Ngân hàng chưa lập, cổ phiếu đã rao bán!
Nếu vào trang web www.sanotc.com, mục ngân hàng, các nhà đầu tư sẽ bắt gặp những mã cổ phiếu khá đặc biệt như qPVB (quyền mua cổ phiếu của Ngân hàng Dầu khí), qKBBank (quyền mua cổ phiếu của Ngân hàng Kinh Bắc)... Khi PV liên hệ với một người rao bán quyền mua qPVB có tên T.; anh này tự giới thiệu đang làm việc ở Tập đoàn Dầu khí với kinh nghiệm làm việc 6 năm. Anh T. rao bán 6 năm kinh nghiệm của mình với giá 45 triệu đồng. Tuy nhiên, khi được hỏi về các giấy tờ có liên quan đến sở hữu cổ phiếu thì anh T. cho biết: "Anh cứ đến đi rồi ký hợp đồng. Cái này là hai bên thỏa thuận thôi chứ không có giấy tờ gì chính thức cả". Khi được hỏi tiếp: "Trong trường hợp anh không được mua cổ phiếu ưu đãi thì sao?", anh T. trả lời: "Thì anh cũng phải chịu rủi ro thôi vì nếu tôi được mua tới 30 triệu đồng mệnh giá thì giá 45 triệu cho 6 năm kinh nghiệm là khá rẻ". Khi liên hệ với một người khác có số di động 09123..., để hỏi mua qKBBank, PV được vị "chủ nhân" của quyền mua này giới thiệu: "Tôi làm ở Bưu điện Hà Nội. Tôi đang cầm quyết định có dấu đỏ về việc được mua 10.000 cổ phiếu của Ngân hàng Kinh Bắc theo mệnh giá đây. Tôi đã hạ giá từ 18 (18.000 đồng/cổ phiếu - PV) xuống 15 (15.000 đồng/cổ phiếu - PV) nhưng do bán quyền nên chỉ phải trả 5.000 đồng/1 quyền thôi”. Sau đó, ông này còn cho biết thêm: "Anh cứ suy nghĩ kỹ đi, khi nào quyết định thì gọi tôi, đến tận cơ quan tôi làm việc để làm thủ tục cho đảm bảo uy tín...". Vị “chủ nhân” này còn thêm: "Nói nôm na, ngân hàng này 1.1.2008 là hoạt động rồi". Trên đây chỉ là hai trong số nhiều trường hợp rao bán quyền mua cổ phiếu của 2 ngân hàng cổ phần đang trong giai đoạn xin giấy phép thành lập. Ngoài ra, Ngân hàng Liên Việt cũng là một cái tên được giới đầu tư OTC nhắc đến trong lĩnh vực mua bán quyền mua cổ phiếu dù ngân hàng này cũng chưa được cấp phép. Theo nguồn tin riêng của PV, điều thú vị hơn cả là các ngân hàng có cổ phiếu đang được các “chủ nhân” rao bán quyền mua tùm lum này lại là những ngân hàng chưa chắc chắn được cấp phép trong năm 2008. Một nguồn tin từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam còn cho biết, những hồ sơ thành lập ngân hàng mà có hiện tượng rao bán, trao đổi quyền mua ầm ĩ trên thị trường sẽ được xem xét cẩn trọng hơn. Chúng tôi được biết, 2 hồ sơ dự kiến có thể được cấp phép đầu tiên là Ngân hàng cổ phần Công nghiệp Việt Nam và Ngân hàng cổ phần Ngoại thương Châu Á. Trước khi các thông tin về 2 "ứng viên" này được công bố rộng rãi, không có nhiều người biết về việc chuẩn bị thành lập của 2 "ứng viên" này. Trên thị trường OTC, thông tin về mua bán cổ phiếu của 2 ngân hàng này cũng không có. Mặc dù có rất nhiều cảnh báo về rủi ro khi mua "quyền" mua cổ phiếu, mua “thâm niên công tác”... nhưng vẫn không ít người lao vào như thiêu thân với ý đồ đổi đời từ chứng khoán. "Thị trường chứng khoán không phải là một cuộc đỏ đen"- sau một thời gian không dài, câu trả lời của thị trường hẳn khiến không ít kẻ "ôm quyền" phải khóc. |
(Theo Thanh Niên) |
0 Responses to Ngân hàng chưa lập, cổ phiếu đã rao bán!
Something to say?