Những đối tượng nào bị tác động bởi "ma trận phí"?
Riêng với các Công ty đang niêm yết, sẽ có khoảng 9 loại phí mới và khoảng 15 loại phí khác liên quan đến giao dịch, quản lý Công ty đại chúng. Mặc dù loại phí "đánh" trực tiếp vào NĐT không có thay đổi lớn, nhưng thực tế các CTCK sẽ phải tính toán lại các phí dịch vụ để cân đối với mức chi mới.
Tổ chức trung gian: Tăng phí thành viên
Nhóm chịu tác động nhiều nhất là các tổ chức trung gian của thị trường bao gồm các CTCK và thành viên lưu ký. Mức phí sử dụng thiết bị đầu cuối sẽ tăng từ 20 triệu đồng lên 50 triệu đồng/thiết bị/năm. Theo lộ trình thực hiện giao dịch không sàn, mức phí này sẽ được chuyển thành quyền sử dụng hệ thống.
Điểm thú vị là đại diện của nhiều CTCK lại cho rằng mức phí như vậy vẫn còn thấp. Nguyên nhân khá tế nhị là do phí sử dụng thiết bị thấp nên nhiều CTCK mới "bao" luôn đủ suất thiết bị tối đa mà sở hoặc trung tâm dành cho mặc dù có thể Cty không có nhu cầu sử dụng hết. Kiểu "giữ chỗ" này có thể khiến các CTCK mới bị hết chỗ hoặc CTCK cũ không mở rộng thêm được số màn hình nhập lệnh. "Chi phí cao sẽ khiến các CTCK phải cân nhắc yếu tố hiệu quả" - đại diện CTCK Bảo Việt cho biết.
Ngoài ra sẽ có 3 loại phí mới mà nhóm này phải trả bao gồm: Phí thành viên giao dịch với mức 300 triệu đồng cho thành viên mới (thu một lần) và 50 triệu đồng/thành viên hàng năm. Phí thành viên lưu ký 50 triệu đồng đăng ký ban đầu và phí thường niên 30 triệu đồng/thành viên. Các mức phí thành viên lần đầu nhận được sự phản ứng nhiều nhất của đại diện các CTCK.
Các ý kiến cho rằng mức phí thành viên giao dịch là quá cao, khác biệt với mức phí thành viên lưu ký. Theo chính thông tin của UBCKNN, phí thành viên lần đầu tại Australia cũng chỉ tương đương 170 triệu đồng và phí thường niên là 50 triệu đồng. Một mức phí mới là phí sửa lỗi, dự kiến 500.000đ/1 giao dịch sửa lỗi.
Theo bà Nguyễn Thị Liên Hoa - Phó Chủ tịch UBCKNN, phí này thực chất như một hình thức phạt nhằm hạn chế mức sai phạm rất phổ biến hiện nay, đồng thời góp phần bù đắp chi phí phát sinh như điều chỉnh dữ liệu, sao kê hồ sơ... Ngoài ra, phí lưu ký CK đối với các thành viên lưu ký sẽ được tăng từ 2đ/1 lô 10 CK lên 0,5đ/1 CK (tương đương 5đ/lô). Việc thay đổi đơn vị tính nhằm chuẩn bị cho việc thay đổi đơn vị giao dịch (từ lô 10 CK lên 100 CK) trong tương lai.
Công ty niêm yết: Thêm nhiều loại phí mới
Nhóm thứ hai là các Công ty niêm yết và Công ty đại chúng. Dự kiến các khung phí cho việc quản lý niêm yết hàng năm sẽ thay đổi: 10 triệu đồng/năm cho DN có quy mô niêm yết dưới 80 tỉ đồng; 15 triệu đồng cho DN từ 80-500 tỉ đồng; 20 triệu đồng cho DN niêm yết 500 tỉ đồng trở lên. Nhìn chung sự thay đổi chỉ tối đa 5 triệu đồng nếu DN phải "chuyển nhóm" theo biểu phí mới.
Tuy nhiên, nhóm này sẽ có thể phải chịu tới 5 loại phí mới bao gồm: Phí chấp thuận niêm yết (20 triệu đồng thu một lần), phí cấp phép niêm yết bổ sung (5 triệu đồng/lần), phí đăng ký lưu ký lần đầu (từ 10-20 triệu đồng tùy theo quy mô đăng ký), phí đăng ký lưu ký bổ sung (5 triệu đồng/lần), phí thực hiện quyền (từ 5 triệu - 20 triệu đồng tuỳ số lượng cổ đông).
Ngoài ra, các DN có nguy cơ phải chịu một mức phí sàn là 2% tổng giá trị bảo lãnh phát hành trong khi quy định cũ chỉ giới hạn trần là 3%. Đây là điểm có nhiều ý kiến bất đồng, đặc biệt là từ các CTCK vì can thiệp sâu vào quan hệ giữa các DN. Thực tế vừa qua nhiều CTCK đã thực hiện giảm phí để ưu đãi khách hàng.
Theo ông Nguyễn Hoàng Hải - Tổng thư ký Hiệp hội Nhà đầu tư tài chính (Vafi), đây là quan hệ kinh doanh, thậm chí không cần quy định cụ thể mà để các DN tự điều chỉnh. Với hoạt động phát hành chứng chỉ quỹ, lần đầu tiên được quy định phí với khung từ 1% tới 2%. Cụ thể, chào bán dưới 500 tỉ đồng mức phí là 2%, từ 500 tỉ - 1.000 tỉ đồng là 1,5% và trên 1.000 tỉ là 1%. Trước đây các quỹ đầu tư phát hành đã từng thu phí tới 3%. Đại diện UBCKNN cho biết đây là điều chỉnh rất cần thiết nhằm tạo sự công bằng trong các đối tượng tham gia thị trường.
Nhà đầu tư: Sẽ có mức sàn phí môi giới
Sửa đổi duy nhất có thể gây tác động trực tiếp đến NĐT là việc quy định thêm mức sàn phí dịch vụ môi giới tại các CTCK. Theo đó, các CTCK sẽ thu từ 0,15% đến 0,5% giá trị giao dịch đối với CP và chứng chỉ quỹ. Đối với trái phiếu khung sẽ từ 0,05% đến 0,1%.
Việc quy định mức sàn hợp lý hay không còn gây nhiều tranh cãi. Theo một số ý kiến, việc quy định mức sàn sẽ ngăn cản hoạt động khuyến mãi (chẳng hạn miễn phí giao dịch) của các CTCK, đặc biệt là các CTCK mới, trong khi đây cũng là một "chiêu" hút khách.
Quan điểm của UBCKNN lại cho rằng, vừa qua do không có mức sàn đã dẫn tới việc giảm phí hoặc miễn phí tuỳ tiện dẫn đến chất lượng dịch vụ không đảm bảo, ảnh hưởng đến quyền lợi của NĐT. Từ các CTCK đã "thành danh", đa số ý kiến đồng tình với việc đặt ra mức sàn nhằm hạn chế sự cạnh tranh bất kể chất lượng dịch vụ môi giới. Tuy nhiên, phí giao dịch sàn với trái phiếu được cho là quá cao vì giá trị chuyển nhượng thường rất lớn.
Theo kế hoạch, sau khi tham khảo các ý kiến, Bộ Tài chính sẽ ban hành các nội dung này dưới dạng thông tư về phí, lệ phí trong lĩnh vực CK trong tháng 11.2007 và tổ chức tập huấn cho các đối tượng liên quan trong tháng 12. Thông tư dự kiến có hiệu lực từ đầu năm 2008.
(Theo LaoDong)
0 Responses to Những đối tượng nào bị tác động bởi "ma trận phí"?
Something to say?