Diễn biến TTCK VN trong hai tuần qua có thể nói là sự thăng hoa sau một thời gian dài gần nửa năm bị kìm nén. Ngoài ra, một trong những tâm điểm chú ý hiện nay chính là sự chuẩn bị chào đón đợt IPO NH lớn nhất VN - Vietcombank.

Giá CP sẽ gây bất ngờ?

Diễn biến cổ phần hoá (CPH) và IPO VCB cũng đem lại rất nhiều cảm xúc khác nhau cho NĐT, từ mong mỏi đầu năm đến thất vọng vào tháng 7 khi có thông tin không thể kịp tiến hành IPO trong năm 2007 rồi lại hy vọng khi Chính phủ cho phép IPO vào cuối năm 2007 với những "ngoại lệ riêng có cho VCB" trong việc tìm kiếm đối tác chiến lược và giá bán.

Đặc biệt, những thông tin về đàm phán lựa chọn đối tác đang được giới đầu tư săn lùng, nhất là thông tin giá chào bán. Đây chắc chắn sẽ là mốc tham khảo quan trọng.

Theo những nguồn tin không chính thức đang lan truyền trong giới đầu tư, mức giá được đề xuất có thể lên tới 200.000 - 250.000đ/CP. Tuy nhiên, vấn đề xác định giá với đối tác chiến lược của NH còn căn cứ vào tiêu chí và những cam kết khác.

NĐT chiến lược phải là những đối tác hiểu rõ ngành nghề kinh doanh cũng như tiềm năng phát triển của DN, có khả năng đóng góp vốn, công nghệ quản lý, kinh nghiệm, mở rộng mạng lưới hoạt động của VCB ra nước ngoài và cam kết hợp tác lâu dài để giúp DN trở nên tốt hơn.

Theo quyết định phê duyệt phương án CPH VCB, NĐT chiến lược phải cam kết đầu tư dài hạn, không được chuyển nhượng cổ phần trong thời gian ít nhất là 5 năm và là các tổ chức tài chính có quy mô và năng lực tài chính tầm cỡ quốc tế hoặc khu vực.

Mọi việc đang trong giai đoạn đàm phán và sẽ không có gì lạ nếu giá chào bán cho các đối tác chiến lược sẽ gây bất ngờ cho NĐT trong nước. Đây là điều dễ hiểu vì việc chấp nhận mức giá nào đều dựa trên những đánh giá được cho là hợp lý của từng đối tác đồng thời những đánh giá này có thể không giống cách đánh giá cả NĐT trong nước. Dự kiến trong tháng 10, VCB sẽ công bố các đối tác chiến lược và chính thức thực hiện IPO.

Mục tiêu lựa chọn đối tác chiến lược là nước ngoài sẽ thúc đẩy nguồn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào VN, làm tăng mối quan tâm tới ngành NH. Bên cạnh đó, việc xác định giá trị VCB sẽ được thực hiện theo chuẩn quốc tế, tức là sẽ không có sự điều chỉnh lại các chỉ số sổ sách.

Giá trị thực của NH sẽ được xác định thông qua kết quả đấu giá của thị trường. VCB chỉ đăng ký vốn điều lệ mới sau khi toàn bộ số CP phát hành cho đối tác chiến lược và công chúng đã hoàn thành xong. Vốn điều lệ của VCB là 15.000 tỉ đồng.

Với tổng tài sản hiện nay là 180.000 tỉ đồng, lợi nhuận trước thuế dự đoán là trên 4.000 tỉ đồng, thương hiệu mạnh với giá trị vô hình lớn thì mức P/E của VCB có thể đem lại nhiều cảm xúc khác nhau cho các NĐT.

Tác động đến TTCK

Theo đánh giá của các chuyên gia đầu tư thì việc IPO VCB vào thời điểm hiện nay là một sự kiện lớn bởi vai trò quan trọng đối với ngành NH nói riêng và nền kinh tế VN nói chung. Từ góc độ TTCK, việc IPO VCB sẽ ảnh hưởng mạnh.

Sự kiện này sẽ tạo ra một hiệu ứng tích cực khiến giới đầu tư quan tâm hơn đến CP NH. Nhìn lại đợt phát hành trái phiếu VCB vào cuối năm 2005 ta có thể nhận thấy sự quan tâm của các NĐT đến thương hiệu lớn nhất VN trong ngành NH khi số lượng trái phiếu đã được bán hết chỉ trong vòng 1 phút.

Các NĐT háo hức mua với tâm lý mong chờ việc chuyển hoá trái phiếu thành CP khi thực hiện CPH. Sau khi mua hụt trái phiếu VCB và nhận ra hiệu ứng tích cực từ việc phát hành trái phiếu chuyển đổi của VCB, các NĐT đã quay sang tìm mua CP của các NH khác với giá tăng tới 40-50%, tạo nên một cơn sốt đầu tư đối với các CP NH và CP NH đã xác lập được mặt bằng giá mới so với trước đó.

Cách thời điểm hiện đây 2 tuần, từ 15.9 trở về trước, TTCK VN chứng kiến giá trị giao dịch trung bình là 500 tỉ đồng/phiên đối với sàn Hostc và hơn 100 tỉ đồng/phiên đối với sàn Hastc. Khối lượng và giá trị giảm mạnh so với thời điểm đầu năm dao động trong phạm vi khoảng 1.000 tỉ đồng/phiên.

Một lượng vốn lớn đã được chuyển sang đầu tư vào thị trường bất động sản và ngoại hối do ảnh hưởng xấu của lạm phát trong thời gian qua cộng với sự bất ổn của TTCK thế giới và khả năng tạm hoãn các đợt IPO DN lớn tại VN, đồng thời khiến cho một lượng lớn vốn nước ngoài đang chờ đợi cơ hội đầu tư ở VN nhưng chưa tìm được cơ hội để giải ngân.

Xét tổng thể, đầu tư CK chỉ là một kênh đầu tư và giá trị đầu tư qua kênh này vẫn còn quá nhỏ so với số tiền gửi tiết kiệm tại các NH. Vì vậy, việc IPO thành công VCB sẽ có tác dụng thúc đẩy các NĐT đến với TTCK qua đó làm tăng quy mô và khối lượng giao dịch và thu hút thêm hàng chục ngàn tỉ đồng vào TTCK. Tuy nhiên, trong ngắn hạn, cũng không loại trừ khả năng một nguồn vốn tương đối lớn sẽ bị tạm thời hút ra khỏi thị trường để đưa vào đấu giá VCB.

Với sự tham gia nhiệt tình của đối tác ngoại, dự kiến mức giá bán cho các NĐT chiến lược nước ngoài dù là "hợp lý nhất" căn cứ vào khả năng đóng góp cho sự phát triển của VCB trong tương lai cũng sẽ rất cao (trên 20 lần mệnh giá), qua đó thu hút được một nguồn vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài vào với TTCK trong nước mà nếu không IPO VCB nguồn vốn này có thể sẽ không được giải ngân.

Ngoài những tác động gián tiếp này, CP VCB chắc chắn cũng sẽ trở thành là một nguồn hàng đầy hấp dẫn cho thị trường trong thời gian sắp tới với khả năng thanh khoản cao thúc đẩy giao dịch, tạo đà đi lên cho CP khối NH nói riêng và toàn thị trường nói chung. Việc xác định mức giá đấu thành công tốt đối với VCB cũng sẽ khiến thị trường định giá lại các CP đang niêm yết lẫn OTC, trong đó đặc biệt là các CP thuộc ngành tài chính - NH.

© Copyright 2007 by Intellasia.net