Hai phiên gần đây sàn Hà Nội mất điểm sau thời gian tăng nóng, tuy nhiên giới đầu tư vẫn coi đây là địa chỉ hấp dẫn để "lướt sóng" kiếm lời nhanh, không ít nhà đầu tư chuyển hẳn danh mục sang sàn Hà Nội.

Tuy nhiên, ông Hoàng Anh Tuấn, Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty Chứng khoán Hà Nội (HSSC) lại cho rằng, NĐT nhỏ thiếu kinh nghiệm nên thận trọng để khỏi bị cuốn theo đám đông.

Ông nhận định như thế nào về diễn biến gần đây khi cổ phiếu trên sàn Hà Nội đồng loạt tăng trần, sàn TP HCM lại lừng khừng?

Tôi cho rằng thị trường VN còn chịu tác động rất nhiều của tâm lý bầy đàn, trình độ phân tích của nhà đầu tư còn hạn chế, nhất là các nhà đầu tư nhỏ mới tham gia thị trường trong năm nay. Không thể đưa ra cơ sở khoa học để giải thích được tại sao nhóm cổ phiếu Sông Đà trên sàn HN có CP tăng giá từ 3-4 lần so với giai đoạn tháng 8 như Sông Đà 5,7… Có hiện tượng các nhà đầu tư kéo nhau rút vốn từ sàn TP HCM sang sàn HN thời gian gần đây làm khối lượng giao dịch sàn HN tăng đột biến, có phiên lên tới hơn 7 triệu cp.

Một số mã CP nhỏ bên sàn HN giá cao gần bằng các CP bluechips bên sàn TP HCM, ví dụ SD5 giá là 146.000đ/CP gần bằng giá của REE hay GMD, nếu đà tăng vẫn tiếp tục thì chỉ một phiên nữa là bằng hoặc cao hơn…; chỉ số P/E hiện tại của các CP nhỏ này là rất cao, nhất là nếu tính trên số vốn mới tăng thêm (ở nhóm CP Sông Đà có công ty tăng vốn trong năm nay lên tới 3-4 lần) trong khi lợi nhuận không tăng đáng kể. Mặt khác, các Cty niêm yết trên sàn Hà Nội thường nhỏ (số lượng CP lưu hành ít) nên thường dễ trở thành CP hiếm, và dễ bị làm giá.

Có ý kiến cho rằng, hiện tượng nổi sóng của sàn Hà Nội là do giá CP trên sàn này còn rẻ so với TP HCM, ông nghĩ sao?

Cho đến nay thì tôi không nghĩ như vậy. Như đã nói trên, tôi cũng thừa nhận là vào thời kỳ điều chỉnh vừa qua (tháng 4 - tháng 8) thì các CP này bị điều chỉnh sâu hơn so với Bluechips nhưng tỷ lệ cũng không quá chênh lệch như tốc độ tăng lại thời gian qua.

Và về các CP đang tăng trần, chủ yếu là CP Sông Đà. Xem xét P/E để đánh giá có rẻ hay không thì thấy, P/E của các cty này từ khoảng 20 đến 70 - không hề rẻ so với TP HCM (bluechips của TP HCM có PE từ khoảng 23-35). Một số CP có P/E rất thấp nhưng giao động vừa phải như DHI (P/E 12) trong tháng 10 chỉ tăng khoảng 25%; NST có P/E 10 chỉ tăng khoảng 18%, trong khi S64 tăng khoảng 120%, SD7 tăng 70%.

Vậy nhà đầu tư cần chú ý gì khi đặt vốn vào những cổ phiếu này?

Nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư nhỏ phải hết sức thận trọng khi đầu tư vào nhóm CP này vì mức rủi ro có thể cao khi giá nhóm CP này đã tăng thái quá, nếu khi điều chỉnh thì sẽ không xoay xở kịp do khi đó có thể chỉ có người bán mà không có người mua (hiện tượng bán tháo CP) và nếu có ít người mua thì cũng không đến lượt do có sự ưu tiên về lượng (nếu cùng thời điểm và cùng giá - giá sàn) thì những NĐT lớn sẽ chạy được trước do bán lượng nhiều hơn và như vậy NĐT nhỏ chỉ có thể ngậm ngùi nhìn mỗi ngày giá xuống 10% cho đến hết đợt điều chỉnh.

Trước đây, một số chuyên gia CK cho rằng TTCK VN chưa có sự liên thông với thế giới, tuy nhiên diễn biến một số phiên gần đây cho thấy khi TTCK thế giới giảm, TTCK VN có diễn biến tương tự. Ông nhận xét gì về điều này? Thực chất đây cũng vẫn là yếu tố tâm lý chứ tôi cho rằng sự liên thông giữa TTCK VN và thế giới mới ở mức độ rất nhỏ.

(Theo KT&DT)