Khác với thị trường niêm yết diễn ra sôi động với những NĐT “lướt sóng”, thời gian qua thị trường OTC lại khá âm thầm với những NĐT chờ thời. Nhưng đã xuất hiện những “con sóng nhỏ” báo hiệu một sự bùng nổ có thể sắp diễn ra.

Sau một vài ngày cuối tháng 9 nóng lên theo sàn niêm yết, OTC lại lắng xuống. Nhưng khác trước, thị trường không rơi vào cảnh “đóng băng” nữa. Tuy giá trị giao dịch không lớn, nhưng chợ vẫn có kẻ mua, người bán. Càng gần đến tháng 11, thị trường ngày càng xuất hiện nhiều “cơn sốt” nhẹ.

Một số NĐT nhỏ, lẻ đã ngán OTC, nhưng sau khi kiếm được chút lãi trên sàn niêm yết lại quay về mua sẵn một số CP OTC hy vọng sẽ kiếm lợi nhuận lớn trong thời điểm “bùng nổ” cuối năm như kịch bản 2006. Tuy nhiên, trong cảnh chờ thời, hầu hết các NĐT mua có lựa chọn.

Săn CP tiềm năng

Niềm tin CP mới là CP còn tiềm năng được củng cố qua những CP mới chào sàn như VIC, PET khiến thời gian qua các NĐT săn mua những CP có tin sắp niêm yết như: Đạm Phú Mỹ, Intresco, Caosu Đồng Phú, Hoà Phát, PVTrans... với hy vọng kiếm lời cao khi chính thức giao dịch trên sàn. Giá của các loại CP này tăng ít thì khoảng 30%, nhiều thì gấp đôi so với giá đầu tháng 9.

Bên cạnh đó, những mã CP được đánh giá là có tiềm năng cũng được nhiều người hỏi mua. Đó là CP thuộc họ PV với bất cứ loại CP nào có gắn với chữ dầu khí như: Cty tài chính dầu khí, Cty vận tải dầu khí, Cty bất động sản dầu khí, đầu tư khoan dầu khí...; CP của ngành xây dựng bất động sản như Vinaconex, Cty CP XD Bình Chánh, Cty CP xây dựng và thiết kế số 1; CP các CTCK như: Kiên Long, Đại Việt, Sài Gòn-Hà Nội, Tràng An... và CP của một số Cty thuộc tập đoàn Sông Đà, CP Hoàng Anh Gia Lai.

Anh Thuỷ, người môi giới chứng khoán cho biết, ngoài những CP đang “hot” trên có một số người vẫn có nhu cầu mua các loại CP ít giao dịch như CP Hàng hải Đông Đô, Lilama 10, Lilama 691, Cavico E, Viconship... Nhìn vào danh mục dư mua, dư bán trên mạng thấy chủng loại mã hàng đã rất phong phú. Nhiều tên tuổi bị lãng quên từ lâu nay được nhắc lại.

Cơn sốt SHB?

Sau thông tin về NHTMCP Sài Gòn-Hà Nội (SHB) chuẩn bị lên sàn HaSTC tháng 12, ngay chiều ngày 24.10 các NĐT đã lùng mua SHB, giá CP này trong mấy ngày tăng từ 37.000 đồng/CP lên 45.000 đônhg/CP. Mặc dù vẫn được ưa chuộng, nhưng CP ngân hàng hiện đang ở mức khá thấp. Dường như NĐT đang chờ đợi giá IPO của NH Ngoại thương VN (VCB).

Một NĐT nói: “Trong những ngày này, các NĐT nắm giữ CP NH đang nóng lòng chờ thông tin công bố mức giá bán cho NĐT chiến lược và kết quả cuộc đấu giá phát hành CP lần đầu ra công chúng của VCB có thể diễn ra tháng tới. Nếu giá IPO của VCB cao, sẽ kéo giá CP của các NH khác lên, còn nếu thấp sẽ “đè” giá CP toàn ngành NH xuống theo”.

Trên thị trường OTC ở Hà Nội hiện nay, VPBank, MB và Eximbank, Đông Á là bốn loại CP được giao dịch khá nhiều vì tính thanh khoản cao. Các loại CP khác như Habubank, ABB theo anh Nam, người môi giới chứng khoán khác nói, bình thường thì không được chuộng lắm nhưng nếu đã “sốt” thì bao giờ cũng có cảnh tranh nhau mua. Tuy nhiên, nếu không có các thông tin hỗ trợ như SHB thì giá CP NH sẽ còn “chập chừng” chờ giá VCB. Đây cũng là một điều đáng tiếc vì so tương quan nhiều CP DN trên sàn niêm yết, CP NH tốt hơn nhiều nhưng giá lại quá thấp. Chị Thuý mua SHB trên cơ sở tính toán mua SHB giá 45.000 đồng/CP. Nếu cuối năm khi CP này được chia thêm giá vốn của CP SHB còn có khoảng hơn 22.000 đồng/CP, bằng BBT (Bông Bạch Tuyết).

Vẫn có NĐT “lướt sóng”

Mặc dù đa phần người mua CP OTC xác định là sẽ phải dài hơi chờ thời điểm cuối năm, nhưng cũng vẫn có những NĐT “lướt sóng” được trên thị trường này. Anh Hùng nói: “Đối với OTC trong giai đoạn này nên thực hiện chiến thuật giá lên thì bán, giá giảm thì mua, rất hiệu quả. Tôi đã bán cho thành viên HĐQT của một NHTMCP 2 tỷ đồng mệnh giá CP khi bà này cần tiền, sau đó cùng CP đó giá xuống tôi lại mua vào cho bà ta, lượng CP vẫn nguyên mà bà ấy còn lời gần 2 tỷ đồng”.

Cũng còn một thực trạng nữa mà nhiều người cảnh báo là đừng tin nhiều vào các thông tin chào giá mua/bán trên mạng. Tình trạng làm giá là khá phổ biến. Khi gọi điện đến người bán thì kêu đã bán rồi, người mua thì bảo đã mua rồi. Việc mua bán trên OTC hiện nay thành công phần lớn thông qua các môi giới. Sau một thời gian ai cũng làm môi giới được thì nay chủ yếu là các môi giới chuyên nghiệp và tương đối có uy tín. Ăn hoa hồng mức vừa phải và có những tư vấn khá bổ ích để giữ quan hệ làm ăn lâu dài với khách.

© Copyright 2007 by Intellasia.net