Quyền lợi của số đông nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán hiện nay dường như không được bảo vệ trước những hành vi sai phạm liên tục của các công ty đại chúng và công ty chứng khoán.

Nói như ông Nguyễn Hoàng Hải, tổng thư ký Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính Việt Nam, “Uỷ ban chứng khoán (UBCK) chủ yếu là cấp phép trong đó có rất nhiều giấy phép thừa”.

Những vụ bê bối liên quan đến quyền lợi của nhà đầu tư nhỏ gần đây như vụ Công ty cổ phần Đạm Phú Mỹ hay Công ty Vận tải xăng dầu Vitaco đều do báo chí phanh phui.

Giám sát và xử phạt đều bất cập

Nếu truy cập vào website của UBCK, phần giám sát thị trường, có thể cho rằng thị trường chứng khoán đang hoạt động khá quy củ và đa số các công ty thực hiện nghiêm chỉnh các quy định trên thị trường. Trung bình mỗi tháng, thống kê từ web này cho thấy có khoảng 2 - 3 trường hợp vi phạm các quy định trên thị trường chứng khoán với mức xử phạt hành chính vài chục triệu đồng.

Trên thực tế, những người thường xuyên theo dõi thị trường chứng khoán biết rằng thị trường không hoạt động yên ả như vậy. Có rất nhiều những dấu hiệu thao túng thị trường, giao dịch bằng thông tin nội gián… trên cả thị trường niêm yết và thị trường OTC mà nhà đầu tư chỉ có thể phỏng đoán nhưng không có công cụ theo dõi hoặc bằng chứng cụ thể.

Các sở giao dịch và UBCK có công cụ và khả năng phát hiện ra những dấu hiệu bất thường như thế. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có một kết luận nào về giao dịch bằng thông tin nội gián. Hầu hết các vi phạm xoay quanh các quy định về công bố thông tin hoặc mua bán cổ phiếu đối với cổ đông nội bộ, thành viên hội đồng quản trị.

Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM cho biết cơ quan này vẫn thường xuyên phát hiện những trường hợp vi phạm và báo cáo cho UBCK xử lý. Theo ông Lê Hải Trà, phó giám đốc Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM, cái khó của cơ quan quản lý nhà nước là hình thức xử phạt chưa đủ nặng.

Khung pháp lý cho việc xử lý vi phạm trong kinh doanh chứng khoán được gói trong Pháp lệnh về Xử phạt hành chính, với mức phạt tối đa là 70 triệu đồng. Mức phạt này chưa đủ nặng để ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực chứng khoán.

Để đảm bảo tính nghiêm túc của hoạt động giám sát, một giải pháp là thành lập những cơ quan kiểm tra độc lập nhằm đảm bảo các cơ quan chức năng thực hiện nghiêm túc vai trò của mình. Đối với UBCK, một số ý kiến cho rằng nên có một ban giám sát thị trường.

Hạn chế pháp lý và tự bảo vệ

Trên thực tế, những bất cập lớn nhất liên quan đến quyền lợi của nhà đầu tư nhỏ lại là những vấn đề chưa được quy định rõ ràng về pháp lý. Theo Uỷ ban chứng khoán, các công ty niêm yết đều phải tuân thủ theo bản điều lệ công ty mẫu do UBCK phát hành. Bản điều lệ mẫu này do UBCK kết hợp với Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) kết hợp soạn thảo. Về mặt pháp lý, các quy định nhằm bảo vệ quyền lợi cổ đông đã được nâng cao lên một bậc.

Tình trạng phổ biến các cổ đông lớn vì lợi ích của họ đứng về một phía trong nhiều quyết định bất lợi cho cổ đông nhỏ. Chẳng hạn trường hợp các cổ đông lớn biểu quyết cho phép áp dụng giá mệnh giá cho các cổ đông lớn, trong khi những cổ đông nhỏ phải mua giá cao hơn đối với cổ phiếu phát hành thêm (trường hợp Vipco).

Trường hợp khác rất phổ biến là việc thành lập các công ty con trong đó công ty mẹ chỉ có một phần vốn rất nhỏ từ 15 - 30%, phần còn lại do các cá nhân là những cổ đông lớn của công ty mẹ sở hữu. Trường hợp này đã xảy ra với nhiều công ty niêm yết lớn như FPT (khi thành lập một loạt các công ty con trong lĩnh vực chứng khoán, ngân hàng, bất động sản), hay SACOM (khi thành lập hàng loạt các công ty mới như SAM Phú, SAM Thịnh, SAM Cường…).

Thủ thuật này được coi là sự tước đoạt thương hiệu, mạng lưới khách hàng, phân phối… của công ty mẹ, mà lẽ ra nếu 100% vốn do công ty mẹ đầu tư thì cổ đông sẽ được hưởng lợi. Việc chia tách và thành lập các công ty mới như vậy, quyền sở hữu của những công ty mới nằm trong tay các cá nhân thay vì cổ đông.

Trong khi ranh giới pháp lý trong những trường hợp này còn không rõ ràng và UBCK ít khi can thiệp, đa số nhà đầu tư nhỏ chưa hiểu quyền lợi của mình và chưa biết tự bảo vệ.

Trong những thị trường có độ minh bạch cao, những hành vi mờ ám của hội đồng quản trị hoặc những hành động tuy chưa rõ ràng về pháp lý nhưng rõ ràng về đạo đức kinh doanh, công ty đó dễ dàng đối mặt với sự tẩy chay của nhà đầu tư.

Những phản ứng thị trường như vậy còn ít thấy ở Việt Nam. Đa số nhà đầu tư với tâm lý đầu tư cơ hội vẫn chưa quan tâm đến yếu tố đạo đức kinh doanh. Thị trường chỉ có thể thực sự trưởng thành một khi nhà đầu tư biết ý thức tự bảo vệ quyền lợi của mình hơn.

(Theo SGTT)