Không ngoài đoán định của các chuyên gia phân tích, TTCK Việt Nam tuần qua không nhiều biến động. VNIndex vẫn tiếp tục đi ngang mà chưa xác định được xu thế chủ đạo (tăng hay giảm).


Mở cửa đầu tuần (thứ hai, 22/10), VNIndex đứng ở mức 1.085,74 điểm. Trong 5 phiên giao dịch, VN-Index đã có lúc vượt lên trên mốc 1.100 điểm. Nhưng cho đến phiên đóng cửa cuối tuần VN-Index đứng ở mức 1.092,48 điểm. HaSTC-Index khởi sắc hơn khi đóng cửa tuần qua đã vượt qua ngưỡng cản 380 điểm (đứng ở mức 381,6 điểm).

Từ hiện tượng thị trường tuần qua

So sánh với chỉ số đóng cửa tuần trước, VN-Index giảm 4,5% (tức tuần trước VNIndex đứng ở mức 1.097,07 điểm). Xét về khối lượng giao dịch, mức bình quân chung cũng giảm chỉ còn 11,1 triệu CP/phiên, so với mức 12,6 triệu CP/phiên của tuần trước.

Với sàn Hà Nội, khối lượng giao dịch trung bình tuần qua cũng giảm nhẹ so với tuần trước, đạt 5,9 triệu CP/phiên, so với mức 6,1 triệu CP/phiên của tuần trước. Trước hiện tượng điều chỉnh của sàn TP.HCM, khối NĐTNN đã gia tăng mua vào trên cả hai sàn: sàn Tp.HCM, khối này mua vào lên tới 1.806 tỷ đồng, so với mức 1.211 tỷ đồng. Còn tại sàn Hà Nội giá trị cũng đạt tới 266 tỷ đồng, so với 169 tỷ đồng của tuần trước.

Theo nhóm chuyên gia phân tích Công ty Chứng khoán Hoàng Gia (IRS), điểm đáng chú ý trong tuần qua là số lượng và giá trị giao dịch của thị trường tiếp tục giảm so với tuần trước; bất chấp thông tin về kết quả kinh doanh khá tốt của các doanh nghiệp có CP xếp vào hàng Blue-chips tại HOSE được công bố như PVD, REE, TDH, HAP… IRS cho rằng, khi nhiều thông tin tốt đã được tung ra mà không hỗ trợ được VN-Index tăng điểm, thì VN-Index khó tăng điểm trong tuần tới.

Đến xu thế tuần tới

Xét đồ thị kỹ thuật, IRS cho rằng, dù VNIndex đang diễn biến đi ngang nhưng trong ba tuần qua, đồ thị VN-Index cũng hình thành mô hình đỉnh đầu vai (mô hình đỉnh đầu vai được vận dụng xem xét giá CP hoặc chỉ số VN-Index đã đạt đỉnh và khi hình thành mô hình này, giá CP hoặc VN-Index sẽ có xu hướng giảm).

Hiện tượng đáng chú ý thứ hai trong tuần qua là NĐT đã chuyển trọng tâm đầu tư sang sàn Hà Nội, đẩy giá trị giao dịch bình quân tại sàn này đã cao hơn nhiều so với thời các giai đoạn trước. Xét qua hiện tượng nhóm CP Blue-chips của HoSE sau đợt điều chỉnh giảm, vừa chớm tăng một phiên đã lại giảm ngay có thể đoán định, do các NĐT bán tháo, dù lãi ít, để rút vốn sang HaSTC nhằm gia tốc lợi nhuận.

Hiện nay trên các sàn, NĐT đều so sánh, với biên độ tăng, giảm 5% của sàn Tp. HCM, NĐT phải mất trung bình 2 tuần mới đạt được lợi nhuận. Trong khi tại sàn Hà Nội, chỉ cần T+3 là có thể đạt lợi nhuận 15-20%. Nếu “gan hơn” để tới 2 tuần, có thể đạt 50 – 100% lợi nhuận. Việc khối NĐTNN cũng tăng đột biến cả lượng và giá trị giao dịch tại sàn này cho thấy sàn Hà Nội cũng đã thu hút các NĐTNN.

Xét hiện tượng thực tế nói trên và đồ thị kỹ thuật của HaSTC-Index tuần qua, nhóm chuyên gia IRS nhận định, nhiều tín hiệu cho thấy HaSTC-Index đang có xu hướng tăng sau đợt điều chỉnh diễn ra từ phiên cuối tuần qua (26/10) và dự kiến tiếp tục xảy ra vào hai phiên đầu tuần tới.

Khuyến cáo các NĐT, IRS cho rằng, NĐT nên chú ý tới nhóm CP thị giá thấp nhưng có kết quả kinh doanh tốt của cả hai sàn, còn nhóm CP Blue-chips, phân tích kỹ thuật thời gian qua cho thấy các NĐT ngày càng giảm sự quan tâm vào nhóm này. Do đó, nhiều khả năng nhóm Blue- chips sẽ tiếp tục giảm giá trong thời gian tới và sức mạnh của VN-Index lại chủ yếu dựa vào nhóm Blue-chips nên khi nhóm này giảm giá thì VN-Index không thể tăng.

(Theo ThiTruong)