Bên cạnh những ý kiến cho rằng Vn-Index sẽ “bùng nổ” vào dịp cuối năm 2007, đầu năm 2008 như cùng kỳ năm ngoái thì cũng không ít nhận định thận trọng...

Sẽ lên...

Với hàng loạt “đại gia” sắp lên sàn như Đạm Phú Mỹ, Hoà Phát , Hoàng Anh Gia Lai, Xây dựng số 5, Cao su Đồng Phú, SSI (hôm nay chính thức giao dịch sau khi chuyển từ sàn Hà Nội vào)... sắp niêm yết với tổng số vốn khoảng 3.800 tỷ đồng, Ủy viên HĐQT Sở GDCK TP HCM (HOSE) Lê Hải Trà dự báo: “Tổng vốn hóa của TTCK Việt Nam sẽ đạt trên 400.000 tỷ đồng vào cuối năm nay”.

Thị trường có nhiều hàng là một yếu tố chính để đẩy VN-Index tăng, nhất là hàng “chất lượng” như trên.

Nhà phân tích chứng khoán Phùng Khắc Cung cho rằng: “Nếu tình hình vẫn như vừa qua, các cổ phiếu mới đều tăng giá mạnh thì nhiều khả năng VN-Index sẽ tăng nhanh vào dịp cuối năm”. Việc PET tăng 90%, VIC tăng gần 50% kể từ ngày lên sàn đang được xem là vì dụ hấp dẫn để nhiều nhà đầu tư hy vọng.

vnindex1200.jpg

VN - Index liệu có thể vượt ngưỡng 1.200 điểm vào cuối năm nay?

Giám đốc một Cty chứng khoán (CTCK) tiết lộ: “Đây đang là thời điểm để các quỹ đầu tư, tổ chức tài chính lớn của nước ngoài quyết định có giải ngân mạnh hay không vì năm 2007 sắp hết”.

Sau phiên đấu giá của PVFC, thị trường đã nhận ra các nhà ĐTNN không “mặn mà” lắm với những phiên IPO như vậy (99% trúng là nhà đầu tư cá nhân!).

Từ đây dấy lên kỳ vọng họ sẽ dồn tiền cho chứng khoán niêm yết và vấn đề chỉ là thời điểm mà thôi, điều này đồng nghĩa với việc VN-Index có thể lên hay vượt qua 1.200 điểm như có chuyên gia chứng khoán đã lạc quan dự đoán.

Ông Huỳnh Anh Tuấn, CTCK ACB nói: “Có thể VN-Index sẽ đi lên theo hình răng cưa nhưng tôi nghĩ VN-Index sẽ lên”. Giám đốc một quỹ đầu tư lớn cũng khẳng định: “Với tình hình này tôi không tin VN-Index sẽ xuống và nếu có những thông tin tốt như: ngân hàng được tăng tỷ lệ cho vay chứng khoán, nhà ĐTNN rót vốn vào nhiều, kết quả kinh doanh của tổ chức niêm yết thuận lợi, cổ tức tiếp tục cao... thì việc VN- Index vượt quá 1.200 điểm không phải là quá lạc quan”.

Trồi sụt hoặc xuống

Khá nhiều phiên gần đây, khi VN-Index vừa chớm vượt qua 1.100 điểm, các nhà ĐTNN đã “vội” bán ra và kéo VN-Index xuống lại. Đây chính là một rào cản lớn để VN- Index không thể lên nhanh và cao nổi.

TS Nguyễn Quang Hưng cho rằng: “Họ áp dụng thủ thuật này để TTCK không quá nóng, giá không lên cao để nếu muốn giải ngân mạnh cũng không phải mua với giá vượt quá mức mong muốn. Hơn nữa chẳng một nhà đầu tư (NĐT) nào muốn VN-Index lên trên 1.200 điểm lại không ghìm VN-Index ở mức dưới 1.100 điểm vì ghìm được thì lợi nhuận chắc chắn cao hơn khi thị trường tăng trưởng”.

Bên cạnh đó, nhiều quỹ đầu tư có số vốn lớn như Vina Capital, Dragon Capital, Indochina Capital...thời gian qua cũng đang phân tán rủi ro và không xem chứng khoán niêm yết là kênh đầu tư quan trọng nhất.

Cách đầu tư này đang được nhiều nhà ĐTNN áp dụng vì thế cơ sở cho việc hàng tỷ USD sẽ rót vào TTCK Việt Nam trong thời gian tới mới chỉ là hy vọng.

Trên thực tế, khá nhiều mã vẫn còn room nhưng nhà ĐTNN đã “dừng” lại đã khiến NĐT trong nước cũng do dự. Vì vậy nhà phân tích Trần Ngọc Nam nhận định “VN-Index không thể tăng vọt nếu chỉ trông chờ vào các NĐT trong nước” hoàn toàn có cơ sở.

Đợt IPO của Vietcombank sắp tới ngoài việc đánh giá tình hình “sức khỏe” của TTCK Việt Nam sẽ còn là một trong những nguyên nhân chính để quyết định VN-Index lên hay xuống.

Giống như Đạm Phú Mỹ, Bảo Việt, Bảo hiểm Dầu khí... trước đây, đợt IPO này sẽ “rút ruột” của thị trường niêm yết hàng ngàn tỷ đồng và gần như chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến thị trường niêm yết.

Dù được kỳ vọng nhiều nhưng chưa chắc Vietcombank sẽ IPO thành công với mức giá hấp dẫn vì nhà đầu tư trong nước băn khoăn từ bài học IPO của Bảo Việt, Đạm Phú Mỹ và thắc mắc về khoản thặng dư sẽ chia ra sao, còn nhà đầu tư nước ngoài lại không được chào đón lắm, chưa kể họ chưa hẳn “thích thú” với ngân hàng này.

Nếu điều này xảy ra, nhiều loại cổ phiếu khác sẽ đứng hoặc xuống giá, kéo hay níu VN-Index xuống hoặc trồi sụt như hiện nay.

(Theo TienPhong)