Tuần từ 22 đến 26/10, chỉ số giá ở cả 2 sàn Hà Nội và Tp.HCM đều biến động thất thường.

Sau 5 phiên, VN-Index giảm 4,59 điểm còn HASTC-Index tăng 4,62 điểm. Tổng khối lượng đặt mua, đặt bán và khớp lệnh ở sàn Tp.HCM đều giảm với mức giảm nhiều hơn tuần trước. Giao dịch trên sàn Hà Nội vẫn giữ mức cao. Tại cả 2 sàn nhà đầu tư nước ngoài đều tăng mạnh mua vào, lượng mua vào ở sàn Tp.HCM gấp 2 lần lượng bán ra.

Tại sàn Tp.HCM, số lượng đặt mua và đặt bán biến động thất thường, phiên ngày thứ 4, lượng đặt bán sụt mạnh làm cho lượng cung lớn hơn cầu 6,53 triệu chứng khoán. Lượng đặt mua 3 phiên cuối tuần tăng mạnh so với 2 phiên đầu tuần, mức tăng 2-4 triệu chứng khoán/phiên.

Tổng lượng đặt mua cổ phiếu, chứng chỉ quỹ tiếp tục giảm, còn 105,89 triệu chứng khoán, giảm hơn 18 triệu chứng khoán và có gần 50 triệu chứng khoán đặt mua không được khớp lệnh. Tổng lượng đặt bán cũng giảm gần 6 triệu chứng khoán, còn 99,92 triệu chứng khoán. Khối lượng dư bán là 44 triệu chứng khoán.

Tuần qua, lượng đặt mua cao hơn lượng đặt bán 5,97 triệu chứng khoán, giảm 12 triệu chứng khoán so tuần trước. Điều này cho thấy, cung cầu đang dần dần về thế cân bằng.

Tổng khối lượng khớp lệnh 5 phiên tiếp tục giảm, từ 63,482 triệu chứng khoán xuống còn 55,898 triệu chứng khoán, tổng trị giá khớp lệnh cũng giảm khá, từ 6.051 tỷ đồng xuống còn 5.494 tỷ đống.

Giao dịch cổ phiếu của Sacombank giảm mạnh nhưng tiếp tục đứng đầu thị trường với gần 5,527 triệu cổ phiếu, giảm hơn 2 triệu cổ phiếu, tổng trị giá 388 tỷ đồng, giảm 150 tỷ so tuần trước. Đứng thứ 2 thị trường là VF1 với 1,941 triệu chứng chỉ quỹ, trị giá 63 tỷ đồng, thứ ba là MHC với 1,795 triệu cổ phiếu, trị giá 95 tỷ đồng, thứ tư là PET với 1,647 triệu cổ phiếu, tổng trị giá hơn 159 tỷ đồng, “Đại gia” FPT xếp thứ 5 với 1,554 triệu cổ phiếu được khớp lệnh, trị giá 426 tỷ đồng.

Tại sàn Tp.HCM, nhà đầu tư nước ngoài tăng mạnh lượng mua vào, lượng bán ra tương tự như tuần trước. Tổng lượng họ mua vào đạt 9,08 triệu chứng khoán, tăng 2,63 triệu chứng khoán so với tuần trước, tổng trị giá mua tăng mạnh, đạt hơn 1.203 tỷ đồng, tăng 225 tỷ đồng. Nhà đầu tư nước ngoài bán 4,69 triệu chứng khoán, tăng 0,07 triệu chứng khoán, trị giá bán đạt 604 tỷ đồng, tăng 15 tỷ đồng.

Tại sàn Hà Nội, nhà đầu tư nước ngoài cũng tăng mạnh mua vào và mua nhiều hơn bán, họ mua 1.246.500 cổ phiếu, gấp hơn 2 lần tuần trước, trị giá 117 tỷ đồng và bán 1.065.600 cổ phiếu, tăng 155.000 cổ phiếu, trị giá bán đạt 149,81 tỷ đồng.

Tuần qua, các nhà đầu tư trong nước quan tâm đến cổ phiếu của Công ty Cổ phần Văn hóa Phương Nam (PNC) sau khi Sở Giao dịch Chứng khoán công bố việc Công ty Cổ phần Văn hóa Phương Nam và Indochina Capital hợp tác chiến lược. Theo đó, PNC đã thỏa thuận bán cho Indochina Capital 1.300.000 cổ phiếu trong đợt phát hành theo giấy phép của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.

Như vậy, số cổ phần PNC Indochina Capital đang sở hữu khoảng 25% tổng số vốn cổ phần PNC. Với tư cách là đối tác chiến lược lâu dài, Indochina Capital sẽ hỗ trợ PNC trong định hướng chiến lược phát triển, hỗ trợ tài chính cho các dự án đầu tư và tư vấn quản trị công ty.

Đây là cơ hội tiếp cận và mở rộng quan hệ kinh doanh liên kết với các đối tác nước ngoài cùng ngành, tiếp cận khả năng đầu tư vào các lĩnh vực kinh doanh mới, phát triển hoạt động của PNC ra thị trường quốc tế. Việc Indochina Capital đang sở hữu khoảng 25% vốn cổ phần của PNC chứng tỏ các quỹ đầu tư nước ngoài rất quan tâm đến lĩnh vực kinh doanh văn hóa và giải trí ở Việt Nam.

Hai phiên cuối tuần, lượng đặt mua cổ phiếu PNC tăng mạnh, lên tới 180-190.000 cổ phiếu/phiên gấp 2-2,5 lần lượng đặt bán và toàn bộ lượng đặt bán đã được “vét” sạch ở mức giá trần.

© Copyright 2007 by Intellasia.net