Phát hành trái phiếu Chính phủ (TPCP) là phương thức huy động vốn hữu hiệu cho ngân sách nhà nước và đầu tư phát triển, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cũng như phát triển thị trường tài chính. Tuy nhiên, cơ sở phát triển cho thị trường này ở nước ta vẫn còn những hạn chế nhất định, chưa thúc đẩy phát triển thị trường nợ.

Tại sao phải thu phí?

Theo quy định ở nước ta, việc giao dịch TPCP của các NĐT phải thông qua CTCK - là tổ chức trung gian thu phí cả người mua lẫn người bán. Để một giao dịch TPCP 100 tỷ đồng được hoàn thiện thì NĐTphải mất đến cả 100 triệu đồng tiền phí.

Mà thông thường những giao dịch mua bán TPCP là những giao dịch lớn, ít nhất có giá trị từ 100-300 tỷ đồng. Chính điều này làm cho thị trường TPCP của Việt Nam không thu hút được nhiều nhà đầu tư giao dịch, nhất là các NH nước ngoài. Điều này trái ngược với nhiều nước trên thế giới. Chẳng hạn, ở thị trường Thái Lan, các ngân hàng (NH) là thành viên trên thị trường được tự do mua bán trực tiếp với nhau không thông qua một tổ chức trung gian nào cả. Cuối ngày, các NH chỉ việc báo giá và số lượng giao dịch cho UBCKNN. Điều này giúp NĐT nắm giữ TPCP có thể dễ dàng mua bán, tăng tính thanh khoản cho thị trường.

Phải có nghiệp vụ repo cho TPCP

Một nhân tố đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển thị trường TPCP là nghiệp vụ repo, cho phép NĐT TPCP có thể bán TPCP tại thời điểm này và có thể mua lại trong một khoảng thời gian nhất định. Khi nghiệp vụ repo phát triển sẽ tạo tính thanh khoản rất cao cho TPCP trên thị trường. Tuy nhiên, thực tế hiện nay ở nước ta nghiệp vụ repo TPCP chưa thực sự phát triển và hầu như các NH nước ngoài tại Việt Nam không tham gia repo TPCP. Một trong những nguyên nhân chính của tình trạng này là Việt Nam không có mẫu hợp đồng repo chuẩn hóa. NĐT đến NH A làm repo thì NH A dùng mẫu hợp đồng của NH A, sang NH B thì phải theo mẫu hợp đồng khác.

Mỗi mẫu như vậy do các NH tự tạo ra, có nhiều điều khoản trong hợp đồng không nhất quán. Trong khi các nước trên thế giớiđều có hợp đồng chung áp dụng cho tất cả các nghiệp vụ repo và tất cả các NH đều phải sử dụng mẫu này. Mẫu hợp đồng này được chuẩn hóa toàn bộ quyền lợi, trách nhiệm của NH và NĐT, người mua và người bán do Hiệp hội repo soạn thảo.Để thị trường TPCP phát triển, NHNN Việt Nam nên đứng ra xây dựng hạ tầng cho giao dịch TPCP, giúp các NH chuẩn hóa hợp đồng repo nhằm tháo gỡ rào cản phát triển thị trường.

Sôi động thị trường TPCP?

Riêng Bộ Tài chính cũng nên đẩy mạnh việc phát hành TPCP theo lô lớn có cùng ngày thanh toán, cùng một lãi suất. Thay vì phát hành 1 lô 300 tỷ đồng thì có thể phát hành 1 lô 1.000 tỷ đồng. Bởi vướng mắc hiện nay trong phát hành TPCP lô nhỏ ở Việt Nam là hầu như các NĐT nước ngoài đều chọn giao dịch lô lớn ít nhất là 10 triệu USD, trong thị trường chủ yếu là lô nhỏ, muốn giao dịch phải đi tìm TPCP có mã giao dịch giống nhau.

Trong khi đó, thói quen của các NH Việt Nam là khi mua TPCP xong là cất vào kho, không bán ra, làm cho cung cầu trên thị trường không có. Trong năm 2007 Bộ Tài chính cũng đã thí điểm phát hành lô lớn và đây là điều cần thiết được đẩy mạnh trong thời gian tới. Vìthực tế phát hành TPCP lô lớn sẽ giảm số lượng các loại TPCP lưu hành trên thị trường, giúp các NĐT cũng như các tổ chức trung gian dễ theo dõi, nắm bắt diễn biến về giá của các loại TPCP. Đây là cơ sở cho việc đặt giá mua, bán. Mặt khác, với khối lượng phát hành lớn đã tạo điều kiện cho nhiều NĐTcùng sở hữu một loại trái phiếu, làm cho tính khả mại của trái phiếu tăng lên, thu hút sự quan tâm của các NĐT.

Thị trường TPCP Việt Nam hứa hẹn từ đây đến năm 2010 sẽ phát triển nhanh không thua gì thị trường CP. Đây là kênh đầu tư hấp dẫn đang được nhiều quỹ đầu tư nước ngoài quan tâm.

© Copyright 2007 by Intellasia.net