Trái phiếu công ty là các cam kết nợ tài chính của một công ty, trong đó công ty phát hành hứa sẽ trả lãi định kỳ và hoàn trả toàn bộ khoản nợ vào ngày đáo hạn.

Việc công ty phát hành ấn định lãi suất trái phiếu như thế nào sẽ tuỳ thuộc vào tình hình kinh doanh của công ty, cũng như lãi suất chung của thị trường. Trái phiếu công ty được phân làm 4 loại gồm tiện ích công cộng, vận chuyển, công nghiệp, ngân hàng và công ty tài chính.

Người ta thường phân tích bằng thống kê chi tiết để phân loại đồng nhất hơn. Chẳng hạn, khu vực tiện ích công cộng được chia thành công ty điện năng, công ty phân phối khí đốt, công ty nước và công ty truyền thông. Khu vực vận chuyển bao gồm các công ty hàng không, công ty vận chuyển đờng sắt và công ty xe tải. Khu vực công nghiệp có các công ty chế tạo, hàng hóa và dịch vụ… Phần lớn trái phiếu công ty là trái phiếu định kỳ, tức là có hiệu lực trong một thời hạn, sau đó đến kỳ đáo hạn sẽ được chi trả. Bất cứ khoản nợ nào không được trả hết trước ngày đáo hạn phải được thanh toán hết vào thời điểm này. Thời kỳ đáo hạn có thể dài hay ngắn nhưng thông thường, các trái phiếu có thời gian đáo hạn dưới 5 năm là ngắn hạn. Các trái phiếu có thời hạn từ 5 đến 10 năm được gọi là trung hạn. Ở các nước công nghiệp phát triển, trái phiếu công ty có thời hạn 20 đến 30 năm, có loại đến 100 năm và có loại không ghi thời hạn đáo hạn (là loại trái phiếu vĩnh viễn). Các chứng khoán nợ do công ty phát hành dưới rất nhiều hình thức như:

Trái phiếu theo loạt đáo hạn: là trái phiếu công ty được thu xếp sao cho có nhiều thời điểm đáo hạn khác nhau được ấn định rõ.

Trái phiếu có ủy thác thế chấp: Để người giữ trái phiếu cảm thấy an toàn, các công ty chủ quản sẽ thế chấp chứng khoán, trái phiếu trung hạn, trái phiếu dài hạn, hay bất cứ cam kết nợ nào khác mà công ty sở hữu. Một trái phiếu có thế chấp công nhận người giữ trái phiếu có quyền đối với các tài sản được thế chấp. Trong thực tế, việc tịch thu và bán tài sản thế chấp ít xảy ra. Dù vậy, quyền giữ tài sản thế chấp rất quan trọng, bởi vì nó đem lại cho người giữ trái phiếu một vị thế chắc chắn so với các chủ nợ khác khi xác định các thời hạn tái tổ chức hoạt động tài chính.

Trái phiếu dưới dạng nợ: là các chứng khoán nợ không được bảo đảm bởi một tài sản thế chấp cụ thể. Nhưng điều đó không có nghĩa là người giữ trái phiếu này không có quyền đối với tài sản của nhà phát hành hay thu nhập của họ. Những người giữ trái phiếu dưới dạng nợ có quyền của chủ nợ đối với tất cả những tài sản của nhà phát hành không được thế chấp.

Trái phiếu được bảo đảm: Trái phiếu được bảo đảm là các cam kết nợ được bảo đảm bởi một công ty khác. Khả năng an toàn của một trái phiếu được bảo đảm phụ thuộc vào khả năng tài chính của công ty đứng ra bảo đảm cũng như khả năng tài chính của nhà phát hành.

Trái phiếu chuyển đổi: Trái phiếu chuyển đổi có thể cho phép các trái chủ quyền được chuyển đổi trái phiếu của họ thành cổ phiếu thường. Tỷ lệ cổ phiếu thường mà họ có thể đổi được với trái phiếu gọi là tỷ lệ chuyển đổi. Trái phiếu có thể chuyển đổi vào một ngày nhất định trong tương lai và thường có một điều khoản về tỷ lệ chuyển đổi được ban hành khi trái phiếu gần ngày đến hạn.
Hầu hết các trái phiếu công ty có một điều khoản lệnh “gọi” cho phép nhà phát hành quyền chọn mua lại toàn bộ hay một phần trái phiếu trước ngày đáo hạn đã ấn định. Một số trái phiếu mới nêu rõ nhà phát hành phải thu hồi theo định kỳ một số trái phiếu đã xác định trước.

Các nhà phát hành thường muốn có quyền này vì họ nhận thấy rằng, vào một thời điểm nào đó trong tương lai, mức lãi suất chung của thị trường có thể xuống thấp hơn lãi suất của trái phiếu công ty đến mức cần thực hiện thu hồi trái phiếu và thay thế bằng một trái phiếu khác có lãi suất thấp hơn.

Các trái phiếu phát hành được quyền chuyển nhượng một cách dễ dàng. Vì vậy, khi quyết định đầu tư vào trái phiếu công ty, ngoài việc phải chú ý tới người phát hành, hình thức phát hành, tính cách đáo hạn, tỷ lệ lợi nhuận… nhà đầu tư cần thận trọng với các ấn định, trị giá chuyển đổi, điều khoản thu hồi... để hiểu thật rõ những rủi ro bao hàm trong đó.

(Theo Finance Times)