Sau một thời gian dài đi xuống rồi dao động ngang, VN-Index đã thực sự phục hồi. Mặc dù hầu hết các CP đều tăng giá, nhưng việc xác định thị trường đang ở giai đoạn nào để có những chiến lược lựa chọn CP trong giai đoạn phù hợp để có thể mang lại lợi nhuận tốt nhất không phải là câu hỏi dễ trả lời.

Diễn biến của thị trường thời gian qua đã phần nào cho thấy những quy luật rất "VN".

Blue-chips: Đầu máy khởi động?

Đây vốn là nhóm CP luôn được NĐT trong và ngoài nước đánh giá cao và quan tâm đến mọi động thái, thông tin giao dịch của chúng. Diễn biến của nhóm CP này là chỉ báo cho "sức khoẻ" và tâm lý chung của thị trường.

Đặc điểm các CP là những DN làm trong các lĩnh vực có ưu thế nổi bật, kết quả kinh doanh tốt - tăng trưởng đều đặn qua các năm, và tất nhiên mức giá cũng thuộc hàng "top" trên, thường kín "room".

Đây cũng là nhóm CP giảm nhiều nhất trong giai đoạn điều chỉnh vừa qua, điển hình là FPT. Hiện tại, giao dịch của nhóm này đang trở nên rất sôi động khi thị trường phục hồi.

Một hiện tượng mới xuất hiện gây chú ý của khá nhiều NĐT, là việc gia nhập thêm của những Blue-chips bên sàn HN sang sàn HCM: SSI, MPC. Mặc dù chưa công bố thời điểm chính thức, nhưng thông tin chuyển sàn đã kích giá của các CP này lên rất mạnh (VD: SSI). Kịch bản nào sẽ nối tiếp cho các CP chuyển sàn này? Dự đoán và lựa chọn những CP này là cơ hội cho các NĐT.

Trong 3 năm gần đây, TTCK Việt Nam dường như đã thể hiện rõ tính chu kỳ của mình qua 4 giai đoạn: Tích luỹ, tăng trưởng, suy thoái và phục hồi. Thông thường, trong giai đoạn tăng trưởng của thị trường, các blue-chips sẽ là những đầu tàu chạy nhanh nhất kéo thị trường đi lên.

CP hạng trung: Hấp dẫn khả năng "lên đời"

Đây là những CP có quy mô vốn điều lệ nằm ở mức trung bình của thị trường nhưng đang có xu hướng tăng trưởng mạnh mẽ về doanh thu và lợi nhuận. Có thể trong tương lai không xa sẽ có những CP trong nhóm này vươn lên lọt vào trong nhóm các CP blue-chips. Một số CP hạng trung được các NĐT đánh giá khá tốt như: BBC, TS4, TAC, TTP, HAP, HAS, DNP, SMC,...

Trong khi nhiều CP bluechips đã được mua hết room thì những CP hạng trung này đang còn rất rộng rãi về room và bắt đầu nhận được sự chú ý của nhiều NĐT nước ngoài như: BBC, TS4, TAC, TTP... Do vậy, cơ hội cho sự tăng trưởng về giá của những CP này là rất triển vọng. Trong xu thế thị trường đi lên, thì những CP này cũng sẽ có sự tăng trưởng cùng thị trường, nhưng thường hay chậm pha hơn so với các CP bluechips.

Penny stock: Cơ hội ngắn hạn?

Những chú lính nhỏ Penny stocks thường có xu hướng chạy chậm nhất so với hai nhóm CP trên và giai đoạn tăng trưởng của penny stocks, thường vào cuối giai đoạn tăng trưởng của thị trường.

Thêm vào đó, có nhiều penny stocks giao dịch ngược hướng với thị trường, khi thị trường đi lên thì những CP này lại chỉ tăng rất nhẹ hay đứng giá và thậm chí là đi xuống hay khi thị trường đi xuống thì chúng lại bắt đầu tăng.

NĐT chú ý vào lịch sử giao dịch của các CP này sẽ nhận thấy rõ được hướng đi của các penny stocks trong từng giai đoạn thị trường để nhận ra được thời điểm mua vào hợp lý nhất.

Cơ hội đầu tư vào các Penny stock còn được nhận ra khá rõ dựa vào các kế hoạch tăng vốn của những CP này trong tương lai để có thể đáp ứng được yêu cầu niêm yết tại Sở GDCK TP.HCM.

Theo đó, các công ty này phải nâng dần vốn điều lệ lên trong 2 năm 2007 và 2008 sao cho vốn điều lệ tối thiểu đạt được là 80 tỉ đồng. Cơ hội đầu tư cũng như đầu cơ ngắn hạn mỗi khi các CP này tăng vốn luôn là sự lựa chọn hấp dẫn của nhiều NĐT.

CP

Giá cao nhất (2007)

Giá hiện tại

Giá điều chỉnh *

% Giảm giá **

FPT

665

273

410

38%

VNM

212

182

182

14%

PPC

105

64

64

39%

REE

285

154

231

19%

PVD

308

170

267

13%

GMD

208

142

142

32%

STB

168

70

125

26%

*Giá điều chỉnh: Là mức giá điều chỉnh giá hiện tại về tương ứng với giá cao nhất năm 2007.

** % giảm giá = 1 - giá điều chỉnh/giá cao nhất (tính theo tỉ lệ %).

(Theo LaoDong)