Tìm "cảm giác mạnh" tại sàn Hà Nội
"Sóng" lớn, cảm giác mới mạnh
Với biên độ tăng - giảm gấp đôi sàn TPHCM (10% mỗi phiên) và mức tăng giá rất cao của nhiều loại cổ phiếu (CP) trên sàn Hà Nội, "làn sóng chuyển sàn" của các nhà đầu tư (NĐT) không có gì khó hiểu.
Chị Vy - NĐT có tài khoản ở Công ty Chứng khoán Đông Á - cho biết, sau 2 tháng chuyển sang lướt sóng trên sàn Hà Nội, chị lời trên 60 triệu đồng nhờ đầu tư vào mấy CP Sông Đà. Cả tháng qua, các CP họ SD (nhóm các CP Sông Đà) đạt mức tăng giá rất cao kể cả ở những phiên thị trường ảm đạm. Chị Vy cho biết, ban đầu chị chuyển sàn vì "mê" các CP họ SD mới lên sàn. Gặp đúng thời điểm sàn Hà Nội tăng mạnh nên chị chuyển sang hẳn. Một NĐT khác tên Vinh phân tích, trước đây thị trường luôn trong tình trạng đồng loạt tăng hoặc đồng loạt giảm, các NĐT chuyên "lướt sóng" đặt mục tiêu "lãi khoảng 15% - 20%" là bán. Với diễn biến thị trường hình răng cưa như hiện nay, mục tiêu lợi nhuận của dân "lướt sóng" chỉ còn 5% - 10% là ra hàng, bù lại là tần suất "lướt sóng" tăng lên. Với chiến lược này thì sàn Hà Nội có biên độ tăng giảm + - 10%/phiên là rất phù hợp.
Một điểm đáng chú ý là trong làn sóng chuyển từ sàn TP.HCM sang sàn Hà Nội, số lượng các NĐT nhỏ khá nhiều. Một trong số các NĐT này cho biết do vốn ít, thôi thì chấáp nhận nếu rủi ro thì chịu, nhưng nếu lãi thì mức lãi sẽ hấp dẫn hơn nhiều so với kiểu "lượm bạc cắc" trên sàn TP.HCM. "Biết là biên độ dao động cao thì rủi ro cũng tỷ lệ thuận, nhưng đã lướt sóng thì phải sóng lớn mới có cảm giác mạnh", một NĐT khác cho biết.
Sàn nào cũng được, quan trọng là lợi nhuận
Theo giám đốc một quỹ đầu tư tại TP.HCM, đối với các NĐT, kinh doanh trên sàn nào không quan trọng bằng bản thân doanh nghiệp mà họ lựa chọn để mua CP. Tại Mỹ, rất nhiều công ty lớn vẫn chọn cách niêm yết tại những sàn giao dịch nhỏ. Theo ông này, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước không nhất thiết phải giới hạn các điều kiện để công ty có thể niêm yết ở sàn này hay sàn kia, bởi trên thực tế "sàn chỉ là chỗ giao dịch, nên sàn nào cũng không quan trọng. Quan trọng công ty đó có được nhà đầu tư lựa chọn hay không".
Chuyên gia tài chính chứng khoán Huy Nam thì cho rằng, việc các NĐT tại TP.HCM chuyển sang "lướt sóng" tại sàn Hà Nội cũng dễ hiểu, bởi giá trung bình các CP sàn Hà Nội vẫn thấp hơn sàn TP.HCM rất nhiều (Hastc - Index sau phiên giao dịch 29.10 ở mức 374,96 điểm, VN - Index đạt 1.064,2 điểm). "Giá thấp, cách mua bán (biên độ) thoáng hơn thì việc làm giá cũng tốt hơn, nhất là đối với các nhà đầu cơ" - ông Nam nói. Đứng từ góc độ đầu tư, một NĐT có thâm niên gần 5 năm trên thị trường chứng khoán cho rằng, ngoài những ưu điểm như trên thì Hà Nội là thị trường mới hơn nên cơ hội nhiều hơn. Trên thực tế, cả 1 năm nay VN - Index quanh quẩn ở mức 900 điểm - 1.100 điểm thì Hà Nội lại đang trong giai đoạn bứt phá. Các NĐT cũng đang kỳ vọng, trong thời gian tới, sàn Hà Nội vẫn tiếp tục đà tăng trưởng này.
Các chuyên gia cũng lưu ý đang có những NĐT mới tham gia "lướt sóng" ở sàn Hà Nội theo phong trào hoặc với tâm lý "được ăn cả, ngã về không", đó là điều nguy hiểm. Những NĐT có kinh nghiệm đều biết rằng, việc kiếm lợi nhuận theo cách “lướt sóng” không hề đơn giản và không phải ai cũng có thể làm được.
(Theo ThanhNien)
0 Responses to Tìm "cảm giác mạnh" tại sàn Hà Nội
Something to say?