà nghề và phần lớn những người biết đá bóng trong trường đại học đến sau khi tốt nghiệp không đủ tài năng để ký được một hợp đồng thi đấu nhà nghề tương tự.

10. Trên 98% công chúng thường lo ngại mua những cổ phiếu mới lên giá bởi đối với họ, giá mới dường như quá cao. Những cảm tưởng và quan điểm cá nhân không thể chính xác bằng các tín hiệu thị trường.

11. Đa số nhà đầu tư thiếu kinh nghiệm hay "ngoan cố" giữ lại những chứng khoán đang mất giá chừng nào họ cho rằng những tổn thất mà họ đang gánh chịu còn chưa đáng kể và chấp nhận được. Lẽ ra họ có lối thoát và chỉ phải chịu chút ít thua thiệt nhưng ngược lại, họ lại để cho những xúc cảm cá nhân chi phối và tiếp tục chờ đợi với hy vọng mong manh là giá sẽ lại lên và cuối cùng, họ đành phải chấp nhận những khoản lỗ lớn hơn nhiều.

12. Cũng với lối hành động tương tự, nhiều nhà đầu tư thường nhanh chóng bán đi những cổ phiếu mới lên giá để thu về những khoản lợi nhỏ mà họ cho là dễ kiếm, trong khi lại ương bướng không chịu bán những chứng khoán đang xuống giá. Cách làm này hoàn toàn ngược lại với quy trình đầu tư đúng đắn. Điều hài hước ở đây là, nhà đầu tư sẽ bán chứng khoán để kiếm lợi sớm hơn khi họ bán để giảm thua lỗ.
13. Những nhà đầu tư nhỏ hay phân vân một cách quá mức về vấn đề thuế và tiền hoa hồng. Bạn nên xác định lợi nhuận ròng là mục tiêu hàng đầu cho chiến lược đầu tư của mình. Sự lo lắng một cách thái quá về vấn đề thuế thường dẫn đến việc "om" lại những chứng khoán mà lẽ ra chúng nên được bán đi. Nhiều nhà đầu tư đã từng đánh mất cơ hội kiếm được lợi lớn chỉ vì họ đã giữ chứng khoán lại quá lâu nhằm cố thu được những khoản lời lớn nhờ việc đầu tư dài hạn. Một số nhà đầu tư thậm chí còn mắc sai lầm tệ hại là cố tự huyễn hoặc mình không được bán vì sẽ phải trả thuế. Trong trường hợp này thì nhà đầu tư vừa quá vị kỷ và có óc suy xét kém.

Phí hoa hồng khi bạn mua hoặc bán chứng khoán, đặc biệt là khi thông qua một nhà môi giới hưởng tỷ lệ hoa hồng thấp (discount broker) chỉ là một yếu tố rất nhỏ so với những lợi thế của việc sở hữu chứng khoán như khả năng ra quyết định kịp thời và hành động đúng lúc khi cần thiết. Một trong những ưu thế lớn nhất của việc sở hữu chứng khoán so với sở hữu bất động sản là khoản hoa hồng phải trả khi mua bán chứng khoán thấp hơn nhiều và bạn có thể bán được để chuyển thành tiền mặt ngay lập tức. Điều đó cho phép bạn tự bảo vệ mình bằng cách nhanh chóng bán đi và chịu lỗ không đáng kể hoặc giữ lại để kiếm lợi nhuận cao khi thấy chứng khoán đang có xu hướng liên tục tăng giá.

14. Công chúng thường hay đầu cơ vào các hợp đồng lựa chọn một cách quá mức bởi họ cho rằng đó là một cách làm giàu nhanh chóng. Khi mua các hợp đồng lựa chọn, họ lại tập trung một cách sai lầm vào những hợp đồng ngắn hạn giá rẻ. Sự hạn chế về thời gian luôn là yếu tố bất lợi đối với những người sở hữu hợp đồng lựa chọn. Hơn thế nữa, nhiều nhà đầu cơ thích việc các hợp đồng khống, lại sẵn sàng hứng chịu những rủi ro lớn trong khi lợi nhuận lại thấp. Vì vậy, đây là cách đầu tư thiếu khôn ngoan.

15. Những nhà đầu tư mới gia nhập thương trường thích ấn định giới hạn giá cho các lệnh mua, bán của mình hơn là sử dụng các lệnh thị trường. Hành động như vậy là rất dở bởi thay vì phải chú trọng vào những động thái quan trọng hơn của thị trường thì nhà đầu tư đã tỏ ra quá chú ý đến chi tiết 1/4 hoặc 1/8 điểm. Các lệnh giới hạn thường dẫn tới hậu quả là nhà đầu tư hoàn toàn bị tuột khỏi thị trường và không kịp "giải quyết" những chứng khoán cần bán đi để tránh tổn thất lớn.

16. Một số nhà đầu tư thường gặp khó khăn khi phải quyết định mua hay bán. Nói cách khác, họ do dự và không thể tự chủ động trong suy nghĩ. Họ cảm thấy không chắc chắn chỉ vì họ không biết rõ mình đang làm gì. Họ không có sẵn những kế hoạch, nguyên tắc quy định để tự định hướng cho mình.

17. Đa số các nhà đầu tư không chịu quan sát diễn biến chứng khoán một cách khách quan. Họ luôn hy vọng và làm theo sở thích. Họ thích dựa vào hy vọng vì những ý kiến chủ quan hơn là chú ý đến những tín hiệu thị trường, trong khi những tín hiệu đó lại thường chính xác hơn nhiều.

18. Nhà đầu tư thường bị chi phối bởi những vấn đề ít quan trọng như việc phân tách cổ phần, tăng cổ tức các bản thông cáo hoặc những lời khuyên của các nhà môi giới, tư vấn.

(Theo Finance Times)