Phiên giao dịch cuối tháng 10 với sự hiện diện của "đại gia" SSI chính thức lên sàn TPHCM đã không tràn đầy lạc quan như mong đợi: 82 CP mất giá khiến VN-Index giảm 28,28 điểm, xuống mức 1.064,20 điểm.

SSI đã hút một lượng tiền khổng lồ tới xấp xỉ 838,6 tỉ đồng, tương đương 41% tổng giá trị khớp lệnh CP toàn thị trường.

Kỷ lục SSI

Phiên chào sàn của SSI có lẽ sẽ được ghi nhận như một sự kiện ấn tượng nhất của thị trường cuối năm khi giá trị giao dịch lớn tương đương quy mô toàn thị trường trong thời kỳ tháng 7-8 vừa qua. Với biên độ giá lên tới 20%, SSI đã đạt giá trần 300.000 đồng/CP, giá giao dịch thấp nhất trong phiên đạt 260.000 đồng/CP.

SSI thu hút sự chú ý của toàn thị trường bởi hai lẽ. Thứ nhất, SSI đã có hơn một tháng gây "náo loạn" tại sàn Hà Nội khi giá tăng gần gấp đôi, từ mức trên dưới 150.000 đồng/CP lên mức cao nhất 273.000 đồng/CP khi có thông tin cụ thể về thời gian chuyển sàn.

Xung quanh mức giá đỉnh này, SSI cũng được giao dịch khoảng 700.000 - 800.000 CP/phiên chứng tỏ tâm lý kỳ vọng một sự đột biến về giá khi SSI "chuyển nhà" là rất lớn. Thứ hai, với quy mô niêm yết gần 80 triệu CP, SSI sẽ thuộc vào nhóm có thể gây tác động lớn tới thị trường thông qua VN-Index.

Từ đầu tháng 10 tới nay, chỉ số giá dao động trong một biên độ rất hẹp và thị trường cần một sự đột phá để tạo đà tăng trưởng. Trong khi hầu hết các blue-chips khác đã hết lực, nhóm CP nhỏ tăng phi mã cũng không mấy tác dụng, yếu tố được trông đợi nhiều nhất là SSI, khi CP này vừa có tiềm lực về quy mô, vừa có kết quả kinh doanh "đẹp".

Diễn biến giao dịch của SSI sôi động không nằm ngoài dự đoán khi ngay phiên mở cửa đã tăng kịch trần lên mức 300.000 đồng/CP, khối lượng khớp lệnh đạt xấp xỉ 870.000 đơn vị. Các lệnh được nhập vào hệ thống trong đợt khớp lệnh liên tục được duy trì mức trần khá lâu và giảm dần sau đó nhưng khối lượng tăng rất nhanh. Kết thúc phiên, SSI đóng cửa ở mức giá 285.000 đồng/CP, với khối lượng khớp lệnh thành công trên 2,85 triệu đơn vị, chiếm 19,35% tổng khối lượng giao dịch toàn thị trường.

Nhờ sự đóng góp của SSI, khối lượng chuyển nhượng (tính riêng CP) ngày 29.10 đã đạt mức kỷ lục: 14,1 triệu đơn vị, cao nhất trong 20 phiên giao dịch gần đây. Riêng giá trị thị trường đã tăng 76%, đạt gần 2.044 tỉ đồng. Thống kê cuối ngày cho thấy đã có 3,86 triệu CP SSI được đặt mua và 4,79 triệu CP được đặt bán. NĐTNN mua vào 1,02 triệu CP với trên 298 tỉ đồng giá trị. Đây cũng là kỷ lục về giao dịch của khối này trong một phiên.

Tác động thị trường

Phiên chào sàn ấn tượng của SSI đã để lại nhiều suy nghĩ cho thị trường. Với những NĐT lạc quan, hành động mua vào ồ ạt của NĐTNN là dấu hiệu tốt cho thấy sức cầu thực tế rất mạnh. Quy mô lệnh mua lớn hơn nhiều so với lệnh bán cũng hỗ trợ nhận định này. Tuy nhiên, việc SSI bị bán ra mạnh về cuối phiên cũng có thể được diễn giải như một hoạt động xả hàng. Từ góc độ này, SSI lại là nguy cơ lớn cho thị trường.

Phiên giao dịch ngày 29.10, theo quy định mới, SSI được khớp lệnh đủ 3 đợt và giá đóng cửa được xác định là giá tham chiếu cho phiên sau. Tuy nhiên, phiên giao dịch đầu tiên biến động giá của SSI sẽ không được tính vào VN-Index. Với giá đóng cửa 285.000 đồng/CP, SSI đã được xếp vào hàng thứ 4 thị trường về quy mô vốn hoá, tương đương khoảng 22.800 tỉ đồng, chỉ sau STB, VNM và FPT. Như vậy với cả kịch bản tăng và giảm, SSI sẽ góp phần không nhỏ xác định hướng đi của VN-Index.

Thực tế đã có một "tội đồ" của thị trường mang tên PPC chuyển sàn với giá "ngất ngưởng" 100.000 đồng/CP. NĐTNN khi đó đã giải ngân mạnh mẽ vào CP này và góp phần quan trọng kéo giá lên105.000đ và đỡ dưới giá 90.000đ/CP. Tuy nhiên, sự buông xuôi sau đó đã khiến PPC rơi tự do xuống mức "đầu 6" và thị trường bị vạ lây. Trường hợp của SSI sáng sủa hơn khi các chỉ số tài chính khá tốt.

Hiện PE của SSI theo số liệu 8 tháng vào khoảng trên dưới 30 lần. Tuy nhiên cũng không loại trừ khả năng SSI bị cuốn theo xu thế điều chỉnh chung của thị trường. Phiên giảm trên 28 điểm ngày 29.10 có nguyên nhân quan trọng là sự sụt giảm đột ngột của nhóm blue-chips như REE, FPT, VNM, STB.

Đây là kết quả của hoạt động xả hàng rất mạnh của NĐTNN. Thêm vào đó sức cầu "nội" với những CP này rất yếu khi mọi sự chú ý tập trung vào SSI. Khoảng 540 tỉ đồng được NĐTTN rót vào SSI là mức vốn không hề nhỏ. Nếu tách biệt giao dịch của SSI - một sự đột biến trong phiên - NĐTNN thực tế đã có giao dịch ròng âm khoảng 300.000 CK, tương đương 36 tỉ đồng giá trị.

Có thể khẳng định hoạt động hiện thực hóa lợi nhuận của nhóm NĐTNN ngày càng rõ. Xét toàn cục thị trường, với phiên giảm đột biến này, VN-Index đã giảm xuống dưới ngưỡng hỗ trợ 1.080 điểm - một dấu hiệu rất tiêu cực. Liệu SSI sẽ vực thị trường dậy hay góp phần tạo một "cú sốc" giảm giá mới?

© Copyright 2007 by Intellasia.net