Trái với sự trồi sụt thất thường ở sàn chứng khoán (CK) TP.HCM, từ cuối tháng chín đến nay sàn CK Hà Nội luôn duy trì sự sôi động. Cùng với việc giữ được nhịp độ tăng của chỉ số HASTC-Index, khối lượng và giá trị giao dịch tại sàn này cũng liên tiếp phá kỷ lục, trở thành hiện tượng được giới đầu tư CK quan tâm.

"Lướt sóng" ở sàn Hà Nội

Phiên giao dịch ngày 26-10, lần thứ hai trong tháng mười khối lượng giao dịch vượt 7 triệu CK, giá trị giao dịch đạt hơn 750 tỉ đồng.

Tuy nhiên, đây không phải là những trường hợp đột biến. Từ đầu tháng mười đến nay, sàn CK Hà Nội bất ngờ nhộn nhịp hẳn lên. Trong nửa đầu tháng mười, khối lượng giao dịch tại sàn Hà Nội bắt đầu vượt qua mức bình quân hơn 5 triệu CK mỗi phiên. Và từ giữa tháng mười đến nay, con số này luôn duy trì ở mức hơn 6 triệu CK/phiên, giá trị giao dịch có phiên đạt xấp xỉ... 800 tỉ đồng. Đây là những con số kỷ lục, nếu so sánh với thời điểm "vàng son" của CK VN vào đầu năm nay, khi khối lượng giao dịch bình quân cao nhất tại sàn Hà Nội cũng chỉ khoảng 3 triệu CK/phiên.

"Những nhà đầu tư (NĐT) lạc quan nhất cũng không thể dự báo trước được diễn biến này, nhất là khi thông tin về việc Công ty cổ phần CK SSI chuyển sàn được công bố" - chuyên gia CK Huỳnh Anh Tuấn nói. Theo ông Tuấn, có hiện tượng dịch chuyển dòng vốn đầu tư từ sàn CK TP.HCM ra sàn Hà Nội. Sự "lình xình" của nhiều CK tại sàn TP.HCM thời gian gần đây khiến một số NĐT tìm "không khí” mới và họ đã chuyển một phần vốn ra sàn Hà Nội.

Theo ông Nguyễn Ngọc Trường Chinh - phó tổng giám đốc Công ty cổ phần CK Đông Dương, nhiều CK chủ chốt tại sàn TP.HCM hiện có mức giá khá cao, ít có khả năng tăng đột biến, lại không cầm cố thế chấp do ảnh hưởng của qui định hạn chế cho vay kinh doanh CK. Nhiều NĐT chuyển vốn ra sàn Hà Nội để tìm kiếm lợi nhuận tốt hơn bằng cách "lướt sóng" các cổ phiếu (CP) có các chỉ số tài chính tương đối tốt khi giá vẫn chấp nhận được. Cùng số vốn như nhau, nếu ở sàn Hà Nội NĐT có thể đa dạng danh mục đầu tư với những CP tốt. Ngược lại cũng số vốn này, nếu đổ vào những CP chủ chốt của sàn TP.HCM, NĐT sẽ khó xoay xở đồng vốn.

Coi chừng bị... sóng úp!

"Máu mê” hơn

"Với biên độ dao động khá lớn (+/- 10% ), sàn Hà Nội là mảnh đất màu mỡ cho những tay "lướt sóng" có đủ trình độ lẫn nội lực để "tạo sóng", khả năng kiếm lợi nhuận cũng cao hơn do có nhiều CK tăng giá đột biến..." - nhà phân tích CK Lê Đạt Chí nói.

Theo ông Chí, biên độ dao động lớn sẽ giúp các tay "lướt sóng" thu được lợi nhuận cao hơn ở sàn TP.HCM. Phiên giao dịch tại sàn Hà Nội cũng bắt đầu trễ hơn sàn TP.HCM, những NĐT chuyên nghiệp có thể nhìn vào diễn biến ở sàn TP.HCM để rút ra những nhận định tương đối chuẩn xác xu hướng của sàn Hà Nội, từ đó đưa ra các quyết định đầu tư hợp lý.

Một số nhận định lạc quan dự báo rằng thời gian tới HASTC-Index nhiều khả năng sẽ đạt, thậm chí vượt qua "đỉnh" 450 điểm được thiết lập vào đầu tháng 3-2007. Cơ sở của nhận định này là giá của nhiều CP tại sàn Hà Nội từng giảm mạnh khi HASTC-Index xuống mức 250 điểm, những CP này đang bắt đầu phục hồi.

Nhiều công ty niêm yết tại sàn này có vốn điều lệ khá thấp, hiện đang công bố lộ trình tăng vốn, chưa kể thông tin khá tốt về hoạt động sản xuất kinh doanh và lợi nhuận của những đơn vị này cũng góp phần lôi kéo NĐT.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia CK cũng bày tỏ thái độ thận trọng khi đánh giá về diễn biến tại sàn Hà Nội. Chuyên gia CK Huỳnh Anh Tuấn cho rằng mặc dù HASTC-Index vẫn duy trì mức tăng khá ổn định, nhưng lại chứa đựng một số yếu tố thiếu bền vững và tiềm ẩn không ít rủi ro. "Sự tăng giá chỉ tập trung vào một số CK nhất định, khối lượng giao dịch rất ít" - ông Tuấn nói.

Một số CP đã tăng 70-100% giá kể từ thời điểm thị trường phục hồi, thậm chí có CK đã tăng giá đến gần... 200% so với mức giá ngày 13-9. Một số CK lại có khối lượng giao dịch quá ít, dưới 1.000 CP/phiên. Điều này khiến HASTC-Index bị phụ thuộc một số loại CP nhất định, một yếu tố không tốt đối với thị trường.

Nhà phân tích CK Lê Đạt Chí cho rằng nhiều CP nằm trong nhóm công ty có vốn điều lệ thấp không chỉ tăng giá, mà giá trị giao dịch cũng tăng một cách bất thường, trong khi yếu tố quyết định đến sự tăng giá này là báo cáo kết quả kinh doanh quí 3 của những công ty này không có gì thay đổi so với báo cáo quí trước. Theo ông Nguyễn Ngọc Trường Chinh, khâu công bố thông tin của một số công ty niêm yết tại sàn Hà Nội chưa đáp ứng yêu cầu của NĐT, chậm cập nhật do yếu tố địa lý..., là những yếu tố rủi ro đối với NĐT. Những tay "lướt sóng" nếu ôm quá nhiều CP của những công ty nhỏ để làm giá sẽ có nguy cơ bị "kẹt sóng", khó xả hàng ra nhanh một khi thị trường đảo chiều.

(Theo TuoiTre)