Sau 3 phiên giảm tổng cộng 32 điểm, chỉ số chứng khoán của sàn TP.HCM, VN-Index quay đầu tăng nhẹ nhờ sự tăng giá mạnh mẽ của 2 cổ phiếu ngành dược và một số cổ phiếu chủ chốt khác như VNM, PPC, PVD…

Kết thúc phiên giao dịch ngày 30/10, VN-Index tăng 5,58 điểm (tương đương tăng 0,52%) lên 1.069,78 điểm.

Trong số 121 cổ phiếu niêm yết trên sàn (thêm SSI lên sàn 29/10), 40 mã tăng giá, 66 mã giảm giá và 15 mã đứng giá. Trong 2 chứng chỉ quỹ, BF1 tăng 100 đồng lên 11.100 đồng/ccq còn VF1 giảm 200 đồng xuống 31.700 đồng/ccq.

Khối lượng và giá trị giao dịch (cả cổ phiếu và chứng chỉ quỹ) giảm khá mạnh, chỉ còn đạt 11,55 triệu đơn vị, trị giá 1.352 tỷ đồng (so với hơn 2.000 tỷ đồng hôm 29/10). Giao dịch tính riêng cổ phiếu đạt hơn 11,2 triệu đơn vị.

Hai cổ phiếu lớn ngành dược là DHG và IMP tăng rất ấn tượng, tương ứng 22.000 đồng (4,86%) và 9.000 đồng (4,5%) lên mức giá kịch trần là 475.000 đồng/cp và 208.000 đồng/cp. Hai cổ phiếu này đã tăng tới 13,25% và 25,16% tính từ đầu tháng 10 tới 29/10.

Sự tăng giá vượt trội của cổ phiếu IMP của Dược phẩm Imexpharm không có gì đáng ngạc nhiên khi công ty này vừa công bố kết quả kinh doanh quý III/2007 với lợi nhuận tăng vượt trội so với cùng kỳ năm ngoái.

Lợi nhuận sau thuế quý III/2007 của IMP đạt 16.277.910.093 đồng, cao hơn quý II/2007 là 1,95 lần (tăng 7.913.461.202 đồng). Luỹ kế 9 tháng đầu năm IMP đạt 45.211.706.719 đồng, cao hơn cùng kỳ năm ngoái là 1,54 lần (tăng 15.888.652.685 đồng).

Mặc dù chưa công bố kết quả kinh doanh quý III/2007, nhưng DHG của Dược Hậu Giang vẫn tăng giá rất mạnh do nhiều nhà đầu tư đang đặt niềm tin khá lớn vào cổ phiếu này. Trong quý II/2007, lợi nhuận của DHG tương đương cùng kỳ năm ngoái; doanh thu tăng đột biến.

Theo khảo sát của một đơn vị cung cấp thông tin chứng khoán, khá nhiều nhà đầu tư quan ngại về các loại thuế, phí, các đợt IPO lớn sắp tới và thông tin cho rằng Ngân hàng Nhà nước chưa có ý định sửa Chỉ thị 03 khiến đa số cổ phiếu tiếp tục giảm giá. Nhưng đối với nhiều người, khi cổ phiếu, đặc biệt blue-chips giảm giá là cơ hội để họ mua vào.

Cổ phiếu VNM của Vinamilk kết thúc phiên giao dịch 30/10 tăng mạnh 8.000 đồng (tương đương tăng 4,4%) lên 189.000 đồng/cp.

Cổ phiếu của đại gia ngành sữa này mặc dù có kết quả kinh doanh khá ấn tượng (9 tháng đạt 755 tỷ đồng) nhưng tính từ đầu tháng 10 tới hết 29/10, giá vẫn giảm 1.000 đồng. Khối lượng giao dịch của cổ phiếu này cũng đạt khá lớn, 214.790 cổ phần.

Hai gương mặt lớn khác cũng đã quay đầu tăng giá trở lại sau khi giảm mạnh trong khoảng thời gian từ 1-29/10 là PPC của Nhiệt điện Phả Lại và PVD của Công ty Khoan và Dịch vụ Khoan Dầu khí PV Drilling. PPC tăng 2.500 đồng lên 63.000 đồng/cp, còn PVD tăng 2.000 đồng lên 168.000 đồng/cp.

PPC và PVD nằm trong top 20 cổ phiếu giảm mạnh nhất kể từ đầu tháng 10 với mức giảm tương ứng là 3.500 đồng (5,47%) và 4.000 đồng (2,35%).

Trong các cổ phiếu mới lên sàn, chỉ có TCM của Dệt may Thành Công tiếp tục tăng thêm 4.000 đồng lên mức giá kịch trần là 88.000 đồng/cp. Còn lại các cổ phiếu mới lên sàn khác như HDC (lên sàn 8/10), SC5 (lên sàn 18/10), SSI (lên sàn 29/10), TSC (lên sàn 4/10), VTO (lên sàn 9/10) đều giảm mạnh do đã tăng quá nhiều trước đó.

Cổ phiếu SSI hôm nay giảm 7.000 đồng (tương đương giảm 2,5%) xuống 278.000 đồng/cp. Cách đây 2 tháng (khi mà còn ở sàn HASTC), cổ phiếu SSI có giá chỉ ở mức 150.000 đồng/cp. Cổ phiếu này kết thúc giao dịch tại sàn HASTC ngày 12/10 với giá 260.100 đồng.

Theo hãng cung cấp thông tin chứng khoán nói trên, trong bối cảnh TTCK chưa có xu hướng tăng giảm rõ ràng như hiện nay, các nhà đầu tư nên xem xét kỹ biến động giá cổ phiếu trong tháng 10 và kết quả kinh doanh của từng doanh nghiêp.

© Copyright 2007 by Intellasia.net