Nhà đầu tư đã có thêm những địa chỉ để cầm cố chứng khoán tiếp tục lên sàn dù Chỉ thị 03 của Ngân hàng Nhà nước chưa giải toả việc hạn chế loại hình tín dụng này.

Trong khi khối ngân hàng cổ phần hầu như tạm ngưng, khối ngân hàng quốc doanh có tổng dư nợ lớn và trước đó chưa đẩy mạnh cho vay cầm cố chứng khoán nên gần đây đã ra sức bơm vốn cho nhu cầu này.

Ngân hàng cổ phần thế chân quốc doanh

Khác với các ngân hàng cổ phần trước đây, giờ đây ngân hàng quốc doanh dường như đang đi với tốc độ nhanh hơn đối với cho vay cầm cố chứng khoán. Họ đã cùng lúc liên kết với nhiều công ty chứng khoán (CTCK) tạo thuận lợi cho nhà đầu tư khi vay vốn kinh doanh cổ phiếu. Chẳng hạn, Ngân hàng Agribank sau một thời gian tạm ngưng (từ giữa năm 2006 đến tháng 8.2007) đã liên kết với một loạt CTCK như Âu Việt, Agriseco, APEC, ABS…

Theo đó, các nhà đầu tư mở tài khoản tại những sàn chứng khoán trên sẽ được vay cầm cố chứng khoán cũng như thực hiện nghiệp vụ repo (mua - bán chứng khoán có kỳ hạn).

Riêng với CTCK Âu Việt, Agribank đã cung cấp cho một khoản vốn 400 tỉ đồng để cho vay cấm cố, hỗ trợ nhà đầu tư trong đấu giá… Nhà đầu tư đến mở tài khoản tại Âu Việt và Agriseco sẽ được vay, ứng trước, cầm cố chứng khoán tối đa tới 50% thị giá (chỉ được cho vay tối đa 50% thị giá cổ phiếu giao dịch tại thời điểm ký hợp đồng vay vốn).

Nếu trong thời hạn vay giá cổ phiếu giảm từ 25% trở lên so với giá giao dịch tại thời điểm vay, Agribank có quyền bán chứng khoán đã cầm cố để thu hồi nợ hoặc khách hàng phải nộp tiền vào. Ngoài ra, nhà đầu tư còn có thể vay để đầu tư chứng khoán, bảo đảm bằng tài sản khác.

Ngân hàng TMCP SeABank Hà Nội phối hợp cùng CTCK trực thuộc là SeABS cung cấp dịch vụ cho vay cầm cố chứng khoán. Nhà đầu tư vay số tiền tối thiểu là 50 triệu đồng/lần trong 6 tháng. Lãi suất cho vay trong hạn (trong vòng 6 tháng) là 1,1%/tháng; 1,32%/tháng (nếu nhà đầu tư gia hạn) và 1,65% khi nhà đầu tư quá hạn trả nợ. Tuy nhiên, chứng khoán nhà đầu tư cầm cố phải là loại đã niêm yết, đồng thời có chọn lọc.

Ngân hàng BIDV chi nhánh Nam Kỳ Khởi Nghĩa cũng là đầu mối tiếp tục cho nhà đầu tư vay cầm cố, nhưng chủ yếu vẫn là cổ phiếu niêm yết trên sàn. Tuy nhiên, BIDV cho vay hạn mức thấp, chỉ tương đương 10-20% mệnh giá cổ phiếu đang giao dịch tại thời điểm nhà đầu tư ký hợp đồng vay vốn.

Vietcombank cũng cho hay, đang trong quá trình hình thành các sản phẩm cho vay cầm cố chứng khoán để đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư ngày một tăng cao. Có thể nói, so với khối cổ phần, khối ngân hàng quốc doanh có dư nợ lớn hơn nên vẫn còn nhiều hạn mức cho nhà đầu tư vay cầm cố.

Nhà đầu tư nào được vay?

Chứng khoán cầm cố của nhà đầu tư chủ yếu là cổ phiếu đã niêm yết có thị giá tại phiên đóng cửa giao dịch gần nhất từ 30.000 đồng trở lên và có nhu cầu cầm cố chứng khoán để vay vốn với thời hạn tối đa không quá 12 tháng. “Mức cho vay trong từng lần vay vốn được xác định căn cứ theo đề nghị của khách hàng, nhưng tối thiểu từ 100 triệu đồng trở lên và tối đa dựa trên giá trị của danh mục chứng khoán cầm cố”, ông Nguyễn Thanh Hải cho biết thêm.

Hiện Agribank áp dụng dịch vụ này với lãi suất ưu đãi là 1,05%/tháng. Tất cả các hồ sơ vay vốn hợp lệ chuyển tới sở giao dịch Agribank 15 giờ của mỗi ngày làm việc sẽ được phê duyệt và giải ngân trong ngày. Tuy nhiên, các loại chứng khoán cầm cố của nhà đầu tư phải được lưu ký tại CTCK có hợp tác với Agribank (như đã nêu trên).

Còn APEC sẽ dành cho tất cả nhà đầu tư mở tài khoản giao dịch tại công ty vay trong thời hạn 1 năm, với hạn mức 450% mệnh giá, lãi suất dao động 1,05-1%/tháng. Riêng với cổ phiếu chưa niêm yết, APEC và Agribank thực hiện nghiệp vụ cho vay cầm cố với lãi suất tương đối cạnh tranh, trên dưới 1%/tháng.

Các ngân hàng cổ phần cũng đang có những động thái để cho vay cầm cố chứng khoán trở lại. Ông Bùi Tấn Tài, phó tổng giám đốc ACB cho biết, hiện ACB vẫn trong quá trình tạm ngưng dịch vụ cho vay cầm cố để điều tiết tỷ lệ dư nợ xuống dưới mức 3%. Nhưng đến một thời điểm nào đó, khi tổng dư nợ tín dụng của ngân hàng tăng lên, ACB sẽ tiếp tục triển khai dịch vụ, hỗ trợ vốn cho nhà đầu tư.

Theo một cán bộ của VIB Bank, tổng dư nợ của ngân hàng đang tăng lên sẽ là cơ hội để VIB Bank tái triển khai dịch vụ cho vay cầm cố chứng khoán sau một thời gian tạm ngưng. Để đẩy mạnh dịch vụ, VIB Bank đang trong quá trình đàm phán với một số công ty chứng khoán đi đến hợp tác và cho vay cầm cố, song song với việc quản lý tài khoản giao dịch của nhà đầu tư.

Địa chỉ vay cầm cố chứng khoán

Hiện ngoài Ngân hàng Agribank đã liên kết với một số CTCK như: ABS (CTCK An Bình), APEC (CTCK Châu Á Thái Bình Dương), SeABS (CTCK Ngân hàng SeABank), Agriseco (CTCK Ngân hàng Agribank, chi nhánh TP.HCM), AVSC (CTCK Âu Việt), DDS (CTCK Đông Dương). Trong đó, AVSC và Agriseco do Agribank, chi nhánh TP.HCM cung cấp hạn mức tín dụng hỗ trợ nhà đầu tư vay cầm cố, tương ứng với mỗi CTCK khoảng 400 tỉ đồng.

DDS được 2 chi nhánh của Agribank là Mạc Thị Bưởi và TP.HCM cung cấp hạn mức 2.000 tỉ đồng. Nhà đầu tư đến mở tài khoản tại DDS đều được vay cầm cố, với hạn mức tối thiểu 50 triệu đồng và tối đa là 16 tỉ đồng. Lãi suất áp dụng cho vay cầm cố tại DDS dao động 1-1,1%/tháng.

Đối với các CTCK khác có liên kết với Agribank để hỗ trợ nhà đầu tư vay vốn kinh doanh chứng khoán mức lãi suất áp dụng trong khoảng 1-1,15%/tháng. Cổ phiếu cầm cố chủ yếu là hàng hoá niêm yết trên sàn, giá trị vay được ấn định khoảng 50% thị giá cổ phiếu tại thời điểm ký hợp đồng.

Riêng Ngân hàng BIDV, chi nhánh Nam Kỳ Khởi Nghĩa đến nay đã thu hút được đông đảo CTCK liên kết hỗ trợ vốn cho nhà đầu tư vay cầm cố. Trong đó, có DDS được BIDV Nam Kỳ Khởi Nghĩa cung ứng cho nguồn vốn khoảng 1.000 tỉ đồng.

SSI và một số CTCK khác, chẳng hạn như AVSC, DVSC… cũng đang trong quá trình đàm phán với BIDV để xin hạn mức vốn cho nhà đầu tư vay cầm cố. Tuy nhiên, hạn mức cho vốn cho vay cầm cố tại BIDV đang vơi dần nên ngân hàng và những CTCK có liên kết chỉ cung ứng cho nhà đầu tư một mức vốn khá khiêm tốn.

Đối với cổ phiếu trên sàn, BIDV Nam Kỳ Khởi Nghĩa chỉ cho vay tương ứng 30–40% thị giá cổ phiếu giao dịch tại thời điểm ký hợp đồng. Riêng cổ phiếu giao dịch trên sàn OTC, BIDV chỉ cho vay từ 10-20% thị giá. Lãi suất cho vay cầm cố tại BIDV cũng tương đương với mức của Agribank đang áp dụng.

Hiện Vietcombank vẫn chưa có chủ trương đẩy mạnh dịch vụ cho vay cầm cố, cho dù trước đó ngân hàng này đã xây dựng kế hoạch. Theo Vietcombank, đây là một dịch vụ tín dụng mang tính nhạy cảm nên ngân hàng phải có sự nghiên cứu kỹ trước khi đẩy mạnh vốn cho vay. Còn Ngân hàng Công thương (Incombank) vẫn im hơi lặng tiếng và không mấy mặn mà với sản phẩm tín dụng cho vay cầm cố chứng khoán.

Huyền Ngân

(Theo SGTT)